Giờ tự học của học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Mường Nhé. |
Song với tình thương yêu học trò và tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, giáo viên, ngôi trường nổi tiếng “nhiều không”, “nhiều khó” ấy đã vươn lên, trở thành điển hình trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, chắp cánh vươn xa cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền biên viễn...
Thầy Phạm Văn Hạ, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Mường Nhé kể lại từng dấu mốc trong chặng đường dạy và học của thầy trò nơi đây kể từ khi thành lập trường năm 2003. Thầy Phạm Văn Hạ cho biết: Khi mới thành lập, trường được đặt tại xã Chà Cang, huyện Mường Nhé (nay là xã Chà Cang thuộc huyện Nậm Pồ).
Năm học đầu tiên trường chỉ có 5 lớp, 135 học sinh ăn ở và học tập dưới sự kèm cặp, dìu dắt của 23 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Những ngày đầu ấy, thầy và trò thiếu phòng học, phòng ở; nhà ăn, nhà bếp được làm tạm bằng gianh nứa, bất đồng ngôn ngữ, phụ huynh không quan tâm việc học của con em. Cảm thương sự nghèo khó của học trò và thiếu thốn của người dân trên địa bàn, nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã vượt suối sâu, đèo cao với bao cung đường gập ghềnh để đến từng bản làng xa xôi thuyết phục, vận động phụ huynh cho con em đến trường.
Chính những tháng ngày gian khó đã gắn kết, thôi thúc giáo viên tìm tòi giải pháp thích hợp để vừa bảo đảm việc dạy trên lớp, vừa có thời gian gần gũi, nắm bắt tâm tư, lực học của học sinh để từ đó có phương pháp giảng dạy hiệu quả.
Để đáp ứng yêu cầu từng bước đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, năm 2013-2014, nhà trường tiếp tục được nâng cấp hoàn thiện giai đoạn 2 về cơ sở hạ tầng, nhiều hạng mục công trình được bổ sung với 50 phòng ký túc, nhà đa năng, nhà ăn, các phòng học chức năng, thư viện, phòng thiết bị, nhà làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên, dãy nhà công vụ với 14 phòng, các hạng mục dụng cụ thể thao được đa dạng hóa. Đến nay, quy mô nhà trường được mở rộng với 12 lớp học, 420 học sinh và 46 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất hoàn thiện, tập thể nhà trường tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia.
Để các em chuyên tâm học tập, ngoài giờ học trên lớp, mỗi thầy, cô giáo còn dành thời gian dạy các em học cách ăn, nếp ở, sắp xếp đồ dùng sinh hoạt. Học sinh nào ốm, gia đình em nào có việc, giáo viên chủ nhiệm đều nắm bắt để chăm lo, động viên học sinh và cả phụ huynh. Cứ như thế, các thầy, cô lặng lẽ làm mà không một lời đếm việc, kể công.
Với sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể giáo viên nhà trường, tinh thần vượt khó học tập của hàng nghìn học sinh, tròn 11 năm sau ngày thành lập, năm học 2014-2015, Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Mường Nhé chính thức được Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên trao bằng công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia và là trường đầu tiên trong khối trung học phổ thông trên địa bàn huyện được nhận danh hiệu này.
Tiếp bước thành quả, kinh nghiệm dạy và học, đến nay, nhà trường không ngừng đầu tư chuyên môn vào các hoạt động giáo dục mũi nhọn trọng điểm như ôn tốt nghiệp trung học phổ thông, ôn thi học sinh giỏi. Công tác quản lý nội trú luôn được quan tâm, học sinh được chăm sóc bảo đảm về chế độ dinh dưỡng, sức khỏe bằng việc tăng cường luyện tập các môn thể thao: cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá sau giờ học.
Việc giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh qua hoạt động lao động cải tạo trường lớp, trồng rau tăng gia sản xuất, tổ chức các cuộc thi mang tính sáng tạo, các phong trào thi đua cụ thể, gắn với thi đua dạy và học...
Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Mường Nhé đã từng bước đổi mới toàn diện, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao. 5 năm gần đây chất lượng giáo dục hai mặt của học sinh trong trường có sự tiến bộ rõ rệt: Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá đạt hơn 90%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt hơn 60%; 8 năm học liền kề, trường luôn đạt tỷ lệ 100% số học sinh đỗ tốt nghiệp THPT.
Đặc biệt trong các cuộc thi chuyên môn cấp quốc gia, cấp tỉnh, nhà trường đã đạt nhiều giải cao: Năm học 2016-2017 có 1 giải khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai; năm học 2017-2018 trường có 1 Giải nhất cấp quốc gia thi tích hợp liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn. Năm học 2019-2020 có 1 Giải ba thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, 1 Giải ba cuộc thi cấp quốc gia An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai. Năm học 2020-2021 có 2 Giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Đáng ghi nhận, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023 nhà trường đạt 61 giải, tăng 10 giải so với năm học 2021-2022; năm 2023-2024 trường đạt 64 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, trở thành trường đứng đầu trong khối các trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông vùng huyện có nhiều học sinh đạt giải cao.
Nhờ sự tận tụy, tình cảm thương yêu và sự dày công chăm bẵm của các thầy, cô giáo rất nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, nhiều học sinh đỗ các trường đại học tốp đầu. Nhiều em sau khi học các trường chuyên nghiệp đã trở về Mường Nhé làm việc, trở thành giáo viên, công chức xã tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quê hương. Điển hình là em Giàng Thị Duyên, học sinh khóa đầu tiên của trường hiện là Phó Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé, là cán bộ trẻ được quy hoạch nguồn kế cận của địa phương.
Kiên định mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học, góp phần đào tạo ra nguồn cán bộ, lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số có đủ đức, đủ tài góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Mường Nhé tiếp tục chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi những môn văn hóa cơ bản, đồng thời có các biện pháp giúp học sinh yếu kém; phấn đấu tỷ lệ học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp đạt 100%; nâng cao tỷ lệ đỗ các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
Theo Nhân Dân |