Phát động chương trình “Điều ước cho em”

(CTG) Chiều nay 11/4/2021, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đề án Hệ tri thức Việt số hoá tổ chức Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em” nhằm giới thiệu, lan tỏa và kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ phát triển giáo dục tại các địa bàn vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chương trình Điều ước cho em.

Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; anh Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các tổ chức trong nước và quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp và Hoa hậu Hoàn vũ 2018 H’Hen Niê - Đại sứ Chương trình “Điều ước cho em”.

Tiết mục văn nghệ của các em thiếu nhi tại chương trình.

Lễ phát động được tổ chức vào ngày "Làm việc tốt" 11/4 nhằm giới thiệu tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chương trình “Điều ước cho em" với nhân dân, cộng đồng xã hội, doanh nghiệp để khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, huy động nguồn lực từng bước hỗ trợ các trường học ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, thực trạng hiện nay ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cùng với sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và các cơn bão liên tiếp tại các tỉnh miền Trung; ngành Giáo dục đang gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học, việc tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh, điện, vệ sinh môi trường, nước sạch...

Chương trình Điều ước cho em do 4 cơ quan Trung ương thống nhất đồng hành triển khai, dựa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT; số hóa toàn bộ dữ liệu đăng ký từ tất cả các trường học trong toàn quốc, dựa trên App Inhandao - nền tảng nhân đạo số quốc gia (http://inhandao.vn); Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của đ/c Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, 4 Cơ quan đồng hành đã đồng thuận cao để triển khai Chương trình. (Ảnh 4 đơn vị ký kết chương trình phối hợp).

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, để thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và hội nhập quốc tế; ngành Giáo dục rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội để hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ các trường học vượt qua các khó khăn, đảm bảo điều kiện tốt hơn.

Tại cuộc gặp mặt Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, tháng 11/2020, 63 Thầy cô giáo dân tộc thiểu số tiêu biểu tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long tổ chức, các thầy cô giáo dân tộc thiểu số bày tỏ mong ước các trường, các điểm trường đều có điện, có nước sạch, học sinh được có lớp học đầy đủ, được ăn trưa, có nhà vệ sinh hợp vệ sinh, có đủ sách vở, quần áo, …để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” với các em học sinh. Sự quan tâm, lắng nghe từ những điều ước giản dị của các thầy cô trong buổi gặp gỡ đó đã tạo nên sáng kiến rất ý nghĩa.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đại diện các đơn vị tổ chức Chương trình "Điều ước cho em" lên tiếp nhận các tấm lòng của các nhà tài trợ.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các Bộ ngành liên quan cùng phối hợp triển khai Chương trình “Điều ước cho em”.

Chương trình nhằm vận động kết nối nguồn lực, sẻ chia và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng và xã hội để hỗ trợ học sinh, thúc đẩy phát triển giáo dục tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.

Chương trình đặt ra mục tiêu hỗ trợ các cơ sở giáo dục cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường học tập và điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các tỉnh bị thiệt hại do lũ, lụt gây ra, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để triển khai Chương trình "Điều ước cho em", cần rất nhiều những tấm lòng thiện nguyện và chung tay của toàn xã hội hỗ trợ học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ 06 nhóm “điều ước” cũng chính là nhu cầu bức thiết hiện nay: Hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm trường, nhà công vụ, phòng học cho các trường học địa bàn vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh; Hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện, nước sạch; Hỗ trợ hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh bán trú để cải thiện dinh dưỡng học đường; Hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh (Sách vở, dụng cụ học tập, quần áo,…); Hỗ trợ thiết bị nâng cao thể chất cho học sinh (sân chơi, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao…).

Để triển khai Chương trình "Điều ước cho em", cần rất nhiều những tấm lòng thiện nguyện, những trái tim nồng ấm bao dung, tất cả những chia sẻ cụ thể của mỗi doanh nghiệp, cá nhân tới các trường học, các em học sinh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn sẽ được lan tỏa trên Nền tảng nhân đạo số quốc gia. Trên đó đã có dữ liệu của hàng chục ngàn trường học; mỗi hoạt động thiện nguyện sẽ được số hóa để đảm bảo tính minh bạch và xuyên suốt...

Chương trình “Điều ước cho em” với nền tảng công nghệ trên Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn/Điều ước cho em) sẽ cho phép kết nối dòng chảy thiện nguyện, ủng hộ từ nhà hảo tâm đến những điểm trường khó khăn trên cả nước, theo tiêu chí đúng đối tượng - đúng nhu cầu - đúng thời điểm. Hiện trên cổng nhân đạo đã có gần 2.000 trường học của 39 tỉnh đăng ký nhu cầu hỗ trợ; gần 5.000 trường học có dữ liệu đăng ký cụ thể nhu cầu hỗ trợ các điều ước.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và Bí thư BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng hoa các đơn vị tặng hoa các nhà tài trợ.

Từ điều ước giản dị của các Thầy cô đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đơn vị đồng hành hỗ trợ đã triển khai tại những nơi khó nhất nhất của 16 tỉnh trên cả nước trong suốt 5 tháng kể từ tháng 11/2020 cho đến nay, như: Bắc Kạn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Bình, Điện Biên, Hà Giang, …nhiều công trình “trường đẹp cho em”, “nhà bán trú cho em”, “nhà hạnh phúc cho học sinh mồ côi”, hàng vạn bữa ăn dinh dưỡng,nhiều suất học bổng, phần quà quý báu, có ý nghĩa và giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần đến với các em học sinh, thầy cô giáo nơi mà hành trình đi qua…

AnhNguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát biểu tại chương trình.

Phát biểu tại buổi lễ, anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các Bộ, ban ngành thời gian qua đã quan tâm, dành tình cảm ấm áp, sự quan tâm cho các học sinh và thầy cô.

Đồng thời cho biết, Trung ương Đoàn đã cùng với Bộ GD&ĐT, các Bộ ban ngành, địa phương, tập thể, cá nhân trong thời gian qua đã tổ chức và làm nhiều việc quan tâm đến các học sinh vùng sâu, vùng xa. “Tuy nhiên cách làm đôi khi chưa thực sự đúng hướng, chưa giải quyết được trọn vẹn những điều ước giản dị của thầy cô và các em học sinh vùng sâu xa, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy cần sự thay đổi lớn trong cách chăm lo, đồng hành, chăm sóc các em học sinh. Muốn thay đổi lớn cần phải có phương pháp đúng. Và sáng kiến của Phó thủ tướng Võ Đức Đam đưa ra chương trình “Điều ước cho em” là hoàn toàn đúng đắn để thay đổi cách thức chăm lo và đồng hành cùng các em học sinh”, anh Tuấn nói.

“Là đơn vị tham gia chương trình, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo những nội dung mà các đơn vị cùng ký cam kết với tinh thần đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, minh bạch trong tổ chức chương trình “Điều ước cho em””, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh.

Là cơ quan đại diện để bảo trợ cho hoạt động của cồng đồng tình nguyện Việt Nam. Thông qua chương trình, anh Nguyễn Anh Tuấn kêu gọi và mong muốn sự chung tay của của các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội trong cả nước, đặc biệt là của cộng đồng tình nguyện Việt Nam và của cộng đồng doanh nghiệp. Nếu có sự chung tay của toàn bộ thành viên, từng người dân để chăm lo đồng hành bảo trợ cho các em thì chắc chắn chúng ta sẽ phát huy được sức mạnh to lớn để đáp ứng được ngày càng nhiều hơn những mong mỏi của thầy cô và các em học sinh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn, chương trình sẽ tiếp tục được lan tỏa sâu rộng, để không dừng lại là những bữa ăn bán trú, hay nhà vệ sinh cho học sinh…

Chia sẻ tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ trăn trở khi xem những thước phim trong phóng sự, ghi nhận nhiều điểm trường còn khó khăn thiếu thốn đủ bề. Nhiều nơi học sinh còn chưa được ăn trưa đầy đủ, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu nhà vệ sinh, thậm chí là không có. “Tôi tin, những điều đó đã thôi thúc mỗi chúng ta cần làm điều gì đó cho các em, để những ước mơ giản dị của thầy và trò trở thành hiện thực. Chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người, để cùng chung tay chăm lo cho thế hệ trẻ ”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Để hiện thực hóa, Phó Thủ tướng cho rằng, trước tiên, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tham gia ngay Chương trình “Điều ước cho em” và xác định đây là trách nhiệm và nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, cần quan tâm và dành nguồn lực đầu tư cho thầy và trò vùng khó khăn; Chương trình Điều ước cho em sẽ trở thành điểm kết nối để các cấp ủy Đảng, chính quyền vào cuộc. Trên cơ sở đó, cập nhật những yêu cầu thiết thực của thầy và trò, để các tổ chức, cá nhân cùng chung tay, hỗ trợ, biến những điều đó trở thành hiện thực.

Phó Thủ tướng mong muốn, chương trình sẽ tiếp tục được lan tỏa sâu rộng, để không dừng lại là những bữa ăn bán trú, hay nhà vệ sinh cho học sinh… mà tới đây sẽ là những bữa ăn đủ dinh dưỡng, những điểm trường có đầy đủ khu vui chơi, giải trí, để các em rèn luyện sức khỏe, học mà chơi, chơi mà học. Điều ước đó sẽ tiếp tục và sẽ lan tỏa để trở thành hiện thực, để những điều tốt đẹp sẽ đến với thệ hệ học trò là những mầm non tương lai của đất nước.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Tại Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em”, nhiều Doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã trao biển cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng “Điều ước cho em” trao tặng 16 công trình “Trường đẹp cho em”, “Nhà bán trú cho em”; 1.000 “Nhà vệ sinh cho em”, Bữa ăn trưa cho 30 nghìn em, học bổng, 20.000 suất quà tặng cho học sinh trị giá gần 127 tỷ đồng.

Ngay khi Chương trình được phát động đã có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ với 15 công trình Trường đẹp cho em, Nhà bán trú cho em, Nhà vệ sinh cho em, Ngôi nhà Hạnh phúc cho học sinh tại các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Quảng Trị, Quảng Ngãi đã được…khởi công để cụ thể hoá những “điều ước” của các Thầy cô và mang niềm vui đến cho các em trong Ngày làm việc tốt 2021. Một trong 15 công trình khởi công đươc truyền hình ảnh trực tiếp tới sự kiện là khởi công Nhà vệ sinh cho em tại điểm trường xã Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái)- công trình đầu tiên trong số 1.000 nhà vệ sinh mà tập đoàn TH trao tặng.

Tham gia kết nối và ủng hộ tại: http://inhandao.vn/Điều ước cho em

Hoa hậu H'Hen Niê đại sứ chương trình chia sẻ.

Xúc động chia sẻ trong lễ phát động với vai trò là Đại sứ của Chương trình “Điều ước cho em”, Hoa hậu H'Hen Niê gửi lời cảm ơn chân thành đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm; không phải với tiếng nói của một hoa hậu, một người nổi tiếng, mà là đại diện cho các học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số.

Nhắn gửi đến các học sinh, sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, H'Hen Niê cho rằng, đây là một cơ hội tuyệt vời và các em phải biết nắm lấy cơ hội của mình; để sau này trở thành người truyền cảm hứng, người có ích cho cộng đồng.

Với vai trò là Đại sứ, H'Hen Niê cho biết mình sẽ làm tất cả những gì có thể để cùng đồng hành với Chương trình; lan tỏa những điều tốt đẹp, từ đó đem lại những cơ hội tốt nhất cho học sinh, sinh viên vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.

Theo thống kê cả nước có 188.000 nhà vệ sinh học sinh ở các cấp học, từ mầm non đến THPT, trong đó có 67% nhà vệ sinh kiên cố. Trong đó, nhà vệ sinh ở cấp tiểu học có tỷ lệ kiên cố thấp nhất với chỉ gần 58%; tiếp đến là THCS hơn 67%, mầm non hơn 70% và THPT cao nhất, hơn 80%.

Minh Kiệt