Cô giáo người Nùng – “thủ lĩnh phong trào” 10 năm đem hoạt động Đội bổ ích cho học sinh dân tộc

(CTG) Về làm dâu tại xóm khó khăn nhất của xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, cô giáo người Nùng Lương Thị Hồng Thêm (SN 1984, Trường Tiểu học Phúc Thuận II) không chỉ trở thành tấm gương “thủ lĩnh phong trào” mang lại hoạt động Đội bổ ích cho học sinh dân tộc mà còn trở thành điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Cao Bằng còn gặp nhiều khó khăn kinh tế, bố mẹ cô nghỉ chế độ một lần về làm nông nghiệp, chỉ bám nương rẫy để làm kế sinh nhai. Dù gia cảnh khó khăn, bố mẹ vẫn cố gắng nuôi 4 chị em cô ăn học đầy đủ. Được theo học trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng, cô đã mơ ước sau này ra trường được đi đến nơi xa nhất của Cao Bằng để dạy ngữ văn và trở thành “thủ lĩnh phong trào” mang đến nhiều hoạt động Đội bổ ích cho học sinh dân tộc.

Cô giáo Lương Thị Hồng Thêm tổ chức buổi sinh hoạt Đội cho các em học sinh Trường tiểu học Phúc Thuận II

Số phận đưa đẩy, cô lại về làm dâu ở xóm khó khăn nhất với 90% dân cư là đồng bào dân tộc Dao của xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Dù chưa thực hiện được ước mơ trở thành giáo viên ở Cao Bằng từ thời sinh viên, cô vẫn quyết chí hiện thực hóa khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở “quê hương thứ hai” này.

Năm 2010, cô trúng tuyển thi viên chức và được phân công công tác tại Trường tiểu học Phúc Tân với vai trò là Giáo viên Tổng phục trách Đội. Trường cách nhà 12km, đường sá chủ yếu là đường đất, mùa khô bụi bẩn, mùa mưa trơn trượt, đi lại khó khăn. Con cô mới được 8 tháng tuổi, đối diện với nhiệm vụ mới và những thử thách này, cô cố gắng học hỏi đồng nghiệp, tự rèn luyện bản thân để hoàn thành nhiệm vụ và đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” cùng năm đó.

Tháng 1/2011, cô được thuyên chuyển về trường tiểu học Phúc Thuận II và được giao nhiệm vụ là Bí thư Chi đoàn - Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội. Xã Phúc Thuận là một trong những xã nghèo của thị xã Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, xóm Đầm Ban của xã Phúc Thuận là xóm khó khăn nhất của xã những năm trước 2018. Con đường vào xóm chủ yếu là đường đất lầy lội, do vậy, mỗi ngày đến trường của cô hết sức vất vả, mùa mưa lội bùn ngập bánh xe máy và leo lên những đoạn đường rải đá trơn trượt. Vào mùa khô, việc di chuyển cũng khó khăn không kém bởi đường rải đá lởm chởm.

Con nhỏ, chồng đi làm xa, bố chồng bị tai biến liệt nửa người, mẹ chồng già yếu hay ốm đau đi viện. Đôi lúc gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, con đi học không ai đưa đón… Nhưng vượt qua tất cả, cô đã khắc phục khó khăn bằng cách bàn bạc với chồng làm trang trại gà màu để kiếm thêm thu nhập. Sáng sớm, hai vợ chồng tranh thủ cho gà ăn, chiều tối chuẩn bị cám bã cho sáng hôm sau. Tuy vất vả nhưng thành quả đạt được là động lực cho gia đình phát triển kinh tế. Cô cũng vinh dự được làm khách mời giao lưu tại chương trình tọa đàm “Thanh niên làm kinh tế giỏi”; “Thanh niên khởi nghiệp” do Đoàn xã Phúc Thuận tổ chức.

Ở trường, cô đảm nhiệm chức vụ là Bí thư Chi đoàn kiêm giáo viên Tổng phụ trách Đội. Công việc cũng rất vất vả do trường có 1 điểm chính, hai điểm lẻ. Điểm trường lẻ cách xa trung tâm 3km với những con đường đã xuống cấp với nhiều ổ gà, những quãng đường lầy lội, những con dốc đá gan trâu trơn trượt. Không ngại khó, ngại khổ, hàng ngày, cô vẫn vượt qua những con đường ấy để đến với các em. Trong suốt những năm làm giáo viên Tổng phụ trách Đội, cần mẫn với công việc, cô là người luôn đến sớm nhất trường và về muộn nhất trường.

Cô giáo Thêm tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội

Với trách nhiệm là một giáo viên Tổng phụ trách Đội, cô đã xây dựng kế hoạch, đưa ra các hoạt động Đội thiết thực phù hợp với học sinh vùng sâu, vùng xa như trường tôi. Nhờ đó, các em học sinh điểm trường lẻ đều giành giải cao ở nhiều Cuộc thi, Hội thi, đồng thời Liên đội trường cô đều đạt danh hiệu Liên đội mạnh xuất sắc cấp thị xã nhiều năm liền và có nhiều hoạt động được Hội đồng Đội thị xã ghi nhận.

Ngoài công tác tại trường, cô còn tham gia vào các tổ chức của thị xã Phổ Yên, xã Phúc Thuận như Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Phổ Yên, Ủy viên Ủy ban MTTQ xã Phúc Thuận nhiệm kỳ 2014 – 2019, Ủy viên Ban chấp hành Hội LHTN Việt Nam xã Phúc Thuận nhiệm kỳ 2019 - 2024. Bên cạnh đó, cô còn tham gia các hoạt động tình nguyện của xã Phúc Thuận như kêu gọi các nhà hảo tâm làm nhà cho các gia đình khó khăn bị gió lốc làm tốc mái, đổ tường trên địa bàn xã Phúc Thuận, thăm hỏi giúp đỡ gia đình chính sách, mua áo ấm, tặng gạo và tặng quà Tết cho học sinh, dọn dẹp, vệ sinh tượng đài liệt sĩ xã Phúc Thuận…

Hơn 10 năm gắn bó với công tác Đội và phong trào thanh thiếu nhi tại xã nghèo, cô Thêm đã trở thành tấm gương sáng về người “thủ lĩnh phong trào” năng nổ với nhiều sáng kiến, hoạt động sáng tạo, bổ ích và lý thú cho học sinh dân tộc. “Tôi rất yêu nghề mà tôi đã chọn, mong muốn được cống hiến hết sức mình cho nhà trường, địa phương và gia đình. Tôi mong rằng các các hoạt động, các phong trào của tôi đã khởi xướng và tham gia sẽ mang đến cho xã hội những điều tốt đẹp nhất.” – cô Lương Thị Hồng Thêm chia sẻ.

Với những đóng góp của mình, cô Thêm vinh dự nhận giấy khen của Chủ tịch UBDN thị xã Phổ Yên, Hội đồng Đội thị xã Phổ Yên… Đặc biệt, dịp này, cô Thêm là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân các giáo viên người dân tộc thiểu số  đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.

Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.