Năm 2003, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên, cô được điều động về giảng dạy tại trường THCS Hòa Phong, Mỹ Hào, Hưng Yên. Đến năm 2006, cô chuyển công tác về trường THCS Bạch Sam, Mỹ Hào, Hưng Yên. Từ một cô sinh viên ngày đầu ra trường với bao bỡ ngỡ, đến nay cô đã có gần 20 năm gắn bó với nghề, đã thấm thía những vất vả, gian truân nhưng cũng đầy niềm vui và tự hào trong sự nghiệp “trồng người” cao cả.
Cô giáo Lê Phương Thảo chụp hình cùng các học sinh giữa giờ nghỉ
Ngay từ những ngày đầu đứng trên bục giảng, cô đã dành hết tâm huyết vào những bài dạy để truyền đạt kiến thức cho học trò. Chính vì vậy, cô luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức hoạt động học phong phú. Cô luôn tâm niệm làm thế nào để mỗi giờ lên lớp đều tạo được sự hứng thú say mê học tập của học sinh.
Tùy theo trình độ của các em mà nghiên cứu tìm ra những phương thức dạy học phù hợp, giúp học sinh hiểu sâu, nhớ lâu, biết vận dụng vào thực tiễn…
Chính nhờ sự tận tâm cùng những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, trong suốt 18 năm gắn bó với nghề, cô đã giành được nhiều thành tích đáng tự hào.
Hàng năm, được nhà trường tín nhiệm phân công bồi dưỡng đội tuyển dự thi học sinh giỏi Toán và Violympic Toán, cô đã nỗ lực cố gắng, miệt mài tìm tòi để có những bài giảng, những chuyên đề bồi dưỡng; từ đó, cô đã đúc rút ra sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp tỉnh như: “Một số phương pháp dạy học tích cực, giúp học sinh hứng thú trong giờ học Toán”, và “ Một số thủ thuật sử dụng máy tính cầm tay Casio trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi Toán”. Những kinh nghiệm trên đã giúp việc bồi dưỡng các em đạt được thành tích cao trong các cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp thị xã, cấp tỉnh:
Năm học 2014 - 2015, đội tuyển cô bồi dưỡng có 3 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó 1 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích;
Năm học 2015-2016, có 7 em học sinh giỏi cấp huyện Violympic ( gồm toán 7 và toán 9) và 2 em học sinh giỏi violympic toán 9 cấp tỉnh.
Năm học 2018-2019, có 6 học sinh giỏi trong đó 3 giải nhì, 1 giải ba, 2 khuyến khích.
Không những thế, cô được Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Mỹ Hào tín nhiệm nhiều năm cử là giáo viên bồi dưỡng đội tuyển Học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm 2020-2021 vừa qua, đội tuyển Toán của thị xã tham dự thi cấp tỉnh do cô bồi dưỡng đạt kết qua cao, trong đó 2 học sinh đạt giải nhì, 1 học sinh đạt giải ba, 2 học sinh đạt giải khuyến khích.
Ngoài những thành tích về bồi dưỡng học sinh giỏi toán, cô còn thường xuyên học hỏi đồng nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua các Hội thi giáo viên giỏi:
Năm học 2006-2007, sau 3 năm kể từ khi bước chân vào nghề, cô đã mạnh dạn tham gia và đạt Giáo viên Giỏi cấp huyện.
Năm 2011-2012, đạt giải Nhất Hội thi Giỏi viên giỏi cấp huyện, giải Nhì Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh và được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen.
Năm học 2013-2014, cô đã lựa chọn và xây dựng chủ đề dạy học tích hợp về “Thực trạng an toàn giao thông ở tỉnh Hưng Yên”; năm học 2016-2017 là chủ đề “ Ảnh hưởng của nhiệt độ với cuộc sống trên Trái Đất” của cô được lựa chọn tham dự Cuộc thi cấp quốc gia về Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên phổ thông đều đạt giải Nhất cấp Quốc gia.
Năm học 2018-2019, cô được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên tôn vinh nhà giáo tiêu biểu trong phong trào “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”;
Năm học 2020-2021, cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen giáo viên có thành tích xuất sắc trong năm học. Đồng thời, nhiều năm công tác, cô đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở; nhiều năm liền được Đảng bộ phường Bạch Sam tặng khen thưởng Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Để có được những thành tích trên, cô luôn tận tâm, hết mình trong công việc và cuộc sống, biết dung hòa mọi mối quan hệ gia đình, nhà trường, xã hội. Với những nỗ lực đóng góp cho công tác giáo dục, cô Thảo vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.
Ngoài nhiệm vụ giảng dạy và làm chủ nhiệm lớp, cô còn được Ban Giám hiệu và đồng nghiệp tin tưởng phân công là Tổ trưởng tổ Khoa học Tự nhiên:
Hàng năm, Tổ KHTN của cô luôn đạt danh hiệu tổ lao động tiên tiến và đạt được nhiều thành tích cao về chuyên môn . Với vai trò làm tổ trưởng nhiều năm, cô tự rút ra kinh nghiệm rằng ngoài việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ của một tổ trưởng phải làm, phải có những yêu cầu về phẩm chất đạo người tổ trưởng chuyên môn còn phải có khả năng quản lý và năng lực chuyên môn. Để có được năng lực tổ chức quản lý tổ, người tổ trưởng phải thường xuyên nghiên cứu các văn bản hướng dẫn, các tài liệu chuyên sâu có liên quan đến chuyên môn. Đồng thời học tập ở các giáo viên giảng dạy lâu năm có kinh nghiệm và tranh thủ sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu. Ngoài ra, người tổ trưởng còn phải xây dựng tổ thành một khối đoàn kết thống nhất mọi lúc mọi nơi trong công tác cũng như trong sinh hoạt thì việc khó mấy cũng vượt qua.
Làm tốt vai trò của một nhà giáo trong thời đại 4.0 đã khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, nâng cao chất lượng giảng dạy trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp lại càng khó hơn.
Trong thời gian này, đa số trường học tại các địa phương đang đẩy mạnh triển khai dạy học trực tuyến nhằm duy trì tiến độ học tập của học sinh với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”. Tuy nhiên, với giải pháp này, để đạt được kết quả như mong muốn, cô và giáo viên trong cả nước gặp không ít khó khăn.
Vì thế, trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc dạy học trực tuyến được các nhà trường triển khai để đảm bảo cho học sinh được duy trì học tập, đảm bảo học kiến thức, kỹ năng các bộ môn, nhất là học sinh cuối cấp, khi bắt tay thực hiện, khá nhiều giáo viên lúng túng về kỹ thuật thực hiện.Có nhiều nguyên nhân, song, chủ yếu vẫn là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở nhiều giáo viên còn hạn chế, việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả. Hơn nữa, đa phần giáo viên đã quen với không gian trực tiếp trước học trò, nay đứng trong không gian trực tuyến để giảng bài, nhiều thầy cô sẽ lúng túng hoặc không tự tin khi triển khai bài giảng.
Khó khăn thứ hai thuộc về học sinh. Mặc dù các em khá năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác các bài giảng của thầy cô giáo nhưng trên thực tế, hoàn cảnh, điều kiện cơ sở vật chất của gia đình học sinh sẽ chi phối nhiều đến hoạt động học trực tuyến. Bởi lẽ, không phải gia đình nào cũng trang bị được mạng, máy tính, điện thoại thông minh để cho con em mình học tập, nhất là ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.
Hơn nữa, do đặc thù của học trực tuyến nên việc quản lý nền nếp, ý thức học tập của học sinh không được trực tiếp nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Đa số học sinh đều cho rằng học online không thực chất là học, điều đó thể hiện qua khâu chuẩn bị trước khi lên lớp, được chăng hay chớ, không ai ràng buộc, không ai kiểm tra; Học sinh thụ động, có thể sẽ chỉ vào tham gia chứ không học thì đòi hỏi giáo viên phải ép học sinh tương tác nhiều hơn bằng cách bật camera nói chuyện, hỏi đáp hay dùng "chat" để hỏi.Khi dạy và học thì sự tương tác giữa giáo viên và học sinh là yếu tố rất quan trọng. Nếu ở bài giảng trên lớp, sự tương tác được phát huy hiệu quả thì học trực tuyến, giáo viên chủ yếu là thực hiện bài giảng một chiều, học sinh tiếp nhận qua mạng, qua các phương tiện, sự tương tác cần thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập sau đó chứ không trực tiếp. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng.
Về phía gia đình học sinh, ngoài khó khăn về phương tiện phục vụ cho học sinh học trực tuyến thì nhiều phụ huynh không có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để trợ giúp cho con em mình; vẫn phải đi làm hằng ngày, không có thời gian để tổ chức, quản lý việc học của các em ở nhà…
Khi các nhà trường, các thầy cô giáo triển khai dạy học trực tuyến, nếu không xây dựng kế hoạch cụ thể thì chắc chắn học sinh sẽ rơi vào tình trạng học chồng chéo giữa các bộ môn vì có thể, cùng một thời gian sẽ nhiều môn học, làm bài tập được giao. Như thế, hiệu quả khi học theo từng môn học sẽ không cao.
Để khắc phục những khó khăn trên, đồng thời giúp học sinh duy trì nề nếp học tập, ôn tập, củng cố kiến thức đã học và tiếp thu kiến thức mới đảm bảo nội dung chương trình năm học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Mỹ Hào đã có nhiều giải pháp chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo các nhà trường tổ chức triển khai các hình thức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị trong tình hình cao điểm phòng chống dịch Covid-19.
Ngay từ những ngày đầu nghỉ phòng, chống dịch Covid-19, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cấp trên và căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, bản thân cô ý thức được việc tìm hiểu các phần mềm dạy học trực tuyến trong giảng dạy miễn phí như phần mềm Zoom, Teams, Microsoft 365, Google classroom hoặc SHub classroom để giao bài tập, kiểm tra đánh giá học sinh. Hiện nay các thiết bị dạy học hiện đại hơn như bảng điện tử Gaomon 1060, Gaomon M5, XP-Pen star, bảng điện tử màn hình LCD … có thể đưa học sinh vào không gian phòng học bảng xanh phấn trắng gần gũi hơn, thân thiện hơn, đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho giáo viên khi dạy học online.
Với cương vị là tổ trưởng, cô đã tổ chức các chuyên đề sinh hoạt tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch, giáo án hướng dẫn cha mẹ hỗ trợ con em học tập tại gia đình phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Xây dựng video các tiết dạy theo chuyên đề nhằm ôn tập các kiến thức trọng tâm trong học kì I đăng tải trên youtube, zalo nhóm, email lớp, facebook giáo viên và trên trang web nhà trường, dạy học trực tiếp qua các phần mềm, khuyến khích học sinh đăng ký tham gia các cuộc thi trên mạng như Violympic Toán - Tiếng Việt và Toán - Tiếng Anh, , … với hàng nghìn lượt học sinh tham dự.
Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ duy trì thói quen, nề nếp hỗ trợ con em học tập tại nhà qua hình thức họp phụ huynh online. Thẩm định và giới thiệu các bài dạy, các địa chỉ học trực tuyến trên Internet (hocmai.vn, cunghoc.vn, youtube.com…). Hướng dẫn giáo viên, học sinh theo dõi lịch phát sóng các bài học (do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng).
Xây dựng chương trình học và luyện tập theo tuần gửi qua email, Zalo, Facebook, sổ liên lạc điện tử. In bản giấy để phụ huynh học sinh hỗ trợ học sinh học tập, rèn luyện tại nhà. Hướng dẫn để học sinh tự đánh giá, phụ huynh đánh giá; giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với hình thức hỗ trợ.
Thường xuyên hỏi han, đôn đốc, động viên các em học và làm bài qua nhiều kênh như: Messenger, zalo, Teams…. Khi có bất cứ thắc mắc gì về kiến thức, học sinh có thể hỏi bài qua zalo. Chính những tương tác đó đem lại cho HS cơ hội hiểu sâu kiến thức hơn, giải tỏa những nghi ngại và tạo mối quan hệ giữa cô và trò thêm thân thiện.
Một số các phần mềm kiểm tra đánh giá theo hình thức online mà cô đã sử dụng như: Master Test, Azota, Online Math… có chức năng trộn đề trắc nghiệm, giao bài và chấm bài online không những giúp giảm bớt sức lao động thủ công của giáo viên mà còn đem lại hiệu quả cao, nhất là đối với dạy ôn thi cho học sinh cuối cấp.
Việc tổ chức các hình thức dạy học trực tuyến trong thời gian qua đã thu được kết quả tích cực, học sinh rất thích thú khi được tham gia trải nghiệm các tiết học trực tuyến, có ý thức hoàn thành bài tập khi được giao; huy động số đông cha mẹ vào cuộc thường xuyên theo dõi, gửi, nhận bài tập của con qua zalo, hỗ trợ cho con học tập, trao đổi, theo dõi việc học tập của con hàng ngày.
Nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác chuyên môn, nhưng cô vẫn luôn cố gắng dành thời gian chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.
Là một người phụ nữ sau mỗi giờ lên lớp, cô lại trở về với vai trò một người vợ, người mẹ mẫu mực, luôn đồng hành cùng chồng vun vén cho hạnh phúc gia đình, chăm sóc hai con chăm ngoan, học giỏi. Bắt đầu vào lớp 1 cho đến nay, hai cháu đều tham gia tất cả các cuộc thi olympic và thi học sinh giỏi cấp thị xã và năm nào cũng đều đạt thành tích cao.
Gần đây, năm học 2019-2020, cháu Bùi Lê Đức Dũng (2006, con lớn) đạt giải nhất học sinh giỏi toán 8 và tham gia cuộc thi “ Thắp sáng tài năng xứ nhãn” đạt giải ba. Cháu Bùi Lê Đức Tiến (2009, con thứ hai) đạt giải đồng Violympic toán tiếng Việt
Năm học 2020-2021: Cháu Bùi Lê Đức Dũng đạt giải nhất cấp huyện và giải ba cấp tỉnh, giải khuyến khích VioEdu cấp quốc gia môn Toán và được Hội đồng đội cấp tỉnh tuyên dương
Với trách nhiệm, sự gương mẫu, nhiệt tình trong công tác chuyên môn, đoàn thể, cô đã có những đóng góp tích cực vào thành tích chung của trường THCS Bạch Sam nói riêng và ngành giáo dục thị xã Mỹ Hào nói chung. Tự hào về điều đó nhưng cô vẫn thấy mình phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện, căn bản theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại khi dịch Covid19 diễn biến phức tạp. Cô tâm niệm: “Một người thầy tốt giống như ngọn nến - cháy hết mình để thắp sáng đường đi cho những người khác” và cảm nhận rõ niềm vui, hạnh phúc của nghề giáo là điều rất đặc biệt: “Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên”.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm. Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19. |