Gần đây, đồ chơi nghệ thuật Labubu gây sốt trong giới trẻ và liên tục cháy hàng. Nhân vật "quái vật thỏ" này nằm trong bộ sưu tập "The Monsters" do nghệ sĩ Kasing Lung người Hong Kong (Trung Quốc) sáng tạo ra vào năm 2015.
Tuy nhiên, chỉ đến khi Lisa (BlackPink) liên tục khoe món đồ chơi này trên trang cá nhân từ hồi tháng 4, Labubu bỗng trở thành "cơn sốt". Theo The Nation Thailand, bức ảnh Lisa ôm gấu Labubu đã khiến giá của món đồ chơi tăng vọt 400%.
Ngoài sự thú vị của sản phẩm, nhiều người cũng bất ngờ về danh tính của Wang Ning, vị tỷ phú đứng sau sự thành công của thương hiệu này.
Từ cậu bé bán hàng nhanh nhẹn
Wang Ning sinh năm 1987 trong một gia đình buôn bán nhỏ ở Tân Hương, Hà Nam, Trung Quốc. Cha mẹ của anh mở cửa hàng băng đĩa, sau đó bán thêm đồng hồ, dụng cụ câu cá. Chính vì vậy, tuổi thơ của vị doanh nhân này gắn liền với công việc kinh doanh của gia đình.
Khách hàng đến cửa hàng của nhà Wang Ning đều ấn tượng với cậu bé khoảng 10 tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn nhưng vô cùng nhanh nhẹn, giới thiệu các mặt hàng như một ông chủ đích thực. Và có lẽ đây cũng là bước đệm cho sự nghiệp kinh doanh sau này của anh.
Thương vụ làm ăn đầu tiên của Wang Ning là mở lớp huấn luyện bóng đá sau khi kết thúc kỳ thi đại học. Dù không có sân tập, không huấn luyện viên nổi tiếng, chưa từng có kinh nghiệm đào tạo nhưng Wang Ning vẫn tuyển được 20 học sinh bằng cách phát tờ rơi trước cổng trường tiểu học.
Năm 2005, Wang Ning được nhận vào chuyên ngành Quảng cáo tại Trường Đại học Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc). Khi theo học tại đây, anh khởi nghiệp với nghề bán đĩa CD. Anh vay mẹ 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu đồng) để mua máy ảnh và thành lập studio.
Wang Ning tự tay làm đĩa CD ghi lại cuộc sống sinh viên năm nhất sau 6 tháng đi học và đóng gói rồi bán chúng tại căng tin. Trong số hơn 4.000 sinh viên năm nhất vào trường, đã có 2.300 người mua đĩa của Wang Ning. Không lâu sau, công việc kinh doanh của Wang Ning phải tạm dừng.
Đến năm 2008, anh mở cửa hàng tạp hóa "Grid Street". Cửa hàng nhanh chóng nổi tiếng, lợi nhuận ròng đạt hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 35 triệu đồng). Tuy nhiên, vì mô hình kinh doanh đơn giản nên cửa hàng nhanh chóng sụt giảm doanh số. Lần kinh doanh này giúp anh cảm nhận rõ ràng hơn sự cạnh tranh khốc liệt trong kinh doanh.
Sau khi tốt nghiệp, Wang Ning muốn mở rộng tầm nhìn nên đã giao "Grid Street" cho các bạn và đến Bắc Kinh. Tại đây, anh làm nhân viên lập kế hoạch cho công ty giáo dục. Một năm sau, Wang Ning chuyển sang làm việc cho Sina Corp, công ty vận hành mạng xã hội Weibo. Tuy nhiên, anh nhận ra mình không phù hợp để làm văn phòng nên anh quyết định quay lại con đường khởi nghiệp.
Khi ấy, Wang Ning phát hiện ra Log On, một cửa hàng nhỏ ở Hong Kong (Trung Quốc), đang bày bán rất nhiều văn phòng phẩm, đồ dùng thường ngày một cách bắt mắt. Nhận thấy tiềm năng phát triển của mô hình này nên anh quyết định sao chép và triển khai tại Bắc Kinh.
Nghĩ là làm, Wang Ning ngay lập tức chuyển nhượng "Grid Street" và sử dụng 250.000 nhân dân tệ (hơn 875 triệu đồng) mà mình tiết kiệm được kết hợp cùng một số người bạn ở Bắc Kinh để thành lập nên Bubble Mart, sau này được biết đến với tên gọi là Pop Mart.
Những ngày đầu thành lập, Wang Ning và đội ngũ của mình đã bị vô số trung tâm thương mại từ chối. Họ đều cho rằng đây là một công việc kinh doanh không tưởng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, cửa hàng Pop Mart đầu tiên đã khai trương thành công tại một góc nhỏ của thung lũng công nghệ Zhongguancun, Bắc Kinh.
Đến ông chủ "đế chế đồ chơi" nổi tiếng toàn cầu
Bước ngoặt xảy đến vào 2 năm sau khi có một nhà đầu tư thiên thần quan tâm đến Pop Mart và đã quyết định đầu tư 2 triệu nhân dân tệ (hơn 7 tỷ đồng) cho Wang Ning. Thời điểm nhận được khoản đầu tư đầu tiên, anh đã vô cùng vui sướng và gọi điện ngay cho bố mình: "Bố, hôm nay con trai bố là triệu phú!".
Đáng chú ý, vào năm 2016, Wang Ning đã đến Hong Kong (Trung Quốc) để mua bản quyền của nhân vật Molly, đặt nền móng vững chắc cho sự chuyển đổi thành công của Pop Mart. Trong 5 năm tiếp theo, thương hiệu của Wang Ning liên tiếp mua bản quyền của các nhân vật nổi tiếng khác như Skull Panda, Dimoo The Monsters...
Năm 2016 cũng đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi Pop Mart giới thiệu các máy bán hàng tự động với tên gọi là "Roboshops" tại các trung tâm mua sắm và địa điểm công cộng, giúp khách hàng có thể mua các sản phẩm dễ dàng hơn.
Đến cuối năm 2020, Pop Mart đã niêm yết thành công trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc). Trong những năm tiếp theo, công ty này đã tiếp tục mở rộng về các sản phẩm liên quan tới các nhân vật như công viên, trò chơi, hoạt hình trên toàn cầu.
Bên cạnh việc bán tại các cửa hàng, Pop Mart cũng đẩy mạnh bán qua kênh thương mại điện tử như nền tảng Paqu của chính doanh nghiệp hay như trên Tmall của Alibaba… Hiện doanh thu từ kênh này đã chiếm hơn 30% tổng doanh thu của công ty.
Trong năm 2023, Pop Mart ghi nhận doanh thu đạt khoảng 6,3 tỷ nhân dân tệ, cao gấp khoảng 2,5 lần so với năm 2020 và gấp khoảng 12 lần so với năm 2018.
Pop Mart báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 tăng hơn 100% so với năm liền trước lên 1,19 tỷ nhân dân tệ nhờ doanh thu tăng vọt trên thị trường quốc tế. Doanh thu ngoài Trung Quốc của Pop Mart trong năm 2023 đạt hơn 1 tỷ nhân dân tệ. Đơn vị cũng đã liên tiếp mở các cửa hàng ở Pháp, Malaysia, Thái Lan, Hà Lan... Tới cuối năm 2023, Pop Mart có 80 cửa hàng và hàng trăm máy bán hàng tự động ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo đánh giá của Wang Ning, tốc độ tăng trưởng tại các thị trường ngoài Trung Quốc sẽ còn rất mạnh mẽ và đạt mức 3 con số trong các năm tới.
Tỷ phú Wang Ning hiện sở hữu hơn 45% cổ phần của công ty. Tính tới 20/8, theo Forbes, anh và gia đình có tổng tài sản khoảng 3,5 tỷ USD, xếp thứ 945 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes.
Bí ẩn đằng sau những món đồ chơi gây nghiện
Sản phẩm chính của Pop Mart là những đồ chơi nhỏ bằng nhựa. Công ty thường hợp tác với các nghệ sĩ để đưa ra nhiều dòng đồ chơi nghệ thuật khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất là Labubu hình con thỏ với áo lông màu hồng cùng với một bộ răng quái vật và Dimoos, người ngoài hành tinh với tóc làm bằng cotton và có hình kẹo.
Tuy nhiên, ý tưởng đột phá của Popmart nằm ở những chiếc "hộp mù" (blind box), điểm khác biệt lớn nhất của Pop Mart so với các chuỗi cửa hàng bán đồ chơi khác.
Khác biệt hoàn toàn so với phương pháp bán hàng truyền thống, "hộp mù" thu hút người dùng bởi yếu tố bí ẩn kích thích sự tò mò của họ. Khi mua những chiếc hộp này, người dùng không thể biết trước được kiểu dáng sản phẩm cụ thể ẩn chứa bên trong, điều này khơi gợi mong muốn khám phá và sở hữu những món đồ chơi độc đáo.
Những món đồ này không chỉ thỏa mãn trí tò mò mà còn làm tăng mong muốn tiêu dùng, thúc đẩy người mua quay lại nhiều lần để sưu tầm đầy đủ bộ sưu tập. Nhờ vậy, "hộp mù" đã kích hoạt thị trường đồ chơi nghệ thuật hiệu quả và khai thác tiềm năng chi tiêu của người dùng.
Theo thống kê từ nền tảng dữ liệu Statista, thị trường đồ chơi nghệ thuật toàn cầu ước tính đạt doanh thu khoảng 120 tỷ USD vào năm 2023. Con số này cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này.
Sự kết hợp giữa "hộp mù" và đồ chơi nghệ thuật được xem là mô hình kinh doanh sáng tạo, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm độc đáo với giá trị sưu tầm cao, đồng thời giúp thị trường đồ chơi nghệ thuật thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng mới.
Theo Dantri