Nỗi ám ảnh trong năm tháng tuổi thơ sống trên dải đất oằn mình hứng chịu thiên tai đã trở thành điểm tựa, khơi dòng động lực để TS. Nguyễn Duy Duy (SN 1991, quê ở Hà Tĩnh) trở thành nhà nghiên cứu về thủy lực dòng chảy, hướng đến giải bài toán về an ninh nguồn nước. Anh hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Môi trường, Viện Nghiên cứu Quốc gia Úc (CSIRO).
Thổn thức từ “Đêm đầy sao” của Van Gogh
TS. Nguyễn Duy Duy (trên cùng, bên phải) là 1 trong 10 nhà khoa học được trao thưởng và đề cử tham dự Hội nghị người đoạt giải Nobel Lindau lần thứ 73. Ảnh: Australian Academy of Science |
Duy xúc động khi nhớ lại hình ảnh người dân phải tìm nơi trú ẩn trên mái nhà, hay chờ đợi một tiếng kẻng của đội cứu hộ vang lên để bấu víu vào đó mà tìm hy vọng sống cho gia đình. Nhìn xuống dòng nước xoáy ồ ạt đang cuốn trôi đi mọi thứ, chàng trai bị ám ảnh và luôn tự hỏi: Tại sao, những con người nhỏ bé nơi đây phải gồng mình hứng chịu thiên tai dồn dập quanh năm, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”?
Chàng trai Hà Tĩnh trong chuyến đi thực địa tại hồ Hume ở Victoria |
Những ký ức đau thương tưởng chừng như đã nhấn chìm ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ kia, lại được Duy biến thành động lực, để khơi dậy tính tò mò về sự hỗn loạn của dòng chảy. Đó là khi xem bức tranh nổi tiếng “Đêm đầy sao” của danh họa Vincent Van Gogh, hay ngẫm về hai câu thơ “Sóng bắt đầu từ gió/Gió bắt đầu từ đâu” trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, anh đều thổn thức.
Và khi càng nhìn sâu để cảm nhận bức tranh, Duy thấy tác phẩm nghệ thuật của danh hoạ có mối liên hệ mật thiết với khoa học. Càng thú vị hơn khi anh biết những nét vẽ có hình xoắn ốc trong tranh tương đồng với hình ảnh thiên hà xoáy nước do William Parson - nhà thiên văn người Anh vẽ phác thảo năm 1845.
Để rồi, ký ức đau thương sau mỗi trận bão lũ đối nghịch với nét vẽ nghệ thuật đầy cảm hứng, hy vọng về bầu trời đêm đầy sao của Van Gogh đã tạo nên sự cộng hưởng trong tâm trí Duy. Anh dần chú ý đến hiện tượng hỗn loạn xung quanh mình như tìm hiểu về nguồn gốc của gió, những cuộn mây trên nền trời, những dòng sông dữ dội hay cả gợn xoáy nước khi đun sôi… và liên tưởng tới dòng chảy rối.
Từng điểm trạm đi qua trên hành trình “vượt thác”, Duy đều để lại dấu ấn. Từ cậu học trò hiếu học pha chút nổi loạn của lớp Toán Tin, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, rồi vươn ra thế giới bằng học bổng du học tại Đại học Bách khoa Sankt-Petersburg (Nga).
Duy cùng các nhà khoa học trẻ trong trường tổ chức hội thảo về Cơ học chất lỏng Úc - New Zealand năm 2022. |
Sau khi tốt nghiệp đại học xuất sắc, Duy lại được mệnh danh là thợ “săn” học bổng khi cùng lúc nhận 8 học bổng toàn phần học thạc sĩ từ các trường đại học đứng đầu ở Mỹ. Anh đã chọn học Đại học Notre Dame (Mỹ) để nghiên cứu về mô hình dự báo bão. Ở bậc học tiến sĩ, chàng trai Hà Tĩnh dừng chân ở Đại học Sydney (Úc) và bắt đầu ra mắt cộng đồng học thuật bằng giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc nhất của trường cho ngành kỹ sư năm 2022.
TS. Nguyễn Duy Duy hiện có 9 công bố khoa học quốc tế thuộc danh mục tạp chí quốc tế uy tín. Trong đó, anh đã nhận được một số giải thưởng từ các tạp chí đăng tải như giải thưởng Bài viết nổi bật, giải thưởng Bài viết được Ban biên tập bình chọn, giải thưởng Bài viết hay nhất. Vừa qua, anh xuất sắc trở thành một trong 10 nhà khoa học trẻ lĩnh vực khoa học và công nghiệp được Viện Hàn lâm Khoa học Úc vinh danh. Từ đây, anh có cơ hội gặp gỡ, kết nối với hơn 45 nhà khoa học đạt giải Nobel và gần 600 nhà khoa học trẻ khác trên toàn thế giới vào tháng 7 tới tại thành phố Lindau, Đức.
Giải cơn khát ở vùng hạn, mặn
Luôn đau đáu hướng về quê hương với khát vọng tìm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, Duy cùng với các chuyên gia người Việt, Úc và Mỹ đã đặt chân đến những vùng đất đang gánh chịu sự khốc liệt của thiên tai. Anh đang xây dựng hệ thống quan trắc và dự báo chất lượng nước, nguồn nước để giải bài toán về an ninh nguồn nước.
Trong đó, chàng trai Hà Tĩnh tâm huyết với dự án nghiên cứu lập bản đồ dự báo tự động chất lượng nước, nguồn nước ở nhiều nơi trên thế giới. Anh đang hướng tới từng bước chuyển giao công nghệ để đưa ra giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề nước biển dâng, xâm nhập mặn hay sụt lún tại Đồng bằng sông Cửu Long. Duy cũng rất quan tâm tới sự thay đổi về cường độ và tần số của nhiều loại hình thiên tai tại Việt Nam như bão hay lũ lụt, và tốc độ bồi lấp xói lở rất cao ở nhiều cửa biển Việt Nam.
Ngoài ra, anh Duy cũng thực hiện thí điểm hệ thống quan trắc cho hệ thống hồ nuôi tôm ở Hải Phòng, giúp dự báo các chỉ số chất lượng nước (nhiệt độ, thông số oxy hòa tan, độ đục, các chỉ số hóa học, dinh dưỡng, tảo…) giúp tối ưu hóa môi trường nuôi trồng và phát triển cho thủy hải sản.
Nhắc đến sứ mệnh của một người làm nghiên cứu khoa học, Duy nói rằng anh không phải hy sinh điều gì. Ngược lại, anh cảm thấy hạnh phúc, bởi hiếm có một nghề nào lại được trả tiền cho việc học, nghiên cứu toàn thời gian như làm khoa học.
Duy cho biết, cứ vài tháng anh và cộng sự lại ra sông, hồ ở những khu vực rất hẻo lánh của Úc. Anh kể về chuyến đi thực địa “3 cùng” tới dòng sông Flinders phía bắc bang Queensland, với một tâm thế dấn thân, đầy sắc màu cảm xúc. Dường như, trong tâm trí anh lúc này là khoảnh khắc anh và đồng nghiệp cùng băng đèo trong đêm đen để xuyên vào rừng lắp trạm quan trắc đo chất lượng nước khu vực đầu nguồn, cùng sống trong cảnh không sóng, không điện với sự kiên định tìm sự phát hiện mới.
Chuyến đi ấy, anh có dịp được kể về những câu chuyện với các giáo sư trong Viện nghiên cứu, điều tưởng rằng rất khó có cơ hội. “Từ câu chuyện dấn thân cho khoa học của các giáo sư ở tuổi cận kề nghỉ hưu, tôi thấy mình thật nhỏ bé, và càng khâm phục nỗ lực làm trọn sứ mệnh của cuộc đời làm khoa học trong họ. Thế nên, chẳng có lý do gì để người trẻ như tôi lại từ chối kế thừa”, Duy nói.
Anh Duy hiện là Chủ tịch Hiệp hội các nhà khoa học trẻ ở Viện Nghiên cứu quốc gia Úc với sự tham gia của gần 550 thành viên. Anh cũng đang nỗ lực “lôi kéo” đồng nghiệp và tham gia đào tạo sinh viên Việt Nam, hướng đến các giải pháp từ những vấn đề nhỏ nhất trong bức tranh khắc nghiệt, vốn khó dự đoán của khí hậu.
Ngồi nhớ lại những điều Duy nói với chất giọng trầm ấm, mộc mạc quê nhà, tôi tin, tấm lòng hướng về miền Trung trong anh sẽ luôn được vun đắp mỗi ngày, như cách anh gửi trọn trong bài thơ “Ký ức bão”: …Con mong rằng sẽ học được cách trị lũ giúp làng ta/ Học được cách dự báo bão từ khi hắn còn tít xa ngoài ngái/Để mỗi lần bão vào dân mình không còn phải hại/Và con không còn quặn lòng những đêm trắng ở miền xa…”.
“Chúng tôi thường tổ chức các hoạt động kết nối khác nhau như tổ chức hội thảo, trình bày, trao đổi các nghiên cứu nổi bật của mỗi thành viên hay cùng nhau tham gia khoá đào tạo về các kỹ năng như gọi vốn, làm việc với doanh nghiệp… Qua đó, những nhà nghiên cứu trẻ có thêm các góc nhìn sáng tạo khác nhau để cập nhật, phát triển nghiên cứu mỗi ngày”. Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy
Theo TPO