Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm
Từ khi còn nhỏ, Tuấn Anh đã mê đắm trong những câu chuyện, giai thoại về các nhà khoa học, các hiện tượng vật lý, đặc biệt là các vấn đề về không gian và vật lý hạt nhân. Để thỏa đam mê, hết cấp 3 Tuấn Anh quyết định chọn thi vào ngành Vật lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM). Sau 2 năm học đại cương, anh rẽ hướng sang bộ môn Vật lý ứng dụng.
|
TS. Phạm Thanh Tuấn Anh (Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG HCM), luôn đắm mình trong những thí nghiệm vật lý thú vị. “Đây có thể là bước ngoặt trên con đường học tập và trở thành một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp của tôi. Qua các bài giảng của các thầy cô giáo, Vật lý không còn là những công thức khô khan, hay những câu chuyện xa vời, mà là các ứng dụng rất hiện hữu, gần gũi trong đời sống hằng ngày”, anh chia sẻ. Từ đây, niềm đam mê về các phương pháp quang phổ, vật liệu màng mỏng, vật liệu nano trong chàng trai trẻ được vun đắp từng ngày. Tuấn Anh cảm thấy vỡ oà hạnh phúc khi được vào phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao của trường, được tự mình chế tạo và cầm trên tay các sản phẩm vật liệu màng mỏng. “Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có dự định đi du học để có điều kiện nghiên cứu tốt hơn. Nhưng khi được tạo điều kiện ở lại trường công tác, tôi đã quyết định làm việc tại phòng thí nghiệm này, tập trung hướng nghiên cứu vào các vật liệu màng mỏng bán dẫn được tổng hợp bằng phương pháp vật lý. Đây chính là bản sắc của phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao. Tôi mong muốn mình sẽ góp phần phát triển bản sắc đó và xây dựng nhóm nghiên cứu tâm huyết”, Tuấn Anh chia sẻ. Làm việc trong phòng thí nghiệm đến quên ăn, quên ngủ là chuyện thường ngày của chàng trai trẻ Phạm Thanh Tuấn Anh, nhất là giai đoạn trước khi anh có gia đình nhỏ (2016-2020). “Thời gian ở lab của tôi thường bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Nhiều hôm ở lại qua đêm do tính chất của thí nghiệm đòi hỏi thời gian liên tục. Tất cả đam mê, khát khao của tôi dành trọn trong từng thí nghiệm, dù là nhỏ nhất”, anh chia sẻ. Với những kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG HCM), vừa được trao giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2024. Hiện anh sở hữu khối lượng công trình nghiên cứu khoa học đồ sộ, có 39 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín Q1 (19 bài tác giả chính), 13 bài Q2; 15 bài đăng tạp chí khoa học trong nước. Đặc biệt, anh chủ trì 2 đề tài cấp Bộ đã được nghiệm thu đạt yêu cầu. Từ năm 2020, Tuấn Anh được tạo điều kiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, ĐHQG TPHCM. Đây là nơi đã hỗ trợ và giúp anh định hình hướng nghiên cứu về lĩnh vực vật liệu chuyển hóa nhiệt điện, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện luận án tiến sĩ. Cùng đó, anh được lãnh đạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên tạo điều kiện tham gia trao đổi, thực tập tại một số phòng thí nghiệm tiên tiến ở nước ngoài và làm việc với các giáo sư đầu ngành cùng lĩnh vực. Nhờ đó, anh tự tin hơn trên con đường chinh phục nghiên cứu khoa học đầy chông gai. Chắt chiu trong từng thí nghiệm Từ năm 2016, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh bắt đầu nghiên cứu và hiện là tác giả chính của công trình “Nghiên cứu chế tạo vật liệu màng mỏng dựa trên nền ô-xít kẽm ứng dụng chuyển hóa nhiệt thải dư thành năng lượng điện và bảo vệ môi trường”. Công trình đạt được kết quả ấn tượng với 12 công bố khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín (11 bài xếp hạng Q1, 1 bài xếp hạng Q2). Theo TS. Tuấn Anh, vật liệu nhiệt điện đã và đang được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới, tuy nhiên còn hạn chế ở Việt Nam, đặc biệt là vật liệu nhiệt điện thấp chiều (màng mỏng). Vật liệu và linh kiện nhiệt điện sẽ góp phần giải quyết đồng thời hai vấn đề: tận dụng nguồn nhiệt thải dư để sản sinh ra điện năng và giảm ô nhiễm môi trường. “Nguồn nhiệt thải dư chiếm khoảng 2/3 năng lượng được sản xuất và tồn tại trong các sinh hoạt hàng ngày, hoạt động sản xuất công nghiệp. Nếu tận dụng được nguồn nhiệt thải dư này để chuyển hóa thành điện năng hữu ích sẽ góp phần vào an ninh năng lượng, đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, TS. Tuấn Anh cho biết. Theo TS. Tuấn Anh, công trình tập trung vào cấu trúc và ứng dụng vật liệu kẽm ô-xít ở dạng màng mỏng, nhằm thay thế, tích hợp và ứng dụng cho các loại cảm biến, pin trong các linh kiện, thiết bị đeo cơ thể. Trong quá trình chế tạo vật liệu, nhóm nghiên cứu ưu tiên lựa chọn, sử dụng các tiền chất, dung môi an toàn, ít độc hại và các phương pháp chế tạo đơn giản, chi phí thấp. Từ đó, hướng đến việc mở rộng sản xuất, diện tích phủ màng lớn, giảm chi phí và có khả năng ứng dụng cao. “Công trình này tôi tâm đắc không chỉ vì được đăng trên nhiều tạp chí khoa học quốc tế uy tín, mà vì quá trình kiên trì, sự đoàn kết, trao đổi, làm việc cùng nhau của nhóm nghiên cứu”, TS. Tuấn Anh chia sẻ. Chủ nhân Quả cầu Vàng năm 2024 chia sẻ, để có được những công trình khoa học tâm huyết, bản thân anh nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, từ sự hạn chế kinh phí đến cơ sở vật chất. “Kinh phí làm khoa học của tôi chủ yếu đến từ nguồn lương công tác và các đề tài nghiên cứu. Vì vậy, tôi luôn cố gắng cẩn thận, chắt chiu trong từng thí nghiệm, trân trọng và khai thác giá trị của từng kết quả thu được dù là xấu hay tốt, từ đó, mới mở rộng dần hướng nghiên cứu”, TS. Tuấn Anh chia sẻ. TS. Phạm Thanh Tuấn Anh mong muốn trở thành một nhà khoa học với những nghiên cứu có ích, đóng góp cho xã hội, cộng đồng; đồng thời, hướng dẫn và đào tạo các thế hệ tiếp nối. Ngoài giờ làm việc chuyên môn, TS. Tuấn Anh thường nán lại trò chuyện với các sinh viên về cuộc sống hàng ngày, qua đó, tìm hiểu nguyện vọng, truyền lửa nghiên cứu khoa học cho sinh viên. “Niềm vui giản dị đó giúp tôi có động lực hoàn thiện bản thân mình hơn. Ngoài vai trò là một người thầy, mình còn là một người anh, người bạn để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ; từ đó, xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng, tâm huyết đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, TS. Tuấn Anh chia sẻ thêm. Theo TP
|