Nhấn mạnh với người viết về những rủi ro trong quá trình sử dụng AI, ông Tạ Công Sơn, chuyên gia nghiên cứu và phát triển AI tại chongluadao.com, kiêm nhà sáng lập của Công ty công nghệ OverBloom, cho biết: "AI đang mang lại nhiều tiện ích đáng kể, nhưng cũng tiềm ẩn những vấn đề an toàn mà người dùng cần nhận thức rõ, trong đó nổi bật là nguy cơ từ các ảo giác AI".
Ông Sơn giải thích ảo giác AI là hiện tượng khi hệ thống AI cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, nhưng lại được trình bày một cách thuyết phục, khiến người dùng dễ dàng tin tưởng. Những thông tin này có thể dẫn đến hiểu lầm nghiêm trọng, đặc biệt khi liên quan đến một số vấn đề nhạy cảm như chính trị, sức khỏe hoặc các sự kiện đang diễn ra. Để đảm bảo an toàn, ông Sơn khuyến cáo người dùng nên kiểm tra và xác thực kỹ lưỡng các nguồn thông tin trước khi tin tưởng vào kết quả từ AI. "AI chỉ nên được sử dụng như một công cụ tham khảo, cần đối chiếu với các nguồn tin khác. Nếu không, việc tin tưởng hoàn toàn vào AI có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng", ông Sơn nhấn mạnh.
Làm thế nào để dùng AI một cách có trách nhiệm?
Chia sẻ về cách sử dụng AI hiệu quả, tiến sĩ Nguyễn Vinh Tiệp, nhà khoa học trong lĩnh vực AI và Trưởng phòng Thí nghiệm truyền thông đa phương tiện của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết: "Nhiều bài viết gần đây tập trung vào hướng dẫn khai thác AI hiệu quả, chẳng hạn như cách đặt câu lệnh chi tiết, cho biết cụ thể ngữ cảnh, gán vai trò hoặc đưa ra ví dụ cụ thể để tối ưu kết quả. Tuy nhiên, điều mà nhiều người bỏ qua chính là cách sử dụng AI một cách có trách nhiệm. Đây thực sự là vấn đề quan trọng mà người dùng cần đặc biệt lưu ý, bởi lạm dụng AI có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn".
Theo tiến sĩ Tiệp, sử dụng AI có trách nhiệm không chỉ là tối ưu hóa kết quả mà còn phải cân nhắc đến tác động lâu dài của việc ứng dụng công nghệ này. Điều này bao gồm việc kiểm tra và xác thực lại thông tin mà AI cung cấp, tránh lệ thuộc quá mức và luôn giữ được tư duy độc lập trong quá trình xử lý vấn đề. "Người dùng cần phải nhận thức rằng AI chỉ là công cụ hỗ trợ, không thể thay thế hoàn toàn khả năng phán đoán và suy nghĩ của con người", ông Tiệp lưu ý.
Đồng ý với quan điểm này, chuyên gia Tạ Công Sơn cho rằng người dùng tuyệt đối không được dùng AI để tạo ra nội dung gian lận, thông tin sai lệch hay phát tán sản phẩm vi phạm bản quyền, vì những hành động này có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý nghiêm trọng. Đồng thời, trong môi trường làm việc và học tập, người dùng cần đảm bảo không để AI thay thế quá mức vai trò của con người, đặc biệt là trong các tình huống liên quan đến tính minh bạch, sự công bằng. "AI phải được sử dụng để hỗ trợ con người, chứ không phải để thay thế vai trò của chúng ta trong việc duy trì các giá trị đạo đức và pháp lý trong xã hội", ông Sơn cho hay.
Để làm được điều này, tiến sĩ Nguyễn Vinh Tiệp cho biết vai trò hỗ trợ của thầy cô là rất lớn trong việc thay đổi những phương pháp và hình thức kiểm tra sao cho phù hợp với mục tiêu đánh giá đúng năng lực thực sự của sinh viên, tránh tạo cơ hội cho các bạn sử dụng AI một cách lạm dụng hoặc đối phó. Theo đó, thầy cô cần thiết kế các bài kiểm tra hoặc dự án yêu cầu sinh viên phải thể hiện khả năng tư duy phản biện, sáng tạo và phân tích sâu thay vì chỉ yêu cầu các bạn trả lời những câu hỏi có sẵn trong giáo trình.
Thêm vào đó, thầy cô cũng có thể tổ chức các bài kiểm tra nói, thi đối đáp, nơi sinh viên phải trực tiếp thể hiện sự hiểu biết của mình về chủ đề mà không có sự can thiệp của công cụ AI. "Các hình thức kiểm tra như vậy sẽ giúp thầy cô đánh giá một cách chính xác hơn khả năng phân tích, tư duy độc lập và trình bày của sinh viên. Qua đó, cũng giúp chúng ta hạn chế việc sinh viên lạm dụng AI để "lách" qua các bài kiểm tra", ông Tiệp nhấn mạnh.
Theo TN