Chia sẻ cùng thầy cô 2019: Người thầy giáo trẻ tận tâm với nghề

(CTG) “ Tôi dạy các em đọc, viết Tiếng việt, các em chỉ tôi nghe, nói tiếng Khmer – tình cảm thầy trò trở nên thân thiết”, đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Phúc Sinh giáo viên trường Tiểu học “D” An Cư, tỉnh An Giang.

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo sống bằng nghề làm thuê. Hằng ngày, ngoài việc học, thầy Sinh phải phụ giúp gia đình gánh nước thốt nốt để nấu đường kiếm tiền. Đến mùa lúa, lại theo ba mẹ đi cắt lúa mướn, rãi rơm cho những người chủ trên cánh đồng. Thấu hiểu nỗi vất vả cơ cực của ba mẹ, ngay từ nhỏ thầy Sinh đã cố gắng học tập tốt và có ước mo trở thành một người thầy giáo để reo cái chữ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn giống như mình. Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi Phúc Sinh đã thi đỗ vào trường Đại học An Giang hệ Cao đẳng giáo dục Tiều học khóa 33.

Thầy Sinh tận tình chỉ bảo các em học sinh.

Sau 3 năm đèn sách, với bao cố gắng học tập để tốt nghiệp ra trường thầy Sinh đã xin về ngôi trường Tiểu học "D" An Cư thuộc xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang công tác và giảng dạy, kiêm giáo viên Tổng phụ trách Đội cho đến hôm nay. Ngôi trường với 90% học sinh là người dân tộc Khmer đang theo học.

Nỗi khó khăn vất vả càng được nhân lên khi bản thân thầy Sinh chưa từng được học tiếng khmer, mà đa phần học sinh lớp thầy chủ nhiệm là người dân tôc Khmer không sử dụng thông thạo tiếng việt trong học tập. Thầy trò khi giao tiếp với nhau bằng cử chỉ, hành động, nụ cười và có phiên dịch riêng là một số ít em học sinh thông thạo tiếng Việt. "Trong giờ dạy lúc giảng bài hay những lúc tôi đặt câu hỏi rồi mời các em trả lời có những lúc thấy các em nhìn tôi ngơ ngác vì không hiểu rõ. Nhưng may mắn có được những em học sinh rành được cả Tiếng việt và tiếng Khmer đã giải nguy cho thầy, các em đã dịch ra giúp, các em còn dạy tôi nói một số từ thông dụng khi nhắc nhở hoặc yêu cầu", thầy Phúc Sinh chia sẻ.

Sau một thời gian giảng dạy, tôi cũng đã quen dần đều đó với các em “ Tôi dạy các em đọc, viết Tiếng việt, các em chỉ tôi nghe, nói tiếng Khmer – tình cảm thầy trò trở nên thân thiết”, thầy Sinh vui vẻ kể.

Càng tiếp tiếp xúc cùng các em học sinh, thầy Phúc Sinh càng cảm nhận được sự đồng cảm giữa thầy và trò, sự mộc mạc của những con người miền quê lam lũ... "Ngoài giờ học, các em phải đi chăn bò, phụ giúp gia đình, đến mùa các em cũng phụ ba mẹ nhổ đậu phộng, lấy rơm cho bò ăn. Có những em, đến những ngày kiểm tra giữa học kì hoặc kiểm tra cuối năm, thầy Phúc Sinh và các thầy cô giáo trong trường đã phải đi ra đồng tìm các em, kêu về đi học để làm bài kiểm tra. Có những em học sinh nhà khó khăn phải nghỉ học thường xuyên, có những em nhà xa trường phải lộ bộ đi học".

Ân cần chỉ bảo các em trong giờ chơi vận động.

Có những em học sinh ba mẹ của các em đều đi làm ăn xa, các em phải sống ở cùng ông bà rất ít được quan tâm, động viên về tinh thần và việc học tập cũng sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy, thầy Sinh và các thầy cô đã quan tâm, thăm hỏi, động viên các em cố gắng học tập tốt. "Năm học 2016 – 2017, lớp thầy Sinh có em Chau Ly Hua ba mẹ đi công ty ở Bình Dương, em ở nhà một mình không ai nhắc nhở, quan tâm tới việc học tập, em thường chơi game, những ngày nghỉ học, thầy Sinh đã phải kiếm em ở các tiệm game, kèm thêm cho em ở nhà để theo kịp chương trình học...", thầy Sinh chia sẻ.

Từ những sự quan tâm đó, thầy Sinh và các thầy cô đã nhận được sự tôn trọng của các em, sự yêu mến của phụ huynh học sinh. Cứ đến mùa dưa hấu thì các em đem vào tặng thầy cô mình những quả dưa ngon nhất, dịp lễ Tết Donl Ta hay Chol Thnăm Thmây thì các em đem đến trường tặng thầy cô là những đòn bánh tét. Tình cảm của các em giành cho người thầy đơn giản và mộc mạc – những món quà chỉ đến với các thầy cô dạy vùng dân tộc Khmer.

Trong quá trình dạy, giáo viên thường xuyên làm các đồ dùng dạy học trực quan vừa truyền đạt  nội dung bài học, vừa mở rộng vốn từ tiếng việt cho học sinh, vừa để cung cấp thêm vốn từ vựng tiếng Khmer cho chính giáo viên. "Người thầy chúng tôi, khi bước lên bục giảng chỉ mong các em biết đọc, biết viết, biết tính toán, mong các em có đủ nhận thức học tập thật tốt sau này trưởng thành có kiến thúc phục vụ xã hội. Không có gì quý hơn khi chúng tôi được cống hiến cho xã hội bằng sự tâm huyết và lòng nhiệt thành của mình", thầy Sinh tâm sự.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long tổ chức và sẽ vinh danh 63 tấm gương nhà giáo vùng cao vượt khó, dạy học cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.

CTG