Cộng sinh công nghiệp gắn chặt với triển khai các khu công nghiệp sinh thái

(CTG) Việc phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn chặt giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

 

Cộng sinh công nghiệp (CSCN) trong Khu công nghiệp (KCN) khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với nhau hoặc bên thứ 3 để sử dụng hoặc được cung cấp hạ tầng dịch vụ, nguyên liệu và các yếu tố đầu vào sản xuất được phép tái sử dụng chất thải, phế liệu và năng lượng dư thừa của mình và các doanh nghiệp trong KCN để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

CSCN trong KCN sinh thái là hoạt động hợp tác nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Với việc sản phẩm đầu ra, chất thải của doanh nghiệp này có thể trở thành hàng hóa đầu vào cho doanh nghiệp khác, mô hình này không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo tập huấn nâng cao năng lực, hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và CSCN do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức vào chiều 24/11, các chuyên gia cho rằng: Với gần 400 KCN đã được thành lập, trong đó có khoảng gần 300 KCN đã đi vào hoạt động. Đặc biệt, Việt Nam đang có chủ trương chuyển đổi mô hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái, nên có rất nhiều cơ hội để phát triển mô hình CSCN tại các KCN.

Đồng tình với quan điểm cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển mô hình CSCN, ông Đinh Mạnh Thắng – Chuyên gia sản xuất sạch hơn – Đại học Bách Khoa Hà Nội – cho biết: Dự án đánh giá về khả năng chuyển đổi từ mô hình KCN thông thường sang KCN sinh thái nhằm phát hiện cơ hội CSCN thực hiện tại 3 địa phương Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ cho thấy, có rất nhiều cơ hội cho mô hình CSCN và bản thân các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến mô hình này.

Các chuyên gia tại hội thảo.

Tại Ninh Bình, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 22 doanh nghiệp và phát hiện được 14 cơ hội cộng sinh, sau đó lựa chọn ra được 4 cơ hội để nghiên cứu, phát triển chuyên sâu; tương tự tại TP. Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 57 doanh nghiệp và phát hiện được 22 cơ hội cộng sinh, từ đó lựa chọn ra 7 cơ hội để nghiên cứu cụ thể. Tại Cần Thơ, nhóm nghiên cứu khảo sát 58 doanh nghiệp, phát hiện 24 cơ hội cộng sinh và lựa chọn 8 cơ hội nghiên cứu chuyên sâu. Trong đó, có những cơ hội CSCN đã được triển khai trên thực tế, điển hình là cơ hội CSCN trong ngành bia và dịch vụ năng lượng. Cụ thể là thu hồi khí thải bioga của hệ thống xử lý nước thải của công ty bia, sử dụng làm nguyên liệu lò hơi của công ty dịch vụ năng lượng và sau khi sản xuất hơi lại cung cấp ngược lại cho công ty bia để làm năng lượng nhiệt trong quá trình sản xuất. Đây là loại hình cộng sinh phụ phẩm và trao đổi chất thải, mục tiêu của cơ hội này là tận thu khí bioga từ khu xử lý nước thải của nhà máy bia để thay thế một phần nhiên liệu đốt lò hơi của công ty dịch vụ năng lượng.

Ông Đinh Mạnh Thắng cho biết: Tổng chi phí đầu tư của cơ hội cộng sinh này là 2,6 tỷ đồng và chi phí thường xuyên là 616 triệu đồng, nhưng theo tính toán doanh thu đạt 5,4 tỷ đồng và thời gian thu hồi vốn rất ngắn. Trong khi, lợi ích mang lại cho cả công ty bia và công ty dịch vụ rất cao, ngoài lợi ích về kinh tế còn là lợi ích về môi trường. Cụ thể, do chuyện dùng bioga thay thế nhiên liệu sinh khối nên giảm được 33% nhiên liệu sinh khối tiêu thụ, đồng thời giảm phát thải 17.000 tấn CO2/năm.

Cơ hội thì rất nhiều, nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, để phát triển mạnh mô hình CSCN tại các KCN cũng không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển, hơn nữa vấn đề pháp lý để phát triển KCN sinh thái và CSCN vẫn còn nhiều vướng mắc.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đinh Mạnh Thắng cho rằng: Vấn đề pháp lý hiện đang ảnh hưởng rất lớn đến phát triển KCN sinh thái và mô hình CSCN tại các KCN. Đơn cử như vấn đề nước thải, nước thải loại A thì luật không cho phép tự chuyển cho công ty khác mà phải qua khu trung tâm, sau đó mới quay ngược trở lại cho doanh nghiệp cộng sinh, thành ra đường nước vòng vèo và phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề phòng cháy chữa cháy, đây không phải là vấn đề KCN có thể giải quyết mà liên quan đến công an và bộ phận xử lý nước thải, nên cũng gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện những dự án cộng sinh.

Ngoài những thách thức trên, thì vấn đề vốn trong quá trình chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái và vốn đầu tư để thực hiện mô hình công nghiệp cộng sinh tại các KCN cũng gây ra những khó khăn đối với doanh nghiệp. Theo đó, để thúc đẩy CSCN tại các KCN cần có những cơ chế hỗ trợ về chính sách pháp lý, cơ chế vốn, để thúc đẩy mô hình KCN sinh thái nói chung và CSCN tại KCN nói riêng.

DT