Thay đổi vai trò, thích ứng thời cuộc

(CTG) Cuối tuần qua, uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã gửi đến các đại biểu Quốc hội bản kiến nghị về tái cấu trúc kinh tế. Theo uỷ ban Kinh tế, đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), “muốn cải cách triệt để, cần thay đổi quan điểm vai trò then chốt của khu vực này”. Nhà nước không nên sử dụng DNNN như một công cụ điều tiết vĩ mô, điều tiết thị trường hay thực hiện chính sách xã hội. Trên tinh thần “cần thay đổi” này, Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ luật thương mại quốc tế Lê Minh P


DNNN hiện nay được kỳ vọng nhiều “sứ mạng”. Thế nhưng, trái với kỳ vọng mà cùng với nó là sự đầu tư vô cùng lớn, hiệu quả khu vực này mang lại là hoàn toàn thiếu tương xứng. Nó còn làm sai lệch chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của nền kinh tế nước ta.



DNNN hiện nay được kỳ vọng nhiều “sứ mạng”. Thế nhưng, trái với kỳ vọng mà cùng với nó là sự đầu tư vô cùng lớn, hiệu quả khu vực này mang lại là hoàn toàn thiếu tương xứng. (Ảnh minh hoạ).


Trong nền kinh tế: đầu vào voi, đầu ra chuột

Châu Âu, trong giai đoạn tái thiết kinh tế sau chiến tranh thế giới thứ hai, đã cho ra đời một số lượng lớn DNNN. Tuy nhiên, đến nay, đa số các doanh nghiệp này đã được tư nhân hoá do không thể hoàn thành sứ mạng được trông đợi vì những lý do thuộc về bản chất.

Nhằm tránh việc tư nhân thâu tóm những lĩnh vực dễ dẫn đến độc quyền tự nhiên, các DNNN được thành lập. Nhưng những lĩnh vực này, đến khi bị các DNNN chiếm vị trí độc quyền, thì lại trở nên kém cạnh tranh. Một quá trình “tránh quả dưa gặp quả dừa”!

Các DNNN ở các nước này cũng đã thất bại trong việc đóng vai trò chủ đạo trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Do tính chất sở hữu của mình, chúng khó có được đội ngũ và cơ chế quản lý phù hợp với thực tiễn kinh doanh đầy phức tạp và biến động. Kết quả là, các lĩnh vực then chốt, mặc dù được đầu tư rất nhiều, lại kém hiệu quả và làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Ở Việt Nam, các hiện tượng trên cũng xảy ra tương tự. Nhưng khác với ở châu Âu, mức độ của chúng nặng nề hơn, và, mặc dù vậy, các DNNN vẫn được tiếp tục đầu tư một cách mạnh mẽ hơn.

Có một khoảng cách khá xa giữa mục tiêu được kỳ vọng với thực tế. Từ mục tiêu là thành phần kinh tế chủ đạo nhằm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, DNNN của Việt Nam tạo ra quá ít lợi nhuận so với nguồn lực được đổ vào để đầu tư, gây lỗ lã cho Nhà nước. Chúng cũng là nơi sinh sôi của các nhóm đặc quyền đặc lợi, tham nhũng và bòn rút tài nguyên quốc gia. Điều này đã làm tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức và ảnh hưởng đến lòng tin của dân chúng.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế: nút cổ chai

Vì DNNN, Việt Nam đã, đang và sẽ bỏ lỡ những thời cơ để phát triển các doanh nghiệp trong nước trước khi bước vào giai đoạn cạnh tranh.

Hiện nay, theo các cam kết trong các khuôn khổ song phương, khu vực và đa phương, một số ngành vẫn còn chưa mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các ngành dịch vụ.

Tuy nhiên, trong tương lai, theo xu hướng chung, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức phải mở cửa các ngành này.

Một khi các tập đoàn xuyên quốc gia được phép gia nhập thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không đủ sức để đương đầu với cạnh tranh vì chính sách dành độc quyền, ưu ái cho DNNN khiến DNNN không có sức ép tự nâng cao khả năng cạnh tranh trong khi doanh nghiệp dân doanh thì đã bị bóp nghẹt.

Trên bình diện song phương và đa phương, có hai vấn đề lớn mà Việt Nam cần đạt được trong thương mại. Thứ nhất, đó là quy chế nền kinh tế phi thị trường vốn đang gây bất lợi rất lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, vấn đề trợ cấp nông sản ở các nước phát triển cũng là một trở ngại đáng kể cho khả năng cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu.

Trong các cuộc đàm phán thương mại, hẳn Việt Nam sẽ phải đặt các vấn đề này trên bàn đàm phán. Đổi lại, các nước phát triển rất quan tâm đến việc mở cửa các ngành dịch vụ và do vậy, chắc hẳn sẽ yêu cầu Việt Nam mở cửa các ngành còn đóng cửa theo các cam kết hiện tại.

Việc mở cửa các ngành đó sẽ là những nhượng bộ mà Việt Nam có thể sẽ phải chấp nhận để được các nước này công nhận là nền kinh tế thị trường, hay để các nước này chấp nhận điều chỉnh chính sách trợ cấp cho nông sản của nước họ.

Trên bình diện khu vực, quá trình hội nhập kinh tế ở Đông Nam Á và Đông Á hiện diễn ra vô cùng năng động. Nhiều sáng kiến về tự do hoá thương mại đang được đàm phán trong các khuôn khổ ASEAN, ASEAN+1, khu vực mậu dịch tự do Đông Á, đối tác kinh tế toàn diện Đông Á, đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương.

Các hiệp định này đều có mục tiêu mở cửa các ngành nghề cao hơn mức được cam kết trong khuôn khổ WTO (WTO+). Những cam kết mà Việt Nam sẽ phải ký kết sẽ có mức độ tự do hoá sâu rộng hơn mức độ hiện tại.

Những ngành chưa được mở cửa có thể bị buộc phải mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai. Vậy, trước khi những ngành đó được mở cửa, Việt Nam cần làm gì?

Có rất nhiều ngành còn đóng cửa hiện do DNNN thống lĩnh thị trường. Một trong những lý do chính mà hiệp định Thương mại Việt – Mỹ bị ký kết chậm hơn một năm là vì Việt Nam muốn tăng thêm thời gian bảo hộ cho một lĩnh vực mà một DNNN độc quyền.

Đáng lý ra, khi những ngành đó chưa được mở cửa, Việt Nam phải tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước, dù là Nhà nước hay dân doanh. Điều đó sẽ tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp này và giúp chúng có thể “sống” được một khi các công ty xuyên quốc gia được phép ồ ạt bước vào.

Nhưng đáng tiếc là các DNNN được tiếp tục ưu ái quá mức. Sự ưu ái đó đôi khi khiến cho các doanh nghiệp dân doanh sẽ không thể ngóc đầu lên được, trong khi các DNNN không có sức ép để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Một khi các tập đoàn xuyên quốc gia được phép gia nhập thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không đủ sức để đương đầu với cạnh tranh.

Đi cùng xu thế của thời đại

Kinh nghiệm của thế giới đã chỉ ra rằng, duy trì một cách quá mức các DNNN sẽ làm cho nền kinh tế thiếu hiệu quả và kém tính cạnh tranh.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cần có một chiến lược khôn ngoan nhằm từng bước nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế và giúp cho nền kinh tế có chỗ đứng khi mở cửa. Việc tiếp tục duy trì một cách duy ý chí các DNNN chỉ làm sai lệch chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

Cần chấm dứt bảo bọc DNNN trong bến sông nhà trong khi sóng lớn đã kề trước cửa bến sông. Cần thôi bảo bọc các DNNN trong bến sông nhà trong khi các doanh nghiệp dân doanh đã vươn ra biển lớn.

Các ưu đãi, đặc quyền cho các DNNN cần được xoá bỏ một cách thật sự để cho các doanh nghiệp này có thể thích ứng khi sóng lớn tràn vào bến sông nhà. Các DNNN chỉ thật sự cần thiết được duy trì trong những lĩnh vực dịch vụ công ích. Trong lĩnh vực kinh doanh, cần thay đổi cơ bản tư duy về “vai trò chủ đạo” của DNNN.


Theo SGTT