Đằng sau chuyện Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín dụng

(CTG) Việc nước Mỹ vừa bị tổ chức đánh giá rủi ro tín dụng Standard & Poor’s (S&P) hạ bậc xếp hạng tín dụng từ AAA xuống AA+ thu hút sự quan tâm, quan ngại của toàn cầu.



Thực chất và đằng sau câu chuyện này là gì? Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị trao đổi với TS Lê Hồng Giang đang làm việc tại quỹ Ngoại hối của công ty đầu tư Tactical Global Management, Úc.

Thưa ông, nhiều người vẫn chưa hiểu đầy đủ thứ hạng rủi ro tín dụng quốc gia (Sovereign credit rating – SCR) là gì và ai là người làm việc này?

SCR có thể hiểu nôm na là “điểm số” đánh giá mức độ rủi ro tín dụng (rủi ro không trả được nợ) của một quốc gia. SCR thường chia làm bốn cấp (A,B,C,D). Trong mỗi cấp lại chia thành một số mức độ khác nhau (AAA/Aaa, AA+/Aa1..) Mức độ tín nhiệm cao nhất (rủi ro thấp nhất) là AAA, được cấp cho những quốc gia có rủi ro không trả được nợ bằng 0. Với những mức độ thấp hơn AAA, xác suất vỡ nợ tăng dần và khi một nước bị đánh giá mức D thì nước đó đã/đang chậm hoặc không trả được nợ (vốn và/hoặc lãi) mà chính phủ nước này đã vay trong quá khứ.

Bởi vậy bên cạnh những “điểm số” AA hay BB, giới tài chính còn quan tâm đến xác suất vỡ nợ (default probability) đi kèm với từng mức đánh giá đó. Ngoài ra, người ta còn quan tâm xác suất một quốc gia sắp bị tụt hạng hoặc sắp được lên hạng thể hiện trong bảng xác suất chuyển đổi (transition matrix).

Tất cả những thông tin này (thứ hạng, xác suất vỡ nợ, xác suất chuyển đổi) được các tổ chức đánh giá rủi ro tín dụng (CRA) tính toán và công bố dựa vào các số liệu và tình hình kinh tế, chính trị có khả năng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của một quốc gia. Các CRA thường sử dụng một số mô hình định lượng để phân tích và đánh giá rủi ro, tuy nhiên trong nhiều trường hợp các yếu tố định tính có vai trò quyết định. Trên thế giới có nhiều CRA nhưng uy tín nhất phải kể đến ba CRA lâu đời của Mỹ là Standard & Poor’s, Fitch Ratings, và Moody’s Investor Service. Các tổ chức này bắt đầu đánh giá rủi ro tín dụng của các loại trái phiếu công ty từ đầu thế kỷ 20, sau đó bành trướng vào thị trường trái phiếu chính phủ. Thông thường, các công ty tư nhân phải yêu cầu và trả phí cho các CRA để được đánh giá và xếp hạng, còn đa số các chính phủ được CRA tự động đánh giá.

Việc đánh giá rủi ro tín dụng này có vai trò, ý nghĩa như thế nào?

Lo ngại lớn nhất không nằm ở yếu tố kinh tế hay tài chính mà là chính trị: nước Mỹ sẽ “hướng nội” hơn, để ngỏ hoặc làm chậm trễ những nỗ lực quốc tế trong các vấn đề như môi trường hay cải tổ hệ thống tài chính quốc tế.

Cho đến trước cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, với uy tín hoạt động gần 100 năm, đánh giá rủi ro tín dụng của ba CRA lớn được thị trường coi như một thước đo khách quan và chuẩn xác. Bởi vậy lãi suất/lợi suất của các loại trái phiếu thường có liên hệ mật thiết với thứ hạng được đánh giá, càng ít rủi ro thì lãi suất càng thấp. Không chỉ thị trường, các nhà quản lý cũng tin vào các CRA, và thậm chí đã đưa việc xếp hạng này vào nhiều bộ luật và dưới luật liên quan đến các tổ chức và hoạt động tài chính. Ví dụ luật về bảo hiểm của một số bang của Mỹ yêu cầu các công ty bảo hiểm phải giữ một tỷ lệ nhất định tài sản dưới dạng trái phiếu có hạng AAA hay Basel II cho phép các ngân hàng dùng xếp hạng rủi ro tín dụng của các CRA để tính tổng tài sản rủi ro. Uy tín của các CRA bị sứt mẻ ít nhiều sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi, vì họ đã đánh giá sai rủi ro của rất nhiều sản phẩm tài chính cấu trúc. Mỹ và một số quốc gia bắt đầu xem xét lại vai trò của xếp hạng rủi ro tín dụng trong các bộ luật của mình. Mặc dầu vậy, ảnh hưởng và tác động của các CRA vào thị trường vẫn còn rất lớn.

Theo ông, vì sao S&P hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ từ AAA xuống AA+?

Cách đây vài tuần, S&P đã tuyên bố chuyển đánh giá về Mỹ từ ổn định (stable) thành tiêu cực (negative) và tiến hành đánh giá lại SCR của Mỹ. Cả Fitch và Moody’s đều cảnh báo nếu Quốc hội Mỹ không thông qua được dự luật nâng trần nợ công thì khả năng bị hạ bậc xếp hạng tín dụng là không thể tránh khỏi. S&P cho rằng, ngay cả nếu dự luật này được thông qua họ vẫn xem xét khả năng hạ bậc nếu Chính phủ Mỹ không cam kết một khoản cắt giảm chi tiêu đủ lớn. Felix Salmon của Reuters đã chỉ ra, quyết định của S&P không phải vì S&P nghi ngờ khả năng trả nợ của Chính phủ Mỹ mà là về sự sẵn lòng chi trả của Quốc hội Mỹ. Một số nhà bình luận (ví dụ nhà kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman) còn cho rằng S&P có động cơ chính trị trong vụ hạ bậc này, chứ không khách quan như một CRA bình thường.

Ảnh hưởng của việc này lên thị trường tài chính và nền kinh tế Mỹ thế nào?

Hầu hết giới phân tích kinh tế đều cho rằng, quyết định này không có ảnh hưởng nhiều vào thị trường tài chính Mỹ ngoài một số xáo trộn tâm lý. Ảnh hưởng vào nền kinh tế Mỹ cũng sẽ không đáng kể, vì ngay cả nếu thị trường hoàn toàn tin vào đánh giá của S&P thì lợi suất trung bình của các loại trái phiếu có hạng AA+ so với AAA cũng chỉ cao hơn khoảng 0,1 – 0,2%. Trước mắt, khi cả Moody’s và Fitch vẫn tiếp tục giữ đánh giá AAA cho Mỹ, thì hầu hết các quy định pháp lý liên quan đến mức độ rủi ro của tài sản tài chính sẽ không bị ảnh hưởng. Ngay cả chủ nợ Trung Quốc, dù có lên tiếng “nhắc nhở” Mỹ về khả năng trả nợ, vẫn tiếp tục mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ vì không còn lựa chọn nào khác.

Tuy nhiên, động thái này của S&P có một số hệ luỵ không dễ thấy. Trước hết là ảnh hưởng dây chuyền. Ngay trong ngày 8.8, S&P đã hạ thứ hạng của Fannie Mae và Freddie Mac, hai công ty bán chính phủ chuyên chứng khoán hoá các khoản nợ bất động sản của Mỹ. Bên cạnh đó, S&P cũng hạ thứ hạng của 5 công ty bảo hiểm lớn của Mỹ và đặt Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett vào trạng thái tiêu cực. Đây là điều bắt buộc vì những công ty này nắm giữ một lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ và/hoặc được Chính phủ Mỹ bảo đảm. Không như Chính phủ Mỹ, những công ty tài chính lớn khi bị hạ mức tín nhiệm thường gặp khó khăn thanh khoản vì sẽ bị yêu cầu nộp thêm thế chấp cho các khoản nợ tài chính của mình như trường hợp AIG năm 2008.

Ngay cả nếu không bị hạ bậc trực tiếp, những định chế tài chính sử dụng trái phiếu Chính phủ Mỹ làm thế chấp cũng sẽ phải nộp thêm tiền hoặc phải giải chấp bớt nợ. Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CME) đã chính thức chiết khấu bớt (haircut) một phần thế chấp bằng trái phiếu của Chính phủ Mỹ cho những hợp đồng phái sinh mua bán tại đây. Một số nhà phân tích lo ngại yêu cầu này cũng sẽ lan ra thị trường repo, là một thị trường vốn ngắn hạn rất quan trọng của Mỹ. Tuy ảnh hưởng trực tiếp trước mắt không lớn, nhưng nếu cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu tiếp tục xấu đi thì nhiều ngân hàng Mỹ có thiệt hại về tiền tệ (exposure) ở châu Âu sẽ có nhu cầu vốn tăng lên rất nhanh và sẽ gây sức ép lên thị trường repo. Bản thân các ngân hàng lớn châu Âu cũng tham gia tích cực trong thị trường repo của Mỹ.

Nhưng không chỉ có vậy, lo ngại lớn nhất của giới phân tích lúc này không nằm ở yếu tố kinh tế hay tài chính mà là chính trị. Việc Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử bị “nghi ngờ” có khả năng vỡ nợ sẽ được giới chính trị gia cực hữu (Tea Party) sử dụng để gây ảnh hưởng và kiếm phiếu trong các cuộc bầu cử Quốc hội trong tương lai. Một nền chính trị quá phân cực sẽ hạn chế khả năng Nhà Trắng và Fed đưa ra những chính sách kinh tế mạnh mẽ. Nước Mỹ sẽ “hướng nội” hơn, để ngỏ hoặc làm chậm trễ những nỗ lực quốc tế trong các vấn đề như môi trường hay cải tổ hệ thống tài chính quốc tế. Mặc dù đưa ra đánh giá rủi ro tín dụng một quốc gia hay một công ty là quyền của S&P và các CRA khác, lần hạ bậc này của S&P xứng đáng bị chỉ trích từ mọi phía.


Theo SGTT