Cần nâng cao năng lực cạnh tranh

(CTG) Trong buổi toạ đàm “Doanh nghiệp và Phát triển” tổ chức tại Tp. HCM, Doanh nhân, hoa hậu Diệu Hoa – giám đốc công ty Chuyên XNK nông sản & Dược phẩm cho rằng các DN Việt Nam còn rất lúng túng khi tham gia hội nhập quốc tế.



Sau bốn năm các doanh nghiệp Việt Nam tham gia WTO, bên cạnh những tiến bộ trong quá trình hội nhập, các Doanh nghiệp Việt Nam đã bộc lộ nhiều nhược điểm, chưa có dấu hiệu “cất cánh”.

Nhiều doanh nghiệp chưa có cách tính toán khoa học, chưa biết cách tiếp cận thị trường, văn hóa kinh doanh chưa cao. Các Doanh nghiệp phụ trợ chậm phát triển.

Cán bộ quản lý trình độ cao chưa đủ, chưa thích ứng với những đòi hỏi cao của tiến trình hội nhập. Các thể chế chậm cải tiến để phù hợp với luật chơi chung của thế giới. Đặc biệt là việc tái kết cấu lại nền kinh tế chưa thật đúng cách.

Đã có những nhận xét của chuyên gia Mỹ nói rằng: các doanh nghiệp Việt Nam cứ chơi theo luật riêng chỉ có thể chơi với nhau mà thôi.

Khi các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với thế giới, nó nảy sinh ra các vấn đề luật pháp. Khi các đối tác nước ngoài không tuân thủ theo các cam kết, các điều khoản hợp đồng thì các Doanh nghiệp Việt Nam thường lúng túng, chưa biết ứng phó và chưa biết  nhờ  cậy đến các cơ quan trọng tài kinh tế quốc tế. Đó là những khó khăn của các Doanh nghiệp Việt Nam của chúng ta.

Thứ hai là về cơ sở hạ tầng, là người đại diện, là cầu nối cho các doanh nghiệp ở thị trường Đông Nam Á và thế giới, chúng tôi thấy, khung giá nhập khẩu vào Việt Nam thường cao hơn các nước khác như Thái Lan, Indonexia…trong cùng một thời điểm. Khi hỏi ra thì biết rằng, đối tác tính trước cả những rủi ro từ những hợp đồng với Việt Nam vì những yếu kém về hậu cần như bốc dỡ, kho cảng v.v..nên giá thành bao giờ cũng cao hơn nước khác từ 5 đến 10%.

Thứ ba là  các Doanh nghiệp chưa hiểu rõ cơ chế kiểm soát rủi ro. Để tránh rủi ro chúng ta nên chọn một định kỳ, một  thời điểm tốt nhất, đánh giá tốt nhất để có thời gian thực hiện dài rộng từ ba đến sáu tháng, tránh sức ép thời gian.

Thời điểm này các Doanh nghiệp rất đau đầu vì tại Việt Nam đồng Việt Nam mất giá trong khi đồng đô la rất mạnh trong khi trên thế giới, đồng USD rất yếu khi các ngoại tệ khác rất mạnh. Do đó, khó tránh được việc đội giá thành nguyên liệu, hàng hóa khi nhập khẩu. Vậy nên cần tính đến các nhân tố này để tránh rủi ro cho các hợp đồng.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng: chúng ta nên học một số nước tạo cơ chế cố định tỷ giá trong một thời gian nhất định để bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam khỏi các biến động tiền tệ.

Một vấn đề lớn nữa là việc giữ chữ tín trong kinh doanh.

Chúng tôi làm đại diện thương mại  cho một số Doanh nghiệp nước  ngoài thì thấy rằng:

Một số Doanh nghiệp Việt Nam làm ăn tốt, tạo được vị thế và uy tín tốt. Bên cạnh đó có những doanh nghiệp Việt Nam không tuân thủ tốt các hợp đồng, cam kết, không làm theo luật pháp nên có chuyện, cùng một ngày, một loại hàng thì các đối tác thường đặt giá cho thị trường Việt Nam cao hơn các nước khác bởi vì họ lường trước những rủi ro khi các doanh nghiệp Việt Nam không tuân thủ hợp đồng. Điều đó để lại nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Những vấn đề nêu trên không mới nhưng trong quá trình giao thương với thế giới đã thể hiện rõ hơn. Tôi tin tưởng rằng  các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia Việt Nam có những quyết sách tối ưu và mong các Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mạnh hơn, giỏi hơn để hội nhập nhanh với thế giới. 


Theo Tầm nhìn