Nghiên cứu sinh tại ĐH Texas-Austin (Mỹ): Câu hỏi cần đặt ra trước khi chọn ngành nghề

(CTG) Nguyễn Minh Huy (25 tuổi, quê Hậu Giang), nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành thống kê và khoa học dữ liệu tại ĐH Texas - Austin (Mỹ), chia sẻ kinh nghiệm trước khi chọn trường, hãy chọn nghề yêu thích và ngành học phù hợp.

Theo thứ tự: nghề, ngành, trường

Theo Nguyễn Minh Huy, mỗi học sinh sẽ có sự lựa chọn khác nhau về chọn nghề, ngành, trường học. Có người sẽ chọn nghề dựa vào sự định hướng của gia đình để làm vui lòng bố mẹ. Có người muốn được ngồi cùng giảng đường, học chung trường với bạn bè THPT. Lại có người thích học ngành được dự báo nhiều triển vọng trong tương lai…

Nghiên cứu sinh tại ĐH Texas-Austin (Mỹ): Câu hỏi cần đặt ra trước khi chọn ngành nghề- Ảnh 1.

Chàng thủ khoa kép Nguyễn Minh Huy

MINH NHẬT

Tuy nhiên, Huy chia sẻ rằng trước khi chọn ngành, học sinh hãy tự hỏi sau này bản thân muốn làm nghề gì. Cần chọn nghề phù hợp với sở thích cũng như đã hiểu biết đầy đủ về nghề như: điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức...; chứ đừng nên chọn nghề mà bản thân không đáp ứng được các điều kiện cũng như xã hội không có nhu cầu. Khi đã có nghề yêu thích, bắt đầu chọn ngành học liên quan.

"Cần ưu tiên ngành phù hợp với thế mạnh và đam mê. Đó chính là 2 yếu tố tiên quyết khi chọn ngành", Huy nói và cho hay: "Mình luôn tin rằng nếu có đủ khả năng và đam mê thì dù theo đuổi bất cứ ngành nghề nào cũng sẽ đạt được thành công. Ngoài ra, nên cân nhắc thêm về cơ hội nghề nghiệp, lộ trình phát triển của các ngành, để từ đó có thể chọn ra ngành phù hợp nhất với bản thân. Và khi biết được ngành học phù hợp sẽ chọn trường. Có thể dựa vào những tiêu chí như: mức độ uy tín, cơ sở vật chất, học phí…".

Huy cũng chia sẻ cách giúp các bạn học sinh xác định đúng thế mạnh và đam mê, đó là không nên tự nhìn nhận một cách cảm tính, mà cần lắng nghe, tham khảo, đối chiếu từ những ý kiến nhận xét khách quan của thầy cô, người thân, bạn bè…

Huy minh chứng bằng câu chuyện của bản thân: "Giống như mình, cũng từng gặp phải những khó khăn trong việc tìm ngành, trường phù hợp. Khi học lớp 12, mình bối rối và không biết phải quyết định như thế nào. Lý do chính là mình chưa thật sự biết rõ bản thân đam mê và phù hợp với ngành nghề cụ thể nào. Do đó, mình đã phải nhờ đến sự tư vấn của các thầy cô, vì dạy mình suốt những năm THPT nên các thầy cô là những người hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu mà mình không thể tự nhìn ra. Sau khi được tư vấn, mình quyết định chọn theo học toán ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, do nhận thấy đó là ngành học phù hợp nhất với thế mạnh và đam mê của bản thân".

Kiên trì, quyết tâm và nỗ lực hết mình

Chàng trai người Hậu Giang nói rằng khi hiểu rõ về bản thân, nghĩa là biết rõ về đam mê, tính cách, năng lực... thì dễ dàng chọn được ngành và trường phù hợp.

Nguyễn Minh Huy đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành thống kê và khoa học dữ liệu tại ĐH Texas - Austin, Mỹ

Nguyễn Minh Huy đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành thống kê và khoa học dữ liệu tại ĐH Texas - Austin, Mỹ

MINH NHẬT

Và chính sự phù hợp ấy sẽ giúp thời gian 4 năm đại học không áp lực. Thay vào đó là thoải mái và nhiều niềm vui, tạo sự hứng khởi, giúp bản thân đạt nhiều kết quả tốt trong học tập hơn.

Ngược lại, sẽ xuất hiện những rào cản, căng thẳng trong quá trình học đại học nếu học sinh chọn sai ngành. Thậm chí có thể khiến người trẻ áp lực, gặp stress, đánh mất sự tự tin, không còn động lực, hứng thú trong học tập...

Huy phân tích: "Có những sai lầm khá phổ biến ở các bạn học sinh THPT khi chọn ngành học, chẳng hạn thường chỉ dựa vào xu hướng của xã hội tại thời điểm đó. Nhưng điều ấy ẩn chứa nhiều rủi ro. Khi xu hướng đi qua, các bạn trẻ sẽ dễ mất phương hướng và cảm thấy mông lung với sự lựa chọn của mình. Một sai lầm khác là chọn ngành học vì áp lực đồng trang lứa. Ví dụ khi thấy bạn bè chọn những ngành có điểm chuẩn cao như y khoa, công nghệ thông tin… thì bắt chước chọn theo để không cảm thấy thua kém bạn bè; mặc dù những ngành này hoàn toàn không phù hợp với khả năng và đam mê của bản thân".

Chia sẻ kinh nghiệm với học sinh lớp 12 sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, Huy khuyên: "Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, hãy tổng hợp những kiến thức được học trên trường. Tiếp theo, có thể tập làm quen với các dạng đề bằng cách làm những đề thi năm trước. Ngoài ra, việc học nhóm và trao đổi với bạn bè về những dạng đề thi cũng là cách giúp hiểu và nhớ kiến thức lâu hơn. Điều quan trọng nữa, cần giữ gìn sức khỏe cả thể chất và tinh thần, tránh tự gây áp lực quá nhiều cho bản thân".

Nguyễn Minh Huy là cựu học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Anh được gọi là "chàng thủ khoa kép" bởi từng là thủ khoa đầu vào ngành toán của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM với 29,55 điểm; đồng thời trở thành thủ khoa tốt nghiệp với điểm bình quân 9,75/10. Huy được nhiều ĐH danh tiếng trên thế giới như: Harvard, California Los Angeles, Illinois, John Hopkins, Texas - Austin (Mỹ) và ĐH Bách khoa liên bang Lausanne (Thụy Sĩ) cấp học bổng tiến sĩ toàn phần. Anh cũng đã xuất bản 10 bài báo ở các hội nghị hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo, học máy và khoa học dữ liệu như: ICML, NeurIPS, ICLR, AISTATS...

Theo Thanh Niên