Việt Nam tăng tốc đào tạo nhân tài cho cuộc đua công nghiệp bán dẫn

CTG - Để nhanh chóng phát triển được nguồn nhân lực ngành công nghệ cao, Việt Nam đang triển khai nhiều chương trình phát triển thông qua hợp tác với Samsung, Google, Meta, Synopsys, Cadence, Siemens.

Bắt tay Samsung, Google, Meta đào tạo nhân lực công nghệ

Để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới, việc chủ động và nhanh chóng nắm bắt cơ hội của làn sóng đổi mới công nghệ toàn cầu đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Trong thời gian gần đây, hàng loạt động thái thúc đẩy đổi mới sáng tạo đã được Chính phủ triển khai như ban hành chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu. 

Trong các thành tố của hệ sinh thái, nguồn nhân lực chính là yếu tố đặc biệt quan trọng và cần đầu tư bài bản để phát triển lâu dài, hiệu quả. Đây cũng là tinh thần triển khai chủ trương của Nghị quyết Đại hội XIII về nguồn lực con người.

Phát biểu tại lễ khai giảng chương trình phát triển nhân tài công nghệ cao (SIC) diễn ra vào sáng 3/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình phát triển nguồn nhân lực hợp tác với Google, Meta, Synopsys, Cadence, Siemens.

Chương trình phát triển nhân tài công nghệ khai giảng được triển khai với sự hợp tác giữa Samsung và NIC với mục tiêu đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và dần trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới.

Cụ thể, Samsung Việt Nam sẽ phối hợp cùng NIC triển khai 2 lớp đào tạo về Trí tuệ nhân tạo, 2 lớp đào tạo về Internet Vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT) và 2 lớp đào tạo về Dữ liệu lớn dành cho khoảng 200 sinh viên đến từ một số trường đại học. 

Những chương trình này là một trong những bước đi để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn. Trong đó dự kiến có khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế và 35.000 kỹ sư cho các công đoạn còn lại của ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - khẳng định Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Gần đây, thế mạnh của Việt Nam được thể hiện rõ nét hơn trên các phương diện chính trị, nhân lực, cơ sở hạ tầng và thu hút được ngày càng nhiều sự chú ý trên toàn thế giới. 

Đặc biệt, tầm quan trọng của Việt Nam trong ngành Công nghệ thông tin công nghệ cao mà tập đoàn này cũng đang tập trung đầu tư và phát triển, được kỳ vọng sẽ trở nên nổi bật hơn nữa.

"Các doanh nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới đang cạnh tranh tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, do đó nhu cầu về nhân tài công nghệ cao cũng gia tăng đột biến", ông Choi Joo Ho cho biết.

Việt Nam tăng tốc đào tạo nhân tài cho cuộc đua công nghiệp bán dẫn - 1

Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam phát biểu tại Lễ khai giảng chương trình đào tạo (Ảnh: MPI).

 

Việt Nam đứng trước cơ hội "nghìn năm có một"

Trao đổi tại hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội "nghìn năm có một" để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD, tính đến năm 2023. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy. 

Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. 

Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn, như quyết tâm chính trị cao; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; lực lượng lao động có chất lượng; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

Để nắm bắt và hiện thực hóa được cơ hội này Việt Nam cần triển khai nhanh trong thời gian không nên quá 24 tháng và tập trung vào 3 nội dung cốt lõi: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.

Theo Dantri