Bắc Giang: Kết quả tích cực trong công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên

(CTG) Trong những năm qua, công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên ở tỉnh Bắc Giang luôn được các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng.


Để tăng cường và thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, Tỉnh uỷ Bắc Giang đã ban hành Đề án số 01 về nâng cao chất lượng công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006- 2010 với 5 đức tính của con người Việt Nam được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII). Đề án đã đề ra 2 nội dung và 5 nhiệm vụ, phải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho thành niên. Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án, đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Sau 4 năm thực hiện Đề án, nhận thức về công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên của các cấp uỷ đảng, chính quyền đã được nâng lên, phát huy được vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên. Các cấp bộ Đoàn thanh niên luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong phong trào thanh niên từ tỉnh đến cơ sở và đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp uỷ xây dựng các chương trình hành động thực hiện Chiến lược thanh niên Việt Nam giai đoạn 2006- 2010 và Nghị quyết của Ban Chấp hành Tỉnh đoàn khoá XIII về “Nâng cao năng lực hoạt động của Ban chấp hành Đoàn cơ sở và tăng cường, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên”. Toàn tỉnh đã tổ chức trên 2.000 lớp học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, Đoàn, Hội cho gần 500.000 lượt cán bộ, đoàn viên, thanh niên.



Thanh niên Bắc Giang tình nguyện giúp nhân dân nạo vét kênh mương (ảnh: ĐCSVN)


Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các nội dung và phương pháp giáo dục tư tưởng, đạo đức và lối sống cho thanh niên trong nhà trường và các trung tâm bồi dưỡng chính trị được đẩy mạnh và có bước đổi mới theo hướng tích cực, học tập gắn với thực hành và các hoạt động ngoại khóa; giáo dục kiến thức văn hóa, khoa học gắn với giáo dục đạo đức, lối sống; các nhà trường đã quan tâm nâng cao chất lượng bộ môn “Giáo dục công dân”. Chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất, lối sống, lương tâm của nhà giáo. Hàng năm, tổ chức tập huấn cho toàn bộ đội ngũ giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn giáo dục công dân trong các trường phổ thông... Tăng cường phối hợp giữa nhà trường- gia đình- xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Tổ chức nhiều phong trào, phát động nhiều cuộc vận động trong ngành giáo dục, đặc biệt là Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Việc đổi mới nội dung, phương pháp công tác giáo dục lý luận chính trị cũng được quan tâm thực hiện và đi vào nền nếp. Trường Chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố thường xuyên, kịp thời cập nhật những thông tin, nội dung mới; biên soạn giáo án điện tử; đổi mới về phương pháp phù hợp với đối tượng, đặc điểm của từng địa phương, đơn vị. Cơ sở vật chất được tăng cường; chất lượng dạy và học ở các trung tâm có chuyển biến tích cực. Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho trên 11.000 lượt đoàn viên, thanh niên, kết nạp được gần 6000 đoàn viên, thanh niên vào Đảng.

Các tổ chức đoàn luôn được xây dựng, củng cố, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên. Các cấp ủy đảng luôn quan tâm chỉ đạo với phương châm tập trung hướng về cơ sở, ở đâu có thanh niên ở đó có tổ chức và hoạt động của Đoàn, Hội. Chú trọng đa dạng các hình thức tập hợp đoàn kết thanh niên trong tổ chức Đoàn, Hội. Toàn tỉnh đã thành lập và duy trì 4.120 chi hội, tổ đội, nhóm, câu lạc bộ của thanh niên thu hút 241.305 đoàn viên, thanh niên tham gia. Phương thức giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống gắn với trách nhiệm trực tiếp, cụ thể của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư và từng gia đình có bước đổi mới phù hợp với các đối tượng thanh niên.

Đối với thanh niên trong các trường học, ngành giáo dục- đào tạo đã xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tăng cường mối quan hệ với các gia đình trong việc quản lý, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, học sinh; xây dựng quy chế phối hợp giữa nhà trường và gia đình; thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, đạo đức, lối sống của thanh niên, học sinh, để có các biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ kịp thời. Học sinh, sinh viên được được phổ biến, hướng dẫn nghề, được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.Công tác giáo dục nhân cách học sinh được quan tâm. Từ năm 2006 đến nay, đã có gần 900 đoàn viên, thanh niên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đối với thanh niên khu vực nông nghiệp và nông thôn, các cấp uỷ đảng luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng về tư tưởng, đạo đức, lối sống gắn với bồi dưỡng công tác đoàn, học tập chuyên đề chủ nghĩa yêu nước và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tăng cường đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao, tạo môi trường văn hoá lành mạnh cho thanh niên ở các địa phương đơn vị tròn toàn tỉnh. Tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên ở cơ sở. Các mô hình trang trại trẻ được quan tâm xây dựng, củng cố và phát triển. Đoàn thanh niên các cấp đã và đang triển khai hàng chục tỷ đồng hỗ trợ cho gần 3.000 đoàn viên, thanh niên vay vốn giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo.

Đối với thanh niên đô thị, công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống và nâng cao ý thức pháp luật, ý thức công dân cho thanh niên ở khu vực đô thị được các cấp uỷ, chính quyền và đặc biệt là tổ chức Đoàn ở cơ sở xác định là nhiệm vụ quan trọng; tổ chức các hoạt động thiết thực, tạo môi trường văn hoá lành mạnh để tập hợp, giáo dục thanh niên, nhất là thanh niên chưa có việc làm, thanh niên đang sản xuất, kinh doanh tự do không mắc các tệ nạn xã hội, sống có lý tưởng, hoài bão và có ý thức xây dựng tổ chức đoàn ở tổ dân phố. Số thanh niên nghiện ma tuý đã giảm từ 3% đến 5%/năm... Công tác tư vấn nghề nghiệp; tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, trật tự an toàn giao thông, tác hại của ma tuý, luật phòng chống ma tuý, mại dâm, sức khoẻ sinh sản vị thành niên được duy trì thường xuyên và có tác dụng thiết thực...

Các chi, đảng bộ cơ sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang đã quan tâm hơn công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho đoàn viên, thanh niên. Đã phát động và thực hiện các phong trào “Thanh niên tham gia cải cách hành chính, xây dựng công sở văn minh, sạch đẹp”, “Thanh niên quân đội mẫu mực, chính quy”, “Thanh niên công an thi đua học tập thực hiện tốt 6 Điều Bác Hồ dạy” và cuộc vận động “Xây dựng lực lượng công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”... Đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 56 chi đoàn, đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 03 “Câu lạc bộ Nhà trọ” và 02 Chi hội thanh niên thu hút trên 3.000 đoàn viên, thanh niên tham gia.

Xã hội hoá công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên từng bước được đẩy mạnh. Các dòng họ, các hộ gia đình đã quan tâm hơn trong việc quản lý, giáo dục con, cháu; các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế tham gia đầu tư cho công tác giáo dục thanh niên, như: thành lập các trường ngoài công lập, các trung tâm dạy nghề; hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thanh niên... Đoàn thanh niên đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 1.245 buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm... cho hơn 150.000 lượt đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên.

Kết quả qua 4 năm thực hiện Đề án đã khẳng định chất lượng công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên tỉnh Bắc Giang đã được đổi mới và tăng cường. Công tác bồi dưỡng đoàn viên ưu tú để phát triển Đảng được chú trọng. Tư tưởng, đạo đức, lối sống của thanh niên có chuyển biến rõ rệt. Đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, khắc họa hình ảnh một lớp thanh niên sống nhân ái, có trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Hầu hết đội ngũ cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước và có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị của tỉnh./.



Theo ĐCSVN