“Kinh tế hình ảnh” và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

(CTG) “Mô hình kinh tế hình ảnh” tạo nên sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp cũng như mọi vùng miền, mọi xuất phát điểm khác nhau. Ông Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam, khẳng định: kinh tế hình ảnh sẽ làm thay đổi quan niệm về kinh tế, việc đầu tư vào kinh tế hình ảnh là cách làm có hiệu quả cao nhất cho công việc kinh doanh.




Ông Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam, trả lời báo chí


Ngày 9/ 10, Học viện Doanh nhân LP Việt Nam đã tổ chức diễn đàn “Mô kinh tế hình ảnh – sự lựa chọn tối ưu cho phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế”. Diễn đàn có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà kinh tế quan tâm cùng lắng nghe và phản biện.

Lý thuyết "Kinh tế hình ảnh và mô hình kinh tế hình ảnh" là tổng kết khoa học quá trình nghiên cứu thực tiễn công phu về các xu hướng mới của thị trường thế giới và các mô hình kinh doanh hiện đại trên thị trường toàn cầu, do Công ty LP Việt Nam tiến hành trong 10 năm (2001 - 2010), hiện được Học viện doanh nhân LP Việt Nam tiếp tục nghiên cứu phát triển để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Tại diễn đàn, ông Ông Nguyễn Liên Phương đã đưa ra nhiều ví dụ chứng minh “kinh tế hình ảnh” là sự lựa chọn tối ưu cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Tại sao phải lựa chọn cách làm hình ảnh? Ông Phương đã đưa ra các dẫn chứng như: Bornhomlm, một hòn đảo của Đan Mạch, chỉ có 45.000 dân, nhưng trong 4 tháng hè đã đón 600.000 khách du lịch đến từ nhiều quốc gia khác nhau; sự hồi sinh kỳ diệu của tập đoàn chế tạo ô tô lừng danh General Motor của Mỹ; các nước khu vực Trung Đông đang chuẩn bị hình ảnh cho thời kỳ hậu dầu lửa, một bước chuẩn bị cho tương lai, một cách làm thông minh và hiệu quả.



Diễn đàn có sự tham dự của nhiều nhà kinh tế, các doanh nghiệp và doanh nhân


Trả lời câu hỏi của một nhà kinh tế, rằng “kinh tế hình ảnh” và mẫu mã có gì khác nhau? Ông Phương cho rằng, mẫu mã là một phần của “kinh tế hình ảnh”, phạm vi của hình ảnh rộng hơn rất nhiều so với mẫu mã; đồng thời, “kinh tế hình ảnh” được áp dụng ở mọi địa phương, vùng miền và đối tượng khác nhau.

Theo lý thuyết “kinh tế hình ảnh” thì đây là một hình thái kinh tế mới, đặc trưng tài sản là cái đẹp. “Kinh tế hình ảnh” thay đổi cách xây dựng thương hiệu và tạo ra sự cạnh tranh mới gồm 2 cách: cổ điển và hiện đại. Cách cổ điển là cách tích luỹ uy tín của công ty trong tâm trí người tiêu dùng như: chất lượng tốt, giá hợp lý, dịch vụ chu đáo, hình ảnh, thương hiệu, logo, slogan, sắc màu. Cách hiện đại là dùng nghệ thuật tạo ra hình ảnh ấn tượng hấp dẫn như: chất lượng đạt chuẩn, giá tuỳ biến, dịch vụ thoả mãn tối đa mong muốn của khách hàng, hình ảnh ấn tượng hấp dẫn cho sản phẩm và quảng bá cho sản phẩm.

Mô hình Kinh tế hình ảnh

Kinh tế hình ảnh phát triển trên cơ sở các ngành công nghiệp và dịch vụ, với các yêu cầu và đặc điểm sau:

+ Kinh tế hình ảnh chỉ cần điều kiện công nghệ đạt chuẩn của thị trường mục tiêu. Các quốc gia và doanh nghiệp đầu tư cho kinh tế hình ảnh sẽ tránh được cuộc đua tranh công nghệ với các quốc gia và các tập đoàn công nghiệp hùng mạnh, có tiềm lực nghiên cứu chuyên sâu phát triển các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ chế tạo.

+ Kinh tế hình ảnh có thể tạo ra hiệu quả rất cao và nhanh chóng, không yêu cầu những suất đầu tư quá lớn, cho phép các quốc gia và doanh nghiệp triển khai đầu tư trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, địa phương và của các ngành công nghiệp, dịch vụ hiện có.

+ Kinh tế hình ảnh thay đổi nhận thức (vốn không rõ ràng) và thay đổi cách đầu tư truyền thống (ít hiệu quả trong môi trường kinh doanh hội nhập) về xây dựng thương hiệu. Kinh tế hình ảnh phân định rõ vai trò và tính chất khác nhau giữa hình ảnh và thương hiệu. Hình ảnh giữ vai trò quan trọng định vị thương hiệu và tạo ra giá trị cho thương hiệu, góp phần quyết định tạo lập tầm ảnh hưởng của thương hiệu quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp trong kinh tế thị trường hiện đại.

+ Kinh tế hình ảnh bỏ qua khái niệm Chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành khái niệm: Mô hình giá trị toàn cầu. Khái niệm này phản ánh một xu hướng giá trị hoàn toàn mới trong thời đại hội nhập, giúp các quốc gia lựa chọn với hiệu quả tối ưu nhất tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu doanh nghiệp theo mô hình kinh tế hình ảnh. “Mô hình giá trị toàn cầu” là sản phẩm hoàn hảo nhất của kinh tế hình ảnh.

Mô hình kinh tế hình ảnh là hình thái kinh tế hậu công nghiệp, bao gồm 2 yếu tố cấu thành: yếu tố nền tảng là kinh tế công nghiệp với đặc trưng công nghệ đạt chuẩn và quản trị hiện đại. Yếu tố phát triển là nghệ thuật tạo hình ảnh ấn tượng hấp dẫn cho sản phẩm và cho quảng bá sản phẩm.
 




Theo Tầm nhìn