Sáng 23/4, tại trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM đã khai mạc Ngày hội Việt phục "Tóc xanh Vạt áo" lần thứ 3. Ngày hội do Đoàn trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM phối hợp với thương hiệu Việt phục Hoa Niên tổ chức.
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Lê Thị Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học KHXH&NV nhấn mạnh: “Ngày hội Việt Phục “Tóc xanh Vạt áo” lần 3 nằm trong trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa “Sóng đôi” 2023 với sự tham gia của 15 đơn vị, đại diện cho các hội, nhóm, khoa đồng hành với mong ước trở thành ngày hội văn hóa truyền thống, tiếp nối di sản cha ông. Đây cũng là hoạt động trọng điểm khai mạc Tuần lễ Văn hóa “sóng đôi” 2023”.
TS. Lê Thị Ngọc Điệp phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Hoa Niên) |
Anh Nguyễn Huỳnh Minh Phúc - Phó Bí thư Đoàn trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM (đại diện Ban Tổ chức) cho biết, chương trình năm nay thu hút khoảng 3.000 người tham gia trực tiếp. Ngoài sinh viên trong trường còn có sinh viên trong khối ĐHQG TPHCM và các trường lân cận trên địa bàn thành phố đến tham dự.
Chương trình thu hút rất đông các bạn trẻ tham dự. (Ảnh: Hoa Niên) |
"Tóc xanh Vạt áo" mùa thứ 3 với 18 gian hàng trải nghiệm. Những đơn vị tham gia đều có những lĩnh vực chuyên môn riêng, tạo nên bức tranh đa màu sắc trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Bên cạnh những đơn vị của miền Nam, “Tóc xanh Vạt áo” mùa thứ 3 cũng đón tiếp các đơn vị từ Hà Nội và Huế cùng vào giao lưu, làm phong phú hơn cho Ngày hội.
Xuyên suốt ngày hội, bên cạnh những hoạt động triển lãm, trưng bày riêng tại các gian hàng, Ban Tổ chức còn sắp xếp nhiều chương trình đặc sắc tại khu vực sân khấu chính. Các sự kiện bao gồm: Tọa đàm “Hành trình hồi hương cổ vật Việt Nam” (khách mời: Nhà sưu tầm cổ vật Lê Gia & Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc); Trình diễn Việt phục của các thương hiệu nổi tiếng; Trình diễn trang phục cổ truyền Chămpa từ thế kỷ 10 - 14; Trình diễn các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống Việt Nam (dân ca quan họ, cải lương, nhã nhạc cung đình Huế)...
Nhiều hoạt động trình diễn diễn ra trong Ngày hội. (Ảnh: Hoa Niên) |
Là một trong những người trẻ mê Việt phục, Hoài An (khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM) chia sẻ: "Trước khi tìm hiểu về văn hoá nước khác, mình phải hiểu sâu về văn hoá nước mình. Theo mình, mỗi bộ cổ phục như một dấu ấn riêng của mỗi triều đại. Càng tìm hiểu sâu về những bộ cổ phục và quá trình phát triển của nó, mình càng biết nhiều hơn về lịch sử dân tộc, biết thêm nhiều thứ mà mình chưa học được ở trường, biết yêu hơn những giá trị truyền thống và tự hào thêm về dân tộc."
Nhiều bạn tìm đến Ngày hội với những bộ Việt phục để check-in. (Ảnh: Hoa Niên) |
Sự kiện “Tóc xanh vạt áo 3” kết thúc theo truyền thống bằng đêm gala tổ chức tại Hội trường Văn khoa (trường Đại học KHXH&NV). Đêm gala bao gồm talkshow “Đi tìm quốc phục Việt” với các diễn giả khách mời: TS Phan Thanh Hải (Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế), Họa sĩ Nguyễn Đức Bình (Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt), anh Tôn Thất Minh Khôi (đồng sáng lập và đồng trưởng Ban Tổ chức ngày hội "Tóc xanh Vạt áo").
Tuần lễ văn hóa "Sóng đôi" được tổ chức từ ngày 24/4 đến 28/4 với 5 hoạt động chính được diễn ra trong suốt tuần lễ: Lễ khai mạc Tuần lễ và Ngày hội Việt phục "Tóc xanh Vạt áo", Tuần lễ điện ảnh "Phim Việt nhân văn", Triển lãm mỹ thuật "Dòng chảy đôi mươi", cuộc thi ảnh trên mạng xã hội "Nét Việt", Lễ bế mạc tuần lễ và chương trình "Thường thức trăm năm".