Ngày 24/7, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn phối hợp Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức lễ khởi động dự án “Hỗ trợ phát triển toàn diện thanh niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và đáp ứng với già hóa dân số nhằm góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt dự án VNM10P07).
Quang cảnh lễ khởi động dự án. Ảnh: Xuân Tùng |
Dự chương trình có anh Nguyễn Tường Lâm – Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; ông Matthew David Jackson - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam.
Anh Nguyễn Tường Lâm cho biết, dự án VNM10P07 nhằm tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ phát triển thanh niên, trong đó tập trung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính; xây dựng cơ chế thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong các chính sách và chương trình ứng phó các tình trạng khẩn cấp, khủng hoảng về thiên tai và dịch bệnh...
Đối tượng hưởng lợi là thanh thiếu niên trên toàn quốc, trong đó tập trung vào nhóm thanh niên yếu thế, di cư, dân tộc thiểu số với tổng số vốn hỗ trợ không hoàn lại từ UNFPA là 1 triệu USD.
"Các hoạt động của Dự án phù hợp với định hướng ưu tiên của UNFPA tại Việt Nam; đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng, nhu cầu về phát triển thanh niên của Việt Nam trong những năm tới", anh Lâm nói.
Anh Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Ông Matthew David Jackson - Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, bằng cách đưa ra những hình thức sáng tạo để cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới, khuyến khích sự tham gia của thanh niên, UNFPA tại Việt Nam hy vọng sẽ nhận được nhiều những kết quả mang tính đột phá.
Trong đó, mục tiêu là giảm tỷ lệ tử vong mẹ, trang bị cho thanh niên kỹ năng ứng phó với già hóa dân số, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục chất lượng cao dành cho thanh niên, bao gồm thanh niên vùng dân tộc thiểu số, thanh niên có HIV/AIDS, thanh niên di cư, thanh niên thuộc cộng đồng LGBTQI+ và thanh niên khuyết tật.
Ông Matthew David Jackson phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng |
Tiếp cận thông tin và dịch vụ về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục
Dự án VNM10P07 được thiết kế tập trung triển khai 3 nội dung chính, gồm tăng khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và bình đẳng giới cho thanh thiếu niên dễ bị tổn thương.
Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong quá trình thực hiện Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và xây dựng các chính sách hỗ trợ thanh niên, đặc biệt là nhóm thanh niên dễ bị tổn thương. Tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thích ứng hiệu quả với già hóa dân số.
Dự án được triển khai từ nay đến 31/12/2026, dự án triển khai trên phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung tại các địa phương: Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Dương, Đắc Nông và Hà Nội.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Tường Lâm tặng quà Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Xuân Tùng |
Theo Ban Tổ chức, dự án VNM10P07 thuộc khuôn khổ chương trình Quốc gia lần thứ 10 hợp tác giữa UNFPA và Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026.
Chương trình hướng đến những kết quả mang tính chuyển đổi, với mục tiêu để Việt Nam không còn ca tử vong mẹ mà có thể phòng ngừa được, không còn nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng và không còn bạo lực trên cơ sở giới và những thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Chương trình cũng phù hợp với khung hợp tác phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc để Việt Nam đạt được mục tiêu vào năm 2030 “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Chương trình Quốc gia lần thứ 10 giai đoạn 2022 - 2026, với tổng nguồn lực là 26,5 USD, tập trung vào các lĩnh vực: vị thành niên và thanh niên; già hóa dân số và bảo trợ xã hội; tiếp cận công bằng với sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; dữ liệu và bằng chứng cho việc xây dựng chương trình và chính sách; bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại; đáp ứng liên ngành đối với bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại. |
Theo TP