Lên lịch cho các chuyến đi "xả hơi"
Không lựa chọn ở nhà như mọi năm, dịp nghỉ Lễ Quốc khánh năm nay Nguyễn Phương Anh (20 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) lựa chọn lên kế hoạch cho một chuyến du lịch xa cùng gia đình. Điểm đến Phương Anh và gia đình lựa chọn đó là huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
“Những ngày thường, thời gian chủ yếu mình dành để đi học, cuối tuần làm việc nên ít khi về nhà. Vì thế, mình nghĩ đây sẽ là lúc mình dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và tạo thêm những trải nghiệm mới. Thay vì ở nhà, gia đình mình cùng nhau đi du lịch 3 ngày 2 đêm để tăng sự tương tác giữa các thành viên và có cơ hội để mọi người cởi mở chia sẻ”, Phương Anh nói.
Phương Anh đã lên danh sách những địa điểm ăn uống, vui chơi để có thêm thời gian gắn kết và chia sẻ với những người thân. Cô bạn cho hay, những dịp nghỉ lễ muốn về gần gũi người thân, nhưng ở quê bố mẹ mỗi người một việc nên thời gian tâm sự cũng không nhiều. Do đó, chuyến đi chơi xa vừa giúp bản thân và gia đình nghỉ ngơi, vừa giúp có thêm những kỷ niệm quý giá với nhau.
Phương Anh (bên phải) chia sẻ về kế hoạch du lịch xa cùng gia đình dịp lễ sắp tới. Ảnh: NVCC |
Tận dụng thời gian nghỉ lễ để tăng trải nghiệm cá nhân là kế hoạch mà Đặng Thị Ngọc Ánh (21 tuổi, Hà Tĩnh) cũng sẽ thực hiện trong dịp nghỉ lễ.
Thay vì du lịch gia đình hay theo nhóm, Ngọc Ánh ưu tiên những chuyến du lịch cá nhân để có những trải nghiệm mới mẻ hơn. Ánh chia sẻ: "Mình chọn đi du lịch một mình ở Hạ Long để tận hưởng trọn vẹn hơn kỳ nghỉ lễ này trước khi quay lại với guồng quay học tập và công việc. Mình thích tự quyết định được điểm đến, tự chủ động lịch trình dựa vào nhu cầu cá nhân. Thay vì đi du lịch theo nhóm, khi du lịch cá nhân mình có thể kết nối thêm được với những người bạn mới, tăng trải nghiệm cá nhân về những vùng đất mới”.
|
Ngọc Ánh lên kế hoạch cho những chuyến đi cá nhân để thoải mái tận hưởng dịp lễ. Ảnh: NVCC |
"Chạy deadline"... để chữa lành
Không ít những bạn trẻ lựa chọn “chạy deadline” cả trong dịp nghỉ lễ để có thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau. Đây là khoảng thời gian thuận lợi để sắp xếp và giải quyết các đầu công việc còn trì hoãn.
Là sinh viên năm cuối, Nguyễn Thị Lan (21 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội) quyết định dành hết 4 ngày lễ ở lại Hà Nội để hoàn thành các deadline còn dang dở thay vì về quê, hay vi vu du lịch nghỉ ngơi cùng gia đình. Trái với tâm lý mệt mỏi, gò bó khi phải làm việc trong ngày lễ, Lan cảm thấy thoải mái khi dành thời gian này để giải quyết những công việc một cách chủ động. Cô bạn lên kế hoạch phân chia từng công việc ưu tiên và giải quyết trong thời gian nhất định.
“Là sinh viên năm cuối, mình tranh thủ vừa đi học vừa đi làm để có thêm kinh nghiệm nên số lượng công việc cũng gấp đôi. Mình sẽ ưu tiên làm những công việc cần hoàn thành trước, sau đó tận dụng thời gian hoàn thành sớm công việc mới được giao. Điều này giúp mình không bị “hoảng” khi phải xử lý nhiều công việc cùng một lúc”, Lan nói.
Tuy nhiên, để không bị quá sức, Lan cho rằng bản thân vẫn nghỉ ngơi ngay cả khi đang làm việc. Cô bạn sẽ tìm tới những không gian làm việc thoáng, yên tĩnh như quán cà phê hay thư viện để làm việc thay vì ngồi trong văn phòng bí bách.
“Công việc vẫn như những ngày thường nhưng làm vào những ngày lễ mình sẽ có sự chủ động hơn, không bị “deadline dí”. Khi hoàn thành xong nhiệm vụ, đầu óc cũng sẽ tự nhiên thư thái hơn mà không cần phải đi “chữa lành” hay đi chơi”, cô bạn chia sẻ.
Theo TP