Quyết liệt giữ 3,8 triệu ha đất lúa

(CTG) Bài toán khó đặt ra là vừa giữ được đất để đảm bảo an ninh lương thực, vừa phát triển được kinh tế để đời sống người dân khá lên.


“Theo con số mới nhất vừa được công bố ngày 27-12, hiện cả nước còn 4,1 triệu ha đất lúa, trong khi mục tiêu đặt ra là giữ được 3,8 triệu ha đất lúa. Với con số này, hiện tại thì chưa có vấn đề gì nhưng quan trọng là làm sao để vẫn giữ được đất lúa mà vẫn phải phát triển được kinh tế” - ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề hội nghị tổng kết năm của ngành ngày 28-12.

Đất vàng để cỏ mọc thì phải thu hồi

Thời gian qua, tình trạng biến đất lúa thành các loại đất khác xảy ra tràn lan ở nhiều tỉnh, thành khắp cả nước. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

+ Việc chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất một phần là do người dân chạy theo lợi ích trước mắt. Chẳng hạn hôm nay thấy cây cảnh được giá thì chuyển đất trồng lúa thành trồng cây cảnh, ngày mai thấy trồng loại cây khác được giá hơn thì lại chuyển sang trồng loại cây đó, hoàn toàn mang tính tự phát. 

Cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Nhiều khi họ cứ nghĩ rằng để người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển kinh tế được là tốt mà không nhìn rộng ra lợi ích của cả quốc gia. Lấy đất lúa nhiều sẽ đe dọa đến an ninh lương thực. Lấy nhiều đất rừng thì ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Bây giờ cần phải rà lại hết xem trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, diện tích nào phù hợp với quy hoạch, đúng pháp luật thì để, nếu không thì phải xử lý. Còn riêng với các khu đất vàng, nếu chỉ để cho cỏ mọc thì phải thu hồi thôi!


Ruộng lúa long an. ảnh: Skydoor.net


Sai phạm nhiều, xử chẳng bao nhiêu

Nhưng chính quyền nhiều khi lại là người chủ động phá bỏ đất lúa, đất rừng mà không phải là người dân hay doanh nghiệp?

7.000 ha đất lúa (số tròn) đã bị giảm đi trung bình mỗi năm. Trong đó có điển hình là các tỉnh: Tây Ninh trên 14.000 ha, Sóc Trăng gần 14.000 ha, Đồng Nai gần 12.000 ha, Bình Dương trên 9.000 ha, Tiền Giang trên 8.000 ha. Một trong những nguyên nhân làm giảm đất lúa là dùng đất lúa làm đô thị, khu dân cư nông thôn hoặc đất sản xuất kinh doanh…

+ Trong một số trường hợp việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là cần thiết, đáp ứng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đó phải có sự kiểm soát, nghĩa là theo quy hoạch và được phép của cơ quan nhà nước. 

Muốn phát triển kinh tế thì phải phát triển khu công nghiệp (KCN) nhưng không vì thế mà chúng ta làm tràn lan, rồi bỏ hoang đất. Vì vậy, vừa qua Thủ tướng đã có chỉ đạo: Các địa phương chỉ được mở KCN mới khi đã lấp đầy 60% KCN cũ. Với việc mở các KCN một cách ồ ạt như trong thời gian vừa qua, các địa phương phải tự rà soát, sau đó trung ương mới “ra tay”. 

Hiện sai phạm trong sử dụng đất công như sử dụng không đúng mục đích, lãng phí, bỏ hoang… được phát hiện nhiều nhưng xử lý không được bao nhiêu. Vì sao vậy, thưa ông?

+ Khi có chủ trương thu hồi một khu đất thì phải xem hiện trạng trên đất đó, có tài sản trên đất hay không… Xử lý như thế nào phải xem xét trên nhiều góc độ. Vừa rồi có đề xuất thu hồi một số đất bỏ hoang nhưng với đất đã có nhà xưởng, công trình thì phải gia hạn cho đơn vị vi phạm có sáu tháng để sắp xếp, điều chỉnh việc sử dụng đất cho phù hợp quy hoạch. Nếu không điều chỉnh được thì sẽ thu hồi. Còn việc có bồi thường cho đất này hay không, bồi thường như thế nào thì phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Hiện Bộ mới chỉ tập trung thanh tra, xử lý ở một số TP lớn, một số tổ chức kinh tế, một số điểm.

 Xin cảm ơn ông.

Nhiều khu đất ở KCN bị bỏ hoang 

Cả nước có gần 250 KCN được thành lập nhưng mới chỉ có trên 160 KCN đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy đạt trên 50%. Nhiều KCN xây dựng đã lâu nhưng không thu hút được đầu tư nên tỉ lệ lấp đầy thấp, đất bị hoang hóa, lãng phí, điển hình là Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên… 

Một số địa phương cho xây KCN mới trong khi các KCN khác ở địa phương có tỉ lệ lấp đầy thấp. Điển hình như Khu liên hiệp dịch vụ công nghiệp Phước Đông-Bời Lợi tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh là KCN mới, trong khi KCN khác của huyện tỉ lệ lấp đầy chưa đến 10%.

(Theo Báo cáo ngày 27-12 của Bộ TN&MT)




Theo Pháp luật TP HCM