Kiếm tiền triệu nhờ hóa trang thành linh vật

CTG - Những ngày cận tết, công việc hóa trang làm linh vật (hay còn gọi là mascot) được không ít người trẻ lựa chọn, bởi có thể giúp họ kiếm thêm tiền triệu. Tuy nhiên để được vậy, họ cũng phải đánh đổi nhiều thứ.

Không cần quá nhiều vốn, có thể chủ động về thời gian

Ngoài công việc chính trong lĩnh vực xây dựng, vào những tháng cuối năm, Đinh Thế Quý (23 tuổi), ngụ Q.12, TP.HCM, tất bật nhận làm nghề mascot để kiếm thêm thu nhập. "Tiền làm mascot khoảng 100.000 đồng/giờ. Tháng cuối năm mình có thể kiếm gần 10 triệu đồng nhờ làm thêm công việc này", Quý cho hay.

Quý cho biết làm nghề mascot là mặc bộ đồ hình dáng các linh vật rồi diễn trò, tạo cử chỉ, điệu bộ tại sự kiện, chương trình, lễ hội... để quảng cáo sản phẩm, chụp ảnh, thu hút sự quan tâm ở những nơi đông người.

Kiếm tiền triệu nhờ hóa trang thành linh vật- Ảnh 1.
 
Ngoài công việc chính ở lĩnh vực xây dựng, Quý còn làm thêm nghề mascot

NVCC

Thời gian đầu làm mascot, Quý cảm thấy khó khăn bởi mặc trang phục vào rất nóng. Nhiều lúc bán hàng, giới thiệu sản phẩm ở ngoài trời, dưới ánh nắng khiến Quý bị ngộp. "Sau khi hóa trang làm linh vật khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ thì mình không chịu nổi, chỉ muốn tháo ra và đi về, nhưng dần dần thì cũng quen", Quý bộc bạch.

Có những buổi Quý làm mascot, khách hàng còn yêu cầu nhảy nhót theo nhạc. "Có đợt mình phải khoác lên người bộ đồ linh vật nặng cả chục ký rồi nhảy liên tục gần 3 tiếng đồng hồ (sau 1 tiếng đồng hồ được nghỉ khoảng 15 phút - PV). Khi xong việc, cởi bộ đồ ra, người mình ướt đẫm mồ hôi như tắm. Có khi nhảy lâu quá, đầu gối mình đau suốt 3 ngày", Quý kể.

Theo Quý, làm nghề mascot không cần nhiều vốn, lại có thể chủ động về thời gian. "Khách hàng chuẩn bị trang phục linh vật hoặc mình sẽ mướn đồ theo ý họ rồi lấy phí lại sau. Đến nay, mình đã hóa trang hơn 50 vai diễn mascot. Mỗi linh vật đều mang lại cho mình những chuyện vui buồn khác nhau. Trước đây, mình khá rụt rè trước đám đông; nhưng khi theo nghề mascot thì đã dạn dĩ hơn", Quý nói.

Hiện nay, chủ các hàng quán ăn uống, siêu thị… thường thuê người làm mascot để thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, mascot còn xuất hiện khá nhiều tại các sự kiện như khai trương, khuyến mãi, hội chợ... Xu hướng này mở ra thêm cơ hội kiếm tiền cho các bạn trẻ.

Kiếm tiền triệu nhờ hóa trang thành linh vật- Ảnh 2.

Quý hóa trang thành nhiều mascot

 

Lê Văn Nam (21 tuổi), ngụ P.Phương Liệt, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội, cũng theo nghề làm mascot hơn 2 năm nay, từ khi tình cờ thấy bài tuyển dụng trên mạng xã hội. "Muốn làm nghề này cần có sức khỏe tốt, tinh thần bền bỉ, bởi đa số những bộ mascot khá nặng, mặc vào rất nóng", Nam nói.

Đến nay, Nam đã hóa trang thành nhiều linh vật khác nhau như: mèo, gà, ếch, gấu…; và cũng gặp không ít chuyện vui buồn khi làm nghề này. "Trung bình mỗi giờ mình làm mascot nhận thù lao từ 80.000 - 100.000 đồng. Nếu cố gắng sắp xếp thời gian thì mỗi tháng mình có thể kiếm gần 10 triệu đồng từ công việc này", Nam cho hay.

"Không ít lần mình bị khách la, phàn nàn vì chưa hoạt náo theo ý họ. Nhưng mình tìm được niềm vui ở nghề này khi thấy sự vui vẻ, phấn khích của khách hay sự thích thú của các em nhỏ…", Nam chia sẻ.

Bán, cho thuê đồ mascot đều đắt khách

Trên mạng xã hội có nhiều hội nhóm về nghề mascot, thu hút hàng chục ngàn người tham gia, là nơi đăng bài tuyển dụng làm nghề mascot hay nhận may, cho thuê đồ linh vật.

Nhận thấy nhu cầu mascot phát triển mạnh, anh Nguyễn Phước Thọ, Giám đốc Công ty Mascot miền Nam, đã mở dịch vụ sản xuất, cho thuê và bán mascot.

Kiếm tiền triệu nhờ hóa trang thành linh vật- Ảnh 3.

Những bộ đồ linh vật mặc vào rất nặng và nóng

 

"Hiện tại thị trường đang chuộng những mẫu mascot dạng hơi, mẫu mã đáng yêu, vui vẻ và tinh nghịch, độc lạ kiểu hài hước, lầy lội, phù hợp với thị hiếu giới trẻ. Giá bán một bộ mascot khoảng vài triệu đồng, còn thuê thì từ 300.000 - 600.000 đồng/bộ/ngày. Hiện tại bên mình có khách thuê liên tục, mỗi tháng cũng bán hàng trăm bộ mascot", anh Thọ nói.

Để làm ra một mascot, anh Thọ cho hay trước hết khách hàng cần có bản thiết kế mẫu mascot ưng ý, sau đó chuyển qua xưởng để được tư vấn về kích thước, chất liệu. Kế đến là in ấn lên vải, cắt may…

"Khó nhất là khâu cắt rập khuôn mẫu mascot vì phải hình dung thành phẩm sẽ ra sao, kiểu dáng như thế nào cho đẹp và phù hợp", anh Thọ nói.

Theo anh Thọ, để làm ra mascot đẹp, có hồn, phần lớn nhờ vào tay nghề, sự chuyên nghiệp cũng như năng khiếu của từng thợ may. "Mình mất từ 3 - 15 ngày để sản xuất một bộ mascot, tùy mẫu mã khó hoặc dễ, số lượng khách hàng đặt nhiều hay ít. Để thu hút khách thì tay nghề của thợ phải được nâng cao mỗi ngày, biết cập nhật mẫu mã mới, bắt kịp xu hướng thị trường", anh Thọ nói.

Theo TN