![]() |
Đó là kiến nghị do bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2010 - sự kiện trước thềm của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) khai mạc vào đầu tuần tới.
“Các doanh nghiệp khu vực tư nhân cần bình đẳng triệt để” cũng là kiến nghị của đại diện khu vực tư nhân TP.HCM- Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM- Phùng Anh Tuấn. Theo ông Tuấn, sau sự việc Vinashin với bài học rút ra, không nên tiếp tục duy trì tình trạng trong môi trường "cạnh tranh bình đẳng" nhưng một thành phần kinh tế lại được đối xử ưu đãi hơn.
Chủ trương của Nhà nước là thành lập các tập đoàn kinh tế với kỳ vọng sẽ trở thành những "quả đấm thép" hay những "anh cả đỏ" đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế diễn ra (như vụ Vinashin cùng nhiều tập đoàn khác), dường như đang theo hướng ngược lại. Ông Tuấn cho rằng, trong nền kinh tế tồn tại chính sách cho một số doanh nghiệp được ưu đãi hay hưởng độc quyền đứng ngoài quy luật hoạt động của kinh tế thị trường, thì chính sách đó khiến cho các nguồn lực xã hội không thể được sử dụng một cách hiệu quả.
Để tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, ông Tuấn cho rằng, cần điều chỉnh hệ thống pháp luật và ban hành quy định mới để thực hiện "triệt để" việc bình đẳng hóa chính sách đối xử với các doanh nghiệp. Không thành lập thêm mà thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, để tăng hiệu quả sử dụng vốn cũng như giảm gánh nặng quản lý của Chính phủ. Ông Tuấn đề nghị, doanh nghiệp nhà nước chỉ nên tham gia vào những lĩnh vực công ích, không nhằm mục đích kiếm lãi và có hiệu quả xã hội cần thiết. Song song đó, Nhà nước cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia sâu vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2010, giới doanh nghiệp tiếp tục đánh giá cao môi trường kinh doanh Việt Nam so với lần khảo sát năm 2009. Với cảm nhận sáng sủa về triển vọng kinh doanh trong vòng 3 năm tới, 75% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhưng nếu đánh giá riêng năm 2011, điểm mà doanh nghiệp chấm cho môi trường kinh doanh Việt Nam mới dừng ở mức tạm được, được 2,88 điểm trên thang điểm 4 là tốt nhất. So với mức điểm 2,52 của năm 2010 mà các doanh nghiệp này đã chấm, bước chuyển của môi trường kinh doanh Việt Nam rõ ràng rất chậm chạp.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cũng gửi khuyến nghị tới Chính phủ bốn nút thắt cần tháo gỡ là bảo vệ sở hữu trí tuệ, tăng cường chống hàng giả, hàng nhái; ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng; cái cách việc soạn thảo và ban hành văn bản pháp quy theo hướng kịp thời, hoàn chỉnh, đồng bộ và tuân thủ các thông lệ quốc tế; cải cách hệ thống giáo dục đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp.
Đặc biệt, lý do khiến 24% doanh nghiệp đang hoạt động không mở rộng kinh doanh trong năm 2011, trong đó có khoảng 3% cho rằng sẽ giảm quy mô hoạt động, có tới 42% vì thực thi pháp luật kém và thiếu đồng bộ; gần 49% vì chi phí kinh doanh cao… liên quan đến thuế, thủ tục xin giấy phép xây dựng bị các doanh nghiệp tiếp tục đánh giá thấp về mức độ cải cách.
Nhiều đại biểu phản ánh, Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót và chậm trễ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu, đặc biệt là các tuyến đường liên tỉnh, cầu, kể cả đường tiếp cận có vị trí chiến lược, cấp phép đầu tư… Những hạn chế này sẽ đe dọa các dự án FDI hiện nay và trong tương lai đối với sản xuất, xuất khẩu.
Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài kêu ca rằng tiến trình phê duyệt cho đầu tư và thành lập các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn và tốn thời gian.
Tuy nhiên ông Alain Cany cũng thừa nhận rằng, Việt Nam gần đây đã kết hợp quy trình xin giấy phép kinh doanh và xin cấp mã số thuế, đây là tín hiệu đáng mừng đầu tiên. Mặc dù vậy, ông cũng đưa ra kiến nghị Việt Nam nên chuyển sang mô hình phê duyệt “một cửa” cho thủ tục đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép đầu tư. Sau đó, các Bộ, ngành liên quan sẽ chịu trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan chính phủ khác nếu cần thiết. Ông cũng đưa ra ví dụ, tại nhiều nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Singapo và Malaysia mô hình này được chứng minh là cực kỳ hữu ích và hiệu quả.
“Các nhà đầu tư đã phải đợi từ năm đến sáu tháng để có được một giấy phép đầu tư tại Việt Nam, trong khi các nước khác trong khu vực chỉ mất có năm hoặc sáu tuần. Điều đó không chỉ là sự mất thời gian mà còn cả giá trị tiền bạc,” ông Alain Cany nhấn mạnh.
Cũng có cùng quan điểm, ông Brian O’Reilly, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Australia cho biết, nhiều công ty nước ngoài gặp khó khăn trong việc thực hiện các hợp đồng, bao gồm việc hủy hợp đồng mà không có lý do rõ ràng, thích đáng, điều này đã gây trở ngại cho các nhà đầu tư.
Một rào cản nữa được các nhà đầu tư đưa ra là cơ sở hạ tầng yếu kém. Những hạn chế về cơ sở hạ tầng đe dọa tới việt thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông Hank Tomlinson Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, nhiều nhà đầu tư tiềm năng của Mỹ đã nêu các lý do hạn chế về cơ sở hạ tầng và hậu cần yếu kém như là nguyên nhân chính dẫn đến việc họ không đầu tư vào đây.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận còn những hạn chế về cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung đầu tư riêng vào cơ sở hạ tầng cho đường bộ, đường xe lửa và cảng biển và hạ tầng cho năng lượng.
Chăm chú lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, với tư cách là đồng Chủ tịch, đồng thời là đại diện của Chính phủ tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các kiến nghị được doanh nghiệp phản ánh. Bản tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp sẽ được gửi tới Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) diễn ra trong 2 ngày 7-8/12 tới để tiếp tục trao đổi, thảo luận.
Theo Tầm nhìn