Người trẻ hào hứng với văn hóa ngoại, thờ ơ với văn hóa Việt?

(CTG) Trong dịp lễ Halloween vừa qua, rất nhiều nơi tổ chức hưởng ứng các hoạt động hóa trang, trò chơi trải nghiệm, ăn uống… Để minh chứng cho điều này, rất nhiều người trẻ nườm nượm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố Tây Bùi Viện, TP.HCM.

 

Trong dịp lễ Halloween vừa qua, rất nhiều nơi tổ chức hưởng ứng các hoạt động hóa trang, trò chơi trải nghiệm, ăn uống… Để minh chứng cho điều này, rất nhiều người trẻ nườm nượm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố Tây Bùi Viện, TP.HCM.

Điều này cho thấy sức ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài du nhập vào Việt Nam ngày càng có sức hút với người trẻ. Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng, người trẻ đang ngày càng thờ ơ với các lễ hội văn hóa truyền thống của người Việt?

Người trẻ hào hứng với văn hóa ngoại, thờ ơ với văn hóa Việt? - ảnh 1
Bạn trẻ tham gia chương trình Halloween đồng nghiệp. BẢO VY

Người trẻ có lãng quên văn hóa truyền thống Việt?

Lê Nguyễn Bảo Vy (21 tuổi), sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, trợ giảng tại một trung tâm Anh ngữ có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 (TP.HCM) chia sẻ: “Có vẻ chính sự mới lạ của lễ hội Halloween khiến mình thích thú. Bởi vì dịp này, mình được hóa trang thành nhân vật yêu thích cũng như có một ngày cùng mọi người quây quần, kết nối, gắn kết tình đồng đội”.

Ngoài lễ hội Halloween, Bảo Vy cho biết: “Nhiều loại hình văn hóa từ các nước láng giềng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản luôn là chủ điểm được giới trẻ bàn luận, quan tâm sôi nổi. Bằng chứng những trang fanpage cập nhật tin tức thời sự, phim ảnh, âm nhạc từ Trung Quốc, Hàn Quốc đều có lượt theo dõi gần 1,5 triệu và đa phần đều từ giới trẻ”.

Người trẻ hào hứng với văn hóa ngoại, thờ ơ với văn hóa Việt? - ảnh 2
Bạn trẻ Việt Nam tham dự chương trình giao lưu văn hóa Hàn Quốc. XUÂN THI

Theo Bảo Vy, việc văn hóa bên ngoài du nhập vào Việt Nam là một điều cần thiết để xã hội phát triển ngày càng tốt hơn. “Và mình không nghĩ việc văn hóa phương Tây sẽ khiến du nhập người trẻ lãng quên văn hóa của nước nhà, bởi vì ngay chính mình cũng như bạn bè đồng trang lứa cũng luôn hưởng ứng tích cực, cụ thể là thường xuyên tham gia các lễ hội văn hóa Việt Nam”, Bảo Vy nói.

Mai Nguyễn Xuân Thi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thừa nhận: “Bản thân mình đặc biệt có hứng thú với văn hóa Hàn Quốc. Chính phim ảnh, âm nhạc, chương trình truyền hình Hàn Quốc đã giúp mình tiếp cận gần hơn với văn hóa nơi đây. Truyền thông Hàn Quốc đã và đang làm rất tốt, thông qua đó văn hóa đất nước từ trang phục đến ẩm thực Hàn Quốc đã ảnh hưởng sâu sắc đến giới trẻ Việt Nam”.

Mặc dù vậy, Xuân Thi cũng cho biết nhìn trên phương diện truyền thông, nhiều bộ phim và chương trình lồng ghép nét văn hóa Việt Nam vẫn có sức ảnh hưởng nhất định và được các bạn trẻ theo dõi. Ngoài những phim nổi đình đám như “Tấm Cám”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thì gần đây nhất có thể kể đến chương trình “Hai ngày một đêm” nhận được cả triệu lượt xem cho mỗi tập.

“Mình khá thích cách lồng ghép, quảng bá nét văn hóa đặc sắc từng vùng trên mảnh đất Việt Nam trong chương trình “Hai ngày một đêm”. Những kiến thức ngắn gọn cùng với hình ảnh về danh lam thắng cảnh nổi tiếng sẽ dễ để lại ấn tượng và nhớ lâu hơn so với kiến thức khô khan trên trường lớp. Bên cạnh đó, chương trình cũng chèn vào trò chơi nét văn hóa dân tộc từng vùng vừa tạo ra nét độc đáo mà còn thiết thực”, Xuân Thi hào hứng chia sẻ.

Người trẻ hào hứng với văn hóa ngoại, thờ ơ với văn hóa Việt? - ảnh 3
Người trẻ mặc Việt phục tham dự lễ hội “Tóc xanh vạt áo”. MAI THỤY

Làm gì để bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt rộng rãi hơn?

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng Khoa văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Việc giới trẻ hứng thú với văn hóa nước ngoài là điều dễ hiểu, bởi tuổi trẻ có xu hướng thích thú với những điều mới lạ, thích khám phá, học hỏi. Đây vốn là định hướng mà giáo dục hướng đến, nếu các em chỉ biết hưởng những gì sẵn có sẽ khó phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, thế giới đang mở cửa nên việc các bạn trẻ có định hướng học tập, làm việc, giao lưu nước ngoài là điều hiển nhiên. Đó là xu hướng tất yếu của thời đại hội nhập văn hóa. Điều này diễn ra ở tất cả nền văn hóa kể cả châu Mỹ”.

Người trẻ hào hứng với văn hóa ngoại, thờ ơ với văn hóa Việt? - ảnh 4
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ khẳng định người trẻ vẫn quan tâm đến văn hóa Việt. M.TH

Khi được hỏi về mối quan ngại văn hóa ngoại lai sẽ lấn chiếm văn hóa Việt, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ khẳng định: “Vốn dĩ văn hóa Việt Nam đã chảy trong huyết quản các em, do vậy việc tìm hiểu sâu hay không phụ thuộc vào chuyên ngành và mục đích. Nên đa phần các bạn trẻ chỉ sẽ dừng lại ở việc hàm thụ đặc tính, căn cước văn hóa Việt”.

Khi được hỏi làm thế nào để bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt rộng rãi hơn? PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ chia sẻ: “Cần phải có nhiều hơn những sự kiện, sân chơi để các bạn tiếp cận các bình diện của văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống. Và phải để chính các bạn trẻ tham gia vào trong các guồng máy để vận hành và tổ chức các tập quán, trò chơi, trí tuệ dân gian. Đồng thời, đòi hỏi các tổ chức đoàn thể cần khơi gợi các phong trào, chương trình, hoạt động liên quan”.

Về mặt tiếp thu văn hóa nước ngoài, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ cho rằng: “Nhiều bạn trẻ chưa có nhận thức đầy đủ và hệ thống thì cần có thầy cô định hướng để có tư duy thông suốt hơn trong quá trình thu nhập văn hóa ngoại lai. Quan trọng nhất là sau khi thu nhập phải biến nó thành thứ của mình và phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam”.

Theo TN