Chủ nợ của thế giới và các nhóm lợi ích trong cải cách

(CTG) heo quan điểm chung của nhiều chuyên gia và nhà kinh tế học, Trung Quốc - nước vốn đang là nhà xuất khẩu nhiều nhất, chủ nợ lớn nhất, và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - một ngày nào đó sẽ sớm cung cấp đồng tiền dự trữ cho thế giới.


Theo quan điểm này, cũng giống như khi đồng USD hạ bệ đồng bảng Anh trong những năm giữa hai cuộc chiến, nhân dân tệ (NDT) cũng sẽ sớm thế chỗ đồng USD, qua đó giáng một đòn mạnh vào lợi ích của nước Mỹ. Như nhà kinh tế học Arvind Subramanian mới đây đã viết, đồng NDT "có thể trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu vào cuối thập niên này hoặc đầu thập niên sau".

Quan điểm này càng giành được chỗ đứng khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc vừa cùng tham gia một nỗ lực chung nhằm quốc tế hóa đồng NDT. Trong Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 11/2008 diễn ra vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi ủng hộ "một trật tự tài chính quốc tế mới công bằng, thỏa đáng, toàn diện và trật tự". Bắc Kinh đã sớm khuyến khích sử dụng đồng nội tệ của mình trong các giao dịch quốc tế, trong các hiệp định trao đổi tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương, và trong các khoản tiền gửi ngân hàng và bảo lãnh trái phiếu tại Hồng Kông.


Trong sáu tháng đầu năm 2011, giao dịch thương mại thanh toán bằng đồng NDT đạt tổng cộng gần 146 tỷ USD, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm trước. Đến giữa năm 2011, tiền gửi bằng đồng NDT tại Hồng Kông lên đến 85 tỷ USD, tăng xấp xỉ 10 lần so vời thời điểm Hồ Cẩm Đào ra lời kêu gọi trên vào năm 2008. Đồng NDT đã được chấp nhận như một hình thức thanh toán tại Mông Cổ, Pakistan và Thái Lan. Nhà chức trách Trung Quốc nêu rõ, ngay năm 2015, họ muốn đồng NDT có mặt trong giỏ tiền tệ chính quyết định giá trị của Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), loại tài sản dự trữ do Quỹ Tiền tệ quốc tế phát hành. Và Bắc Kinh mới đây vừa tuyên bố ý định biến Thượng Hải thành một trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2020.

Bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận tình trạng dễ tổn thương của đồng USD hiện nay. Theo cách làm truyền thống, các ngân hàng trung ương thường dự trữ các tiền tệ nước ngoài để đảm bảo khả năng mua hàng hóa nhập khẩu. Nhưng ngày nay, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn từ Mỹ. Các ngân hàng trung ương còn dự trữ ngoại hối để đảm bảo khả năng thanh toán nợ vay nước ngoài.

Tuy nhiên, những khoản thanh toán đó ngày càng chảy nhiều vào Trung Quốc, và mặc dù các khoản cho vay của Trung Quốc phần lớn được thực hiện bằng đồng USD, nhưng các chủ nợ lớn cuối cùng sẽ có xu hướng muốn cho vay bằng chính đồng tiền của mình. Vấn đề càng tồi tệ với đồng USD khi nó mất dần giá trị - thay vì tích trữ giá trị, như ý nghĩa phải có của các đồng tiền dự trữ. So với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ, đồng USD đã mất ¼ giá trị kể từ khi hệ thống tiền tệ thả nổi năm 1973. Trong bốn thập niên qua, nó đã mất 4/5 sức mua tính theo giỏ hàng hóa tiêu dùng. Sự đi xuống này khiến các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi e ngại nắm giữ dự trữ bằng USD.

Tuy nhiên, câu chuyện mới này về uy thế của đồng NDT phần lớn đều chưa đúng. Sự trỗi dậy trên toàn cầu của tiền tệ Trung Quốc sẽ chậm hơn các dự báo phổ biến hiện nay, và NDT nhiều khả năng sẽ chỉ nhận được vị trí trong nhóm những tiền tệ dự trữ thứ yếu - đồng euro, yen Nhật, franc Thụy Sĩ, bảng Anh - hơn là có khả năng thay thế đồng USD trở thành đồng tiền chính yếu. Thậm chí còn chưa rõ liệu Trung Quốc có muốn NDT thay thế đồng USD hay không. Bước đi của Bắc Kinh hướng tới quốc tế hóa đồng nội tệ không phản ánh một chiến lược thống nhất dài hạn và hoàn chỉnh mà đúng hơn, nó thể hiện một quá trình mới nổi lên, hình thành từ những chia rẽ giữa các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc về phạm vi và tốc độ cải cách tài chính. Chẳng những khẳng định sự tăng giá tất yếu của đồng NDT, nỗ lực chưa rõ ràng của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa đồng nội tệ còn bộc lộ những khó khăn sâu sắc đằng sau đòi hỏi bức bách hơn về chuyển đổi mô hình kinh tế của nước này.

Sự tăng giá miễn cưỡng của các tiền tệ quốc tế

Ai đó có thể cho rằng khi một nước đạt đến vị thế cường quốc, nó sẽ tự nhiên muốn quốc tế hóa đồng nội tệ. Thực tế, các cường quốc đang lên thường chỉ làm điều ngược lại. Như kinh tế gia Jeffrey Frankel đã chỉ ra, Mỹ đã làm điều ngược lại ấy trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến và Đức, Nhật Bản cũng vậy trong những năm 1970, mặc dù tiền tệ của cả ba nước này sau đó đã trở thành đồng tiền quốc tế. Trong mỗi trường hợp này, cả công chúng và các nhà hoạch định chính sách ban đầu đều hoài nghi về những lợi tích thu được từ việc cho phép đồng tiền nước mình được sử dụng rộng rãi ở bên ngoài.

Các cường quốc đang trỗi dậy có hai lý do lo ngại quốc tế hóa đồng tiền nội tệ. Vấn đề đầu tiên liên quan đến tính cạnh tranh. Khi người nước ngoài mua và nắm giữ một đồng tiền, họ làm tăng giá trị của nó. Sự tăng giá này sẽ kéo dài chừng nào người mua còn nắm giữ nó như một phương tiện cất trữ của cải. Đồng tiền mạnh lên sẽ gây hại cho xuất khẩu của một nước khi làm cho hàng hóa của nước này đắt đỏ hơn ở bên ngoài và gây ra nhiều sự cạnh tranh hơn cho các công ty trong nước do nó khiến cho hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn với người tiêu dùng.

Lý do thứ hai họ sợ quốc tế hóa đồng nội tệ liên quan đến khả năng kiểm soát hệ thống tài chính. Như Trung Quốc ngày nay, Đức, Nhật Bản và Mỹ đều nổi lên là những trung tâm thương mại ở thời điểm mà hệ thống tài chính của họ được quản lý chặt chẽ. Các chính phủ quy định trần lãi suất đối với tiền gửi ngân hàng và hạn chế cơ hội đầu tư của các quỹ lương hưu và bảo hiểm để dòng vốn có thể duy trì ở mức rẻ. Nhưng, kiểu "kiềm chế tài chính" (financial repression) này khiến người tiết kiệm chỉ nhận được lãi suất thấp, và nhu cầu đối với nguồn vốn rẻ một cách phi thực tế này thường vượt quá nguồn cung, làm cho một số người vay tiền thất vọng. Quốc tế hóa đồng tiền đe dọa mô hình phát triển dựa vào đồng vốn rẻ khi nó cho phép người tiết kiệm và người đi vay tự do tìm một địa chỉ khác ở nước ngoài, không thuộc tầm kiểm soát của nhà quản lý.

Những e ngại về quốc tế hóa đồng tiền góp phần tạo ra độ trễ lớn giữa sự trỗi dậy của một quốc gia thành cường quốc hàng đầu và việc sử dụng phổ biến đồng tiền nước đó ở bên ngoài. Mỹ trở thành nền kinh tế lớn hơn Anh vào năm 1872, nhưng phải tới chiến tranh thế giới thứ nhất, đồng USD mới bắt đầu thay thế đồng bảng Anh ở vị trí đồng tiền quốc tế chủ chốt, và cho tới hết chiến tranh thế giới thứ hai quá trình đó mới hoàn thành. Ngay cả sau đó, Mỹ vẫn thường xuyên tỏ ra thờ ơ với vị thế mới của đồng tiền nước mình. Những năm 1970, tổng thống Richard Nixon còn từ bỏ cơ chế bản vị vàng, hy sinh uy tín quốc tế của đồng USD để kích thích trong nước. Tương tự, Nhật Bản cũng từ chối quốc tế hóa nội tệ cho tới năm 1980, khi không còn có thể chống lại áp lực của Mỹ đòi Nhật cho phép các công ty tài chính Mỹ gia nhập thị trường Nhật. Đồng mark Đức trở thành tiền tệ dự trữ vì người nước ngoài muốn nắm giữ nó chứ không phải vì chính quyền Đức tích cực tìm kiếm kết quả đó.

Trung Quốc trong cạm bẫy đồng đôla

Nếu như các cường quốc mới nổi khác đều không muốn quốc tế hóa đồng nội tệ, vậy tại sao chính sách của Trung Quốc lại không như vậy? Câu trả lời là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây đặt Trung Quốc trước các mối đe dọa vốn có trong thế bá chủ của đồng đôla Mỹ. Mô hình kinh tế của Trung Quốc dựa nhiều vào thúc đẩy xuất khẩu bằng cách duy trì tỷ giá thấp hơn giá trị thực. Điều này đòi hỏi ngân hàng trung ương Trung Quốc mua về lượng lớn USD, củng cố vị thế của USD như một tiền tệ dự trữ toàn cầu. Nhưng cuộc khủng hoảng đã chứng tỏ lợi ích của mô hình này quá nhỏ bé và chi phí bỏ ra có khi còn cao hơn thế rất nhiều.

Khủng hoảng đã chứng tỏ, với việc lấy xuất khẩu làm nền tảng cho tăng trưởng, Trung Quốc đã tự đặt mình trước tình thế khó khăn nếu thị trường nước ngoài bị co hẹp. Trong quý 1/2009, sự sụt giảm nhu cầu tại châu Âu và Mỹ khiến tỷ lệ tăng trưởng hằng năm của Trung Quốc giảm xuống còn 6,2%, sau khi liên tục đạt từ 10% trở nên trong 10 quý liên tiếp trước đó. Cuộc khủng hoàng này cũng làm nổi bật những chi phí tiềm tàng khi Trung Quốc tích trữ USD. Để duy trì giá trị thấp cho đồng NDT, Trung Quốc đã mua về 1,5 nghìn tỷ USD giá trị các tài sản tài chính, bao gồm khoảng 7% toàn bộ các trái phiếu do các nhà cho vay có móc nối với chính phủ phát hành, như hai công ty trong tình trạng "gãy" đòn bẩy nợ là Fannie Mae và Freddie Mac. Cuộc khủng hoảng đã thuyết phục Bắc Kinh rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ thua thiệt lớn đối với các khoản đầu tư của này.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phản ứng với cú sốc này bằng cách phê bình gay gắt hệ thống tài chính toàn cầu. Nỗ lực này được Chu Tiểu Xuyên, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức ngân hàng trung ương của nước này), khởi động đầu tiên. Trong bài báo trên trang web của ngân hàng trung ương tháng 3/2009, ông kêu gọi sử dụng SDR nhiều hơn nữa làm phương tiện thay thế cho đồng USD. Các quan chức Trung Quốc khác cũng theo sự dẫn đầu của ông Chu, yêu cầu giỏ tiền tệ quyết định giá trị của SDR nên được mở rộng thêm với sự tham gia của đồng NDT và để chuẩn bị cho sự thay đổi đó, NDT nên được quốc tế hóa.

Nhắc lại những phàn nàn của các nhà lãnh đạo Pháp những năm 1960 về thứ"đặc quyền thái quá" - khả năng vay mượn rẻ hơn và gần như không hạn chế của một nước bằng chính đồng tiền của mình - các quan chức và học giả Trung Quốc cho rằng Mỹ đã lạm dụng sự tự do về tiền tệ của mình và đẩy các tổn thất sang cho phần còn lại của thế giới dưới dạng phá giá đồng tiền và bất ổn tài chính. Việc nới lỏng định lượng sau đó của Cục dự trữ liên bang Mỹ và những nỗ lực bát nháo của Quốc hội Mỹ nhằm giải quyết vấn đề nợ quốc gia chỉ gây thêm bức xúc cho phía Trung Quốc.

Ngay cả trước khủng hoảng, Trung Quốc đã ở trong một cuộc tranh luận nội bộ về mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu. Vài năm trước, các nhà cải cách bắt đầu chỉ ra việc quá phụ thuộc vào xuất khẩu có thể rất nguy hiểm và Trung Quốc cần cân đối lại tăng trưởng bằng cách khuyến khích hơn nữa tiêu dùng trong nước. Thay vì kiềm chế tài chính và tạo nguồn vốn rẻ, các nhà cải cách này muốn người tiết kiệm nhận được mức lãi suất hợp lý, để tạo cho họ niềm tin tiêu dùng hơn nữa. Thay vì cố gắng duy trì tỷ giá thấp, họ đề nghị cho phép giá trị đồng NDT tăng lên, qua đó giúp định hướng lại các doanh nghiệp từ chú trọng xuất khẩu sang phục vụ thị trường nội địa.

Các nhà cải cách tuyên bố thắng lợi nhỏ năm 2005, khi Trung Quốc nới lỏng cơ chế neo tỷ giá [vào đồng USD]. Nhưng nhìn chung, chương trình cải cách vẫn gặp khó khăn. Các ngân hàng nhà nước không muốn trả người gửi tiền mức lãi suất thị trường. Người đi vay có các mối quan hệ chính trị mật thiết, như các công ty xây dựng nhà nước chuyên xây dựng những cơ sở hạ tầng ấn tượng, không muốn từ bỏ quyền được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ của mình. Nhà xuất khẩu với các móc nối chính trị được các tỉnh trưởng tin cậy để tạo việc làm trong khu vực, không muốn từ bỏ ưu thế canh tranh được hưởng từ chế độ tỷ giá có lợi cho mình. Các nhóm có lợi ích trong cải cách - người tiết kiệm nhận được mức lợi tức thấp hơn thực tế và người tiêu dùng phải trả giá cao mua hàng hóa nhập khẩu - không thể "đấu" được với các nhà sản xuất đầy quyền lực.

Trước khủng hoảng tài chính, lý do cải cách trên còn bị chê bai bởi không ít người cho rằng nó thể hiện sự thỏa hiệp trước các yêu cầu đòi tăng giá đồng NDT của Mỹ. Nhưng khi khủng hoảng để lộ ra những điểm dễ tổn thương của Trung Quốc, cải cách đòi hỏi một cách diễn đạt mang tính yêu nước hơn: người ủng hộ cải cách phải tự vẽ nên hình ảnh của mình nhử một kẻ thách thức thế bá chủ nguy hiểm của đồng đôla Mỹ. Chiếc vỏ mới này đủ để đẩy nhẹ trọng tâm chính trị khỏi tình trạng hiện tại. Việc phê bình cái được học giả Trung Quốc gọi là "bẫy đôla" trở nên được chấp nhận rộng rãi, và xa hơn, quốc tế hóa đồng NDT đã trở thành một mục tiêu chính thức, ngay cả khi nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tin vào khả năng cạnh tranh xuất khẩu, thị trường vốn được quản lý cao, và hệ thống ngân hàng do nhà nước kiểm soát.

Thực tế, chính phủ Trung Quốc lại muốn đi theo cả hai cách: đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng hạn chế tích lũy USD; tiếp tục rót các khoản cho vay giá rẻ cho các công ty ưu tiên bất chấp sự thiệt thòi của người tiết kiệm, nhưng cũng mở rộng tiêu thụ nội địa. Quốc tế hóa đồng NDT nổi lên là một mục tiêu chính thức không phải vì nó giúp giải quyết cuộc tranh luận kéo dài giữa các nhà cải cách với các quan điểm chính thống. Đúng hơn, nó được đưa vào trong chính sách chính xác vì nó làm mờ đi sự chia rẽ đó, cho phép những ai còn bất đồng với nhau đoàn kết lại - ít nhất là trong ngắn hạn.


Theo Tuần Việt Nam