Khảo sát đánh giá thực trạng, nhu cầu, vai trò của văn hóa đọc tại các địa phương trên toàn quốc

(CTG) Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” năm 2022.

 

Với mục tiêu nâng cao nhận thức của hội viên, thanh niên về giá trị của việc đọc sách; xây dựng và phát triển thói quen, kỹ năng đọc sách trong hội viên, thanh niên, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong hội viên, thanh niên.

Bên cạnh đó, tạo sức lan tỏa văn hóa đọc và phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trong phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thúc đẩy hình thành xã hội học tập; xây dựng môi trường giao lưu, chia sẻ và tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức của hội viên, thanh niên; Tạo ra hoạt động thiết thực và bổ ích, hiệu quả, kết nối những người yêu sách, phổ biến rộng rãi thông tin Chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” trên các kênh mạng xã hội, kênh thông tin đại chúng. Vận động sự tham gia, chung tay lan tỏa văn hóa đọc của toàn cộng đồng.

Cùng với đó là đáp ứng nhu cầu thông tin đến với xã hội và nền kinh tế tri thức trong thời đại 4.0, đặc biệt khi chúng ta đang nỗ lực để xây dựng và phát triển một xã hội học tập, một xã hội phát triển bền vững, thì cần phải phát triển một nền văn hóa đọc Việt Nam hiện đại.

Văn hoá đọc theo nghĩa rộng đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc và sự đam mê đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, văn hoá đọc là sự hợp thành của ba yếu tố (Cá nhân, cộng đồng xã hội và các nhà quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước). Còn ở nghĩa hẹp, đó là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc.

Muốn phát triển nền văn hoá đọc cần phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà quản lý, cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng xã hội và mỗi cá nhân trong xã hội. Đó chính là mục đích của văn hóa đọc và là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại mà Đảng ta, Nhà nước ta đang dốc lòng, dốc sức để làm.

Trong khuôn khổ của Chương trình, Ban Tổ chức triển khai khảo sát trực tuyến trên quy mô toàn quốc nhằm đánh giá nhu cầu, thực trạng, vai trò văn hóa đọc tại các địa phương, đặc biệt là với đối tượng thanh niên…

Khảo sát tại đây: https://vitanedu.com/survey/a36dd80f-3aae-447b-b485-12bd21051c47

BTC