'Chắp cánh' cho những sáng tạo của sinh viên

(CTG) Nhiều năm nay, việc kết nối doanh nghiệp để đặt hàng các nghiên cứu khoa học (NCKH), sản phẩm sáng tạo sinh viên được các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng duy trì, tạo bệ đỡ cho các sản phẩm của sinh viên ứng dụng, phát huy tốt trong thực tiễn.

Kết nối doanh nghiệp đặt hàng sinh viên

Hai bạn Phan Lê Kỷ Nguyên và Hoàng Tuấn Hiệp (sinh viên năm cuối khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) vừa hoàn thiện “Máy sản xuất ống xoắn nhựa PE bọc dây điện” để bàn giao cho doanh nghiệp. Đây là sản phẩm nhóm nhận đặt hàng từ Công ty Cơ khí và Tự động hóa COKVIN từ cuối tháng 9 năm nay.

'Chắp cánh' cho những sáng tạo của sinh viên ảnh 1

Hai bạn Phan Lê Kỷ Nguyên và Hoàng Tuấn Hiệp (khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) bên “Máy sản xuất ống xoắn nhựa PE bọc dây điện” vừa hoàn thành

“Ngay sau khi nhận được yêu cầu từ doanh nghiệp, nhóm đã bắt tay ngay vào việc lên ý tưởng, tính toán để phác thảo bản vẽ. Ngoài những linh kiện, thiết bị phải nhập, đặt mua, tất cả các chi tiết còn lại đều do nhóm thiết kế và đặt gia công theo bản vẽ để tiến hành lắp ráp”, Nguyên kể.

Trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 kéo dài, hàng loạt các sản phẩm sáng tạo, nghiên cứu của sinh viên các trường thành viên ĐH Đà Nẵng (ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật,…) đã được chuyển giao và ứng dụng vào công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, sử dụng tại các bệnh viện, khu cách ly, vùng phong tỏa,… nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đó là các sản phẩm như: Máy đo thân nhiệt từ xa, Robot vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ khu cách ly, Máy rửa tay sát khuẩn tự động, Robot diệt khuẩn bằng tia UV, Buồng khử khuẩn tự động,…

Cuối tháng 11 vừa qua, nhóm đã hoàn thiện, bàn giao sản phẩm để doanh nghiệp nghiệm thu và được thông qua. Để làm ra máy sản xuất ống nhựa xoắn PE bọc dây điện, Nguyên và Hiệp áp dụng những kiến thức chuyên ngành cũng như kinh nghiệm thực hành, nghiên cứu trong những năm học ở trường. Bên cạnh đó, nhóm tự mày mò thêm về điện để tự hoàn thiện phần điện cho máy. Tranh thủ thời gian rảnh trước khi ra trường, hai bạn tiếp tục hỗ trợ công ty cải tiến thêm về công suất cũng như mẫu mã của máy.

Ở Việt Nam hiện chưa có đơn vị nào sản xuất và kinh doanh máy sản xuất ống nhựa xoắn PE bọc dây điện. Các mẫu máy đều do nước ngoài sản xuất với giá thành rất cao, trên dưới 1 tỷ đồng. Trong khi chi phí để nhóm sáng tạo và sản xuất máy chỉ khoảng 100 triệu đồng, ít hơn rất nhiều so với việc nhập ngoại. Máy được tối ưu hóa để phù hợp cho các công ty có quy mô vừa và nhỏ, sản xuất các loại ống nhựa xoắn PE với đường kính nhỏ.

“Trên thực tế, các nghiên cứu, sản phẩm của sinh viên đa phần đều gặp tình trạng “nghiên cứu rồi để đó” hoặc gặp khó khi kết nối để thương mại hóa sản phẩm. Những nghiên cứu theo đặt hàng như thế này vừa giúp chúng em có cơ hội ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn, vừa giúp những “đứa con khoa học” của sinh viên phát huy được giá trị, tham gia vào thị trường”, Nguyên chia sẻ.

Theo TS Đặng Phước Vinh, giảng viên khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, trong những năm qua, việc liên kết giữa khoa và doanh nghiệp được đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên, tạo cơ hội cho sinh viên được thực hành, nhận được nguồn tài trợ để nghiên cứu, sáng tạo ứng dụng thực tiễn.

“Đoàn trường đã dành nguồn lực lớn cho các hoạt động thúc đẩy sinh viên NCKH đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để kết nối, tìm kiếm nguồn hỗ trợ, đầu tư nhằm hiện thực hóa các ý tưởng, sản phẩm sáng tạo của sinh viên” .

Anh Nguyễn Thành Đạt, Bí thư Đoàn trường ĐH Đà Nẵng

“Trung bình mỗi năm học, có khoảng 40 sản phẩm của sinh viên được doanh nghiệp đặt hàng. Điều này giúp nâng cao năng lực cho sinh viên khi các em vừa được thực hành, vừa được hướng dẫn từ hai nguồn, đó là giảng viên và các chuyên gia của doanh nghiệp”, TS. Vinh cho biết.

Để sáng tạo không nằm trên giấy

Theo TS Tào Quang Bảng, Trưởng phòng KHCN-Hợp tác quốc tế, các chương trình đào tạo hiện nay của trường đã và đang được triển khai theo mô hình Học theo Dự án (Project Based Learning). Các dự án được giảng viên và sinh viên xây dựng, hoặc phối hợp với doanh nghiệp, hoặc do sinh viên đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn.

“Nhờ vậy, sinh viên ra trường sẽ có được kiến thức, kỹ năng thích ứng với nhu cầu thay đổi ngày càng nhanh của xã hội. Sinh viên có nền tảng tốt để tìm được công việc tốt và thậm chí là khởi nghiệp. Bên cạnh các đề tài NCKH thường niên, 3 năm gần đây, trường có chính sách hỗ trợ các nhóm sinh viên thực hiện các đề tài NCKH tiềm năng. Các đề tài này được trường đầu tư kinh phí lớn cũng như sản phẩm của đề tài có tính ứng dụng cao”, TS Bảng cho biết.

Theo PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, với vai trò một đại học vùng trọng điểm của khu vực miền Trung-Tây Nguyên, thầy và trò ĐH Đà Nẵng ý thức rõ vai trò trong việc đóng góp cho sự phát triển của địa phương, khu vực và cả nước mà trọng điểm là lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Thời gian qua, ĐH Đà Nẵng đã triển khai các chương trình hợp tác NCKH với các địa phương, các doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước như Trường Hải, Vingroup, UAC, Fujikin, EVN,…

Theo TP