Máy hát từ rác thải điện tử của kiến trúc sư

CTG - Kiến trúc, thiết bị công nghệ và âm thanh là ba cái mê dẫn lối cho một kiến trúc sư vào con đường tái chế rác thải điện tử thành những chiếc máy hát độc và đẹp.

Anh là Lâm Thanh Tùng (37 tuổi), hiện làm giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Tùng bảo có "đánh chết" cũng không bỏ được ba thứ mê đó. Kiến trúc là nghề, còn lại là nghiệp.

Vậy là nghề - nghiệp quấn lấy nhau để Tùng cho ra đời La Madame - máy hát từ rác thải điện tử, được chế tạo ngay trong nhà anh.

Tôi làm La Madame vì muốn tái chế rác thải khó xử lý, cũng muốn tạo ra một món đồ trang trí phù hợp, chứ kiếm tiền từ việc chế tạo máy thủ công với giá rẻ thì "chua" lắm. Tôi coi La Madame đơn thuần như một sứ mệnh môi trường được sinh ra từ đam mê nghề lẫn nghiệp.
LÂM THANH TÙNG

La Madame

Gọi La Madame là đơn vị sản xuất cho oai chứ thực ra một tay Tùng phải làm hết các khâu, từ tìm kiếm linh kiện phù hợp, lên thiết kế, làm khuôn đến đóng máy.

"Máy hát của Tùng làm đúng nghĩa là đồ handmade nên không bao giờ có một máy nào hoàn thiện theo định nghĩa thương phẩm công nghiệp và cũng không cái nào giống cái nào" - Tùng chia sẻ.

Điều đó đã được nhiều khách tham dự triển lãm máy hát La Madame của Tùng tại Đà Lạt (Lâm Đồng) xác thực. Ông Võ Trung Dung - người Pháp gốc Việt đang định cư tại Đà Lạt - nói sáng kiến "tái tạo âm thanh từ linh kiện tái sử dụng" của Tùng rất hay.

Theo ông Dung, nếu Tùng không thật thà khai hết chắc cũng không mấy ai biết anh đã dùng các linh kiện âm thanh bỏ đi của xe hơi để dựng thành những chiếc máy nghe rất nét, trang trí nhà cũng rất đẹp.

"So thiết kế với các thương hiệu lớn chắc cũng không thua kém lắm. Có thể coi máy hát của Tùng làm ra là một sản phẩm có tính bảo vệ môi trường nhưng cũng có tính cá nhân hóa cao mà tại châu Âu muốn sở hữu phải bỏ ra rất nhiều tiền" - ông Dung chia sẻ.

Để chứng minh mình đã "chế" thế nào, Tùng không ngại tháo nguyên một chiếc máy hát hoàn thiện cho mọi người đến dự triển lãm được thấy cấu tạo bên trong ruột máy.

Anh thật thà máy đơn giản lắm, chắc không có gì để hư. Bản mạch do anh tự hàn, khung gỗ anh cũng tự đóng. Anh cũng tìm cách hoàn thiện phần giao diện từng đời máy khác nhau để phù hợp với việc trang trí ở các không gian nhà cửa khác nhau.

Hỏi Lâm Thành Tùng bộ máy hát La Madame đã giúp thiết bị nào khỏi rơi vào cảnh xả rác điện tử vào môi trường? Tùng cười: "Đó là bộ phát âm thanh trên xe hơi từ những năm 2010. Cùng với đó là những củ loa gắn trên cửa xe hơi, cả những linh kiện đồ điện hư đang trên đường tới bãi rác".

Đưa ký ức vào từng chiếc máy hát

Nói những máy hát La Madame của Lâm Thanh Tùng là một bản thể sống dậy từ rác điện tử là đúng nhưng chưa đủ.

Đam mê máy móc là một lẽ song sự hoa mỹ của kiến trúc sư mới là điều quan trọng. Với Tùng, làm từng chiếc máy ấy như đang gieo trồng những hạt mầm ký ức, có khi là người, có khi làm nơi chốn.

 

Tùng nhớ hồi đó những chiếc xe hơi mắc tiền của Nhật trang bị những đầu chạy đĩa CD toàn của thương hiệu lớn.

Cả loa cánh cửa cũng vậy, hàng hiệu không! Nhưng tại Việt Nam, do nhu cầu "độ chế", nâng cấp màn hình nên đa số chủ xe lột bỏ. Tùng thấy tiếc. Cậu ta nghĩ nếu làm máy hát dùng hoặc bán được có lẽ sẽ giải quyết được kha khá thiết bị.

Và Tùng dành một năm tìm hiểu, phục dựng nhưng kết quả không đến đâu. Thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành, nhiều tháng không biết làm gì, Tùng lại tỉ mẩn với ấp ủ đã có.

"Mỗi ngày, Tùng đều chơi với đống thiết bị nên đã cho ra được chiếc máy hát hoàn thiện và khá liền lạc nhưng để bán thì không dám" - Tùng kể.

Nếu làm một vài chiếc chắc cũng chỉ mới thỏa chuyện chơi, chưa giải quyết được mục tiêu xử lý kha khá đầu đĩa bỏ đi từ xe hơi.

Đa số các cửa tiệm nâng cấp đồ xe hơi tháo ngay và bỏ đi khi xe mới được bàn giao. Tùng cho biết do không quen buôn bán, lại bán đồ thủ công nên cũng ngại nếu so với hàng công nghiệp của các thương hiệu sẵn có.

Phải kể câu chuyện bằng những chiếc máy hát để nó được cá nhân hóa và khác biệt. Ý nghĩ ấy thoảng qua đầu Tùng.

Và những chiếc máy dựng riêng cho Đà Lạt, Tùng vẽ lên tấm ê căng (tấm bảo vệ loa bằng vải, gỗ hoặc lưới thép) các danh thắng, con người mà cái tên đã nhắc nhớ về Đà Lạt.

Với những chiếc máy hát đi về Nha Trang hay ở lại TP.HCM, có những câu chuyện hội họa tương ứng. Với chiếc nào được thiết kế theo đặt hàng đặc biệt, câu chuyện trên máy hát cũng đặc biệt, có thể là vẽ hoặc khắc laser trực tiếp lên máy.

Máy hát của Lâm Thanh Tùng không hoàn hảo nhưng nó có câu chuyện. Mỗi chiếc máy là một tự sự về văn hóa tiêu dùng, ứng xử với môi trường, cá tính người thiết kế và thông điệp của người mua máy.

Đã đến tay người dùng

Năm 2022, máy hát tái chế từ linh kiện âm thanh xe hơi của kiến trúc sư Lâm Thanh Tùng đạt độ hoàn thiện cao và anh bắt đầu bán.

Anh không tiết lộ có bao nhiêu máy hát đã được chuyển đến tay người dùng. Nhưng anh nói từ chỗ cho không, bán rẻ những linh kiện tháo ra từ xe hơi đến nay mấy cửa hàng độ xe đã chuyển sang bán buôn, có giá cụ thể.

Để có linh kiện đúng ý phục vụ các thiết kế trong tương lai, Tùng phải mua linh kiện rác về cất kho dùng dần.

Sinh viên Nguyễn Huỳnh Nam (Trường ĐH Đà Lạt) hào hứng khi xem và nghe máy hát của kiến trúc sư Tùng bộc bạch: "Nếu anh Tùng không nói máy hát La Madame là đồ tái chế, mình cũng sẽ không hề biết điều đó mà cứ nghĩ là máy nguyên chiếc".