Vạn sự khởi đầu nan
Đến nhà máy sản xuất phân bón Mỹ Việt tại Khu công nghiệp Tân Kim, Cần Giuộc, Long An vào những ngày cuối năm, thấy không khí làm việc ở đây vẫn rất nghiêm túc, khẩn trương dù đang trong những ngày chộn rộn giáp Tết. Ngoài sân, những chiếc xe tải nối đuôi nhau lấy hàng.
Anh Trần Dũng, Giám đốc công ty, cho biết: “Từ khi Max One ra đời, nhà máy liên tục trong tình trạng cháy công suất, công nhân tăng ca liên tục vẫn không đủ hàng cung ứng cho thị trường”.
“Nhưng cơ sở nào để một công ty sinh sau đẻ muộn như Mỹ Việt có được bước đột phá ở lĩnh vực phân bón trong khi có rất nhiều công ty lớn đang chiếm lĩnh thị trường?”, tôi hỏi anh Dũng.
“Trước khi làm trong ngành phân bón, tôi đã hoàn thành chương trình thạc sĩ kinh tế, dự định tiếp tục nghiên cứu để lấy bằng tiến sĩ sau đó làm nghề nhà giáo tại một trường đại học nào đó.
Thế nhưng, đồng ruộng, nông dân lại đưa tôi đi một ngã rẽ khác”, anh chậm rãi kể:
“Trước khi thành lập Mỹ Việt, tôi đã có thời gian dài làm việc cho một công ty sản xuất phân bón. Nhờ vậy, tôi có điều kiện học hỏi, tích lũy chuyên môn lẫn kinh nghiệm thương trường. Thời điểm năm 2008, thị trường phân bón tuy cạnh tranh khá mạnh, nhưng nhu cầu còn rất lớn và cơ hội cho ngành này vẫn còn nhiều. Cùng lúc, người em tu nghiệp từ Mỹ trở về, giới thiệu một số chuyên gia trong ngành phân bón ở nước ngoài nên tôi có dịp học hỏi thêm chuyên môn, kỹ thuật. Và cũng trong năm này, tôi mạnh dạn “ra riêng” thành lập công ty Mỹ Việt”.
Lúc đầu Mỹ Việt chỉ là một công ty nhỏ, sản xuất phân hữu cơ đặc chủng cho thị trường Tây Nguyên. Năm 2009, công ty phát triển thêm một số dòng sản phẩm NPK. Cũng như các doanh nghiệp mới “chập chững” bước vào thương trường, Mỹ Việt gặp rất nhiều khó khăn, nào là vốn liếng, nhân sự, rồi kinh nghiệm quản lý, điều hành công ty và nhất là đầu ra cho sản phẩm.
Những ngày đầu, đích thân Trần Dũng phải đi khắp các tỉnh để chào hàng và tìm đại lý. Ở đâu Mỹ Việt cũng bị sản phẩm của các công ty phân bón lớn lấn át, do họ có quá nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, kinh phí hỗ trợ nông dân và đầu tư cho các đại lý cũng rất lớn. Nhiều đại lý “chê” Mỹ Việt còn nhỏ, sản phẩm chưa có thương hiệu nên từ chối nhận hàng, làm Dũng cũng nản.
Tuy vậy, anh vẫn kiên trì tự nhủ: “Sản phẩm của mình có chất lượng không thua kém các sản phẩm khác trên thị trường, nếu nông dân có cơ hội dùng thử thì chắc chắn họ sẽ tin dùng dài lâu”. Vì vậy, dù biết sẽ bị “chôn” vốn nhưng Dũng vẫn chọn phương án cho đại lý trả chậm, khuyến mãi sản phẩm cho nông dân dùng thử.
Sự mạnh dạn, kiên trì của Dũng đã có kết quả ngay sau vài tháng. Tuy nhiên, Dũng vẫn trăn trở, anh tâm sự:
“Mặc dù phân bón của Mỹ Việt đã được thị trường đón nhận, doanh thu tăng trưởng hằng năm và đã đạt mức ổn định từ 250 - 300%, nhưng tôi nhận thấy Mỹ Việt còn quá non trẻ so với các công ty phân bón lớn vốn có thế mạnh về tài chính và bề dày thương hiệu. Vì vậy, nếu không chọn hướng đi khác mà chọn sản phẩm phân bón NPK thông thường để cạnh tranh thì thương hiệu Mỹ Việt rất khó có chỗ đứng trên thị trường. Vả lại, mình cũng không đủ lực để cạnh tranh về giá và các chương trình ưu đãi, khuyến mãi cho khách hàng”.
Tìm sự khác biệt
Không biết bao nhiêu đêm mất ngủ, lặn lội khắp các vùng nông thôn từ miền đồng bằng đến cao nguyên, và trên hết là lòng yêu nghề đã giúp Trần Dũng tìm ra hướng đi khác biệt. Anh kể:
“Trong những lần đi khảo sát thực địa tại các địa phương, tôi thấy nông dân trồng cà phê rất lo lắng vì cây cà phê bị rụng trái và vàng lá quá nhiều nhưng chưa có phương cách nào ngăn chặn hiệu quả.
Tôi thầm nghĩ: “Đây chính là cơ hội cho mình” và quyết tìm cho được dòng sản phẩm đáp ứng. Tôi tìm đến các chuyên gia phân bón để cùng hợp tác nghiên cứu, cùng họ đi khắp nơi để tìm hiểu thổ nhưỡng, nguyên nhân gây rụng trái, vàng lá cho cây.
Gần ba năm “lăn” vào nghiên cứu, có lúc tưởng chừng đã thất bại, chúng tôi mới đưa được phân bón Max One ra thị trường. Điều đáng mừng là sau khi sử dụng bà con thấy hiệu quả rõ rệt nên sản lượng Max One tăng đột biến, mang lại doanh thu cao cho Mỹ Việt.
Mừng nhất là Max One đã mang lại niềm vui cho nông dân và là dòng sản phẩm đi tiên phong trong việc ngăn ngừa bệnh rụng trái, vàng lá của cây cà phê, đồng thời là loại phân cung cấp nguồn dinh dưỡng, giúp cây trồng hồi phục rất nhanh sau bệnh”.
Minh chứng thêm niềm vui của nông dân khi dùng Max One, Trần Dũng mở cho tôi xem đoạn phim phóng sự quay tại các vườn cà phê ở Tây Nguyên. Ông Hà Văn Hoa, một nông dân ở Đăk Nông, nói:
“Lúc đầu tụi tui cũng chưa tin sản phẩm, nhưng ngặt cái cà phê rụng trái nhiều quá, sốt ruột nên hè nhau dùng thử. Không ngờ hiệu quả thiệt, cây cà phê chẳng những không còn rụng trái, mà lá còn xanh dày, trái lớn, nhân to”.
Chủ đại lý phân bón Hữu Bằng ở huyện Hòa Nam, Di Linh, Lâm Đồng tỏ ra hồ hởi: “Nhờ Max One bán chạy, doanh thu đại lý tui cao hơn nhiều so với những năm trước”.
Trần Dũng cho biết thêm: “Sau thành công của Max One, Mỹ Việt tiếp tục liên kết với một đối tác và cho ra đời dòng phân bón đặc chủng Amazon. Sản phẩm này cũng đang bán rất chạy vì giúp kích thích cây trổ hoa đồng loạt và tăng đầu trái vào mùa khô”.
Những tưởng thành công giúp Trần Dũng hết trăn trở, nhưng anh vẫn không vui vì tình trạng hàng nhái và cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường sản xuất phân bón vẫn rất phổ biến.
Cụ thể, khi Max One được thị trường đón nhận, khá nhiều đối thủ đã làm hàng “nhái”, ăn theo “thành công” của Max One với các nhãn hiệu na ná như Max Bo, thậm chí có sản phẩm còn có bao bì, logo, màu sắc giống hệt Max One. Đó là chưa kể vô số hành động cạnh tranh không lành mạnh để hạ đối thủ và Mỹ Việt cũng đã từng phải đối mặt với những kiểu cạnh tranh như vậy.
Dũng nói: “Đây là một trong những điểm rất dở của các doanh nghiệp Việt Nam, tôi mong lớp doanh nhân trẻ sau này sẽ có những quan điểm mới hơn trong kinh doanh để tạo được một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.
Khi đó, không chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi mà các nhà sản xuất, các doanh nghiệp cùng lĩnh vực cũng có cơ hội gắn kết, tạo ra sức mạnh chung để cùng đưa ngành của mình phát triển”.
Đưa tôi đi tham quan một vòng nhà máy, Trần Dũng giới thiệu thêm: “Trước đây nhà máy Mỹ Việt đặt ở Củ Chi, do tuân thủ quy định môi trường và cũng đồng thời tăng công suất nhà máy nên chúng tôi dời nhà máy đến Khu công nghiệp Tân Kim, Cần Giuộc, Long An. Hiện công suất của nhà máy mới gấp ba lần so với nhà máy cũ và quy mô cũng lớn hơn rất nhiều.