Mua sắm ngập tràn, nhưng vẫn ‘không có gì để mặc’?

(CTG) Dù tủ quần áo đầy ắp, cảm giác thiếu đồ vẫn phổ biến trong nhiều người. Mua sắm không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn là dấu hiệu khủng hoảng tâm lý. Tìm hiểu thêm về hành vi này.

Để lý giải câu chuyện này cũng như hiểu rõ hơn về thói quen mua sắm, người viết đã có cơ hội trò chuyện với nhiều bạn trẻ đến vui chơi tại khu vực Hồ Con Rùa, Q.3, TP.HCM, vào tối 16.10. Khi được hỏi: "Bạn thường mua sắm vào những dịp nào?", nhiều người đã thẳng thắn bày tỏ, việc mua sắm không đơn thuần chỉ để đáp ứng nhu cầu ăn mặc đẹp vào những dịp đặc biệt mà dần trở thành một thói quen khó bỏ.

Sợ bị người khác đánh giá chỉ có một bộ đồ mặc mãi

Đoàn Cáp Diễm Kiều, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thừa nhận bản thân luôn cảm thấy không đủ với số lượng quần áo mình đang có. "Khi có tiền, mình sẽ mua sắm thêm. Đối với những bộ đồ đã mặc qua một lần và đăng lên mạng xã hội, mình sẽ cảm thấy nó cũ và không còn hứng thú thử lại nữa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự tự tin, mà còn khiến mình lo ngại bị đánh giá là chỉ có một bộ đồ mà mặc mãi. Vì vậy, mình thường xuyên mua các món đồ để làm mới hình ảnh cá nhân", Kiều cho biết.

Mua sắm ngập tràn, nhưng vẫn ‘không có gì để mặc’?- Ảnh 1.
 
 Những tủ đồ đầy ắp không sức chứa của người trẻ hiện nay

yẢNH: KIM ANH

Nguyễn Việt Phương Trang (23 tuổi), hiện làm việc tại một nhà hàng ở Q.1, TP.HCM, cũng gặp tình trạng tương tự. Cô nàng cho biết mỗi tháng chi từ 3 đến 5 triệu đồng cho việc mua sắm quần áo, bởi công việc yêu cầu mình phải giao tiếp với khách hàng và đối tác thường xuyên. "Việc mặc trang phục mới không chỉ giúp mình trông chuyên nghiệp mà còn tăng sự tự tin trong giao tiếp", Trang nói.

Cùng với đó, Nguyễn Thị Minh Thư, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, thừa nhận bản thân thường cảm thấy việc liên tục mua sắm quần áo mới là rất tốn kém, nhưng lại không bỏ được thói quen này. "Mình thực sự không thích thử lại những bộ đồ đã mặc trước đó, cảm giác như bản thân bị nhàm chán và không có gì mới mẻ nữa", Thư bày tỏ. Theo đó, Thư cũng cho biết cảm giác này khiến việc mua sắm trở thành thói quen không thể kiểm soát, mặc dù biết điều đó là không nên.

Cũng là một tín đồ thời trang, nghiện mua sắm, Nguyễn Thị Tuyết Ngân (22 tuổi), ngụ tại 102 Liên khu 4-5, P.Bình Hòa Hưng B, Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết lý do khiến bản thân liên tục làm mới tủ quần áo xuất phát từ cảm giác nhiều món đồ không còn phù hợp với phong cách hiện tại của mình. "Mỗi khi nhìn lại tủ đồ, mình thấy có rất nhiều bộ quần áo từng rất thích nhưng giờ không còn phù hợp với xu hướng hoặc phong cách của bản thân ở thời điểm hiện tại nữa", Ngân tâm sự.

Ngân cũng trong biết đa phần quần áo đều mua qua các sàn thương mại điện tử, điều này khiến cô nàng không có cơ hội được thử trước. "Khi xem trên mạng thì mình thấy rất đẹp, nhưng nhận hàng thì lại chẳng phù hợp với dáng người hoặc không thể phối với các món đồ khác trong tủ. Do đó, nhiều món đồ mua về nhưng mình chưa từng mặc", Ngân chia sẻ.

Ngoài lý do về phong cách, một thói quen phổ biến khác đang gây lo ngại trong giới trẻ là việc mua sắm để giải tỏa căng thẳng. Nguyễn Thị Lan Hương, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, chia sẻ: "Mỗi khi gặp chuyện buồn, mình thường chọn cách đi mua sắm để cảm thấy tốt hơn. Cảm giác sở hữu những món đồ mới giúp mình xoa dịu sự trống rỗng và cải thiện tâm trạng".

Tuy nhiên, Hương cũng thừa nhận rằng đa số các món đồ mua trong những lúc căng thẳng thường không thực sự cần thiết. "Sau khi mua, mình nhận ra chúng không phù hợp với phong cách của mình và ít khi mặc đến", Hương chia sẻ.

Biết phối các món đồ hiện có để tránh những mua sắm không cần thiết

Lý giải cho cảm xúc này, thạc sĩ tâm lý học Chử Thị Thanh Hương (Viện tâm lý SunnyCare), cho rằng: "Khi cảm thấy căng thẳng, lo âu hoặc buồn chán, người trẻ tìm đến mua sắm như một phương tiện xoa dịu, dẫn đến sự sản sinh dopamine trong não, một chất khiến người mua cảm thấy hạnh phúc tạm thời. Tuy nhiên, sự thỏa mãn này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, sau đó họ lại trở về với cảm xúc tiêu cực ban đầu, tạo nên một vòng lặp không lành mạnh".

Mua sắm ngập tràn, nhưng vẫn ‘không có gì để mặc’?- Ảnh 2.

Hiểu rõ về phong cách, màu sắc và kiểu dáng phù hợp với mình sẽ giúp các bạn chọn lựa quần áo một cách hiệu quả hơn

ẢNH: KIM ANH

Thạc sĩ Hương gọi đây là "hành vi nghiện dopamine", một tình trạng mà ở đó, niềm vui ngắn hạn từ mua sắm trở thành cách duy nhất để giải tỏa cảm xúc tiêu cực, thay vì giải quyết vấn đề cốt lõi. Điều này, cho thấy việc mua sắm không chỉ đơn thuần là hành động tiêu dùng, mà còn là một biểu hiện của sự khủng hoảng tâm lý trong giới trẻ hiện nay

Để vượt trạng thái tâm lý này, thạc sĩ Hương khuyến khích người trẻ nên khám phá những hoạt động giải trí lành mạnh và có ý nghĩa hơn. Các hoạt động như thể thao, thiền, yoga, tình nguyện... không chỉ giúp họ nâng cao sức khỏe thể chất mà còn cải thiện tinh thần.

 "Việc chuyển hướng sự chú ý từ mua sắm sang những hoạt động tích cực không chỉ giúp giảm bớt áp lực tài chính mà còn góp phần xây dựng một lối sống bền vững và lành mạnh hơn. Những hoạt động này không chỉ có giá trị về mặt tinh thần mà còn giúp người trẻ nhận thức rõ hơn về bản thân và giá trị thực sự của mình. Từ đó, giảm thiểu cảm giác thiếu tự tin và nhu cầu phải thay đổi ngoại hình để được công nhận", thạc sĩ Hương nhấn mạnh.

Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, chị Trần Thị Phương Thảo, chuyên gia làm đẹp và sức khỏe, Giám đốc kiêm nhà sáng lập Be Style Be You, cho rằng bên cạnh những rào cản tâm lý thì việc thiếu kỹ năng chọn lựa và phối đồ cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều người trẻ cảm thấy "không có gì để mặc", dù tủ quần áo đã đầy ắp. Theo chị Phương Thảo, nhiều bạn trẻ không biết tạo sự mới mẻ bằng cách phối hợp các món đồ hiện có, dẫn đến việc họ luôn cảm thấy cần mua thêm quần áo để làm mới bản thân.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, chị Trần Thị Phương Thảo cho rằng giới trẻ cần phải hiểu rõ bản thân trước khi mua sắm. "Hiểu rõ về phong cách, màu sắc và kiểu dáng phù hợp với mình sẽ giúp các bạn chọn lựa quần áo một cách hiệu quả hơn. Khi nắm vững những gì phù hợp với bản thân, người trẻ sẽ tránh được việc mua sắm theo cảm tính hoặc chạy theo xu hướng nhất thời. Điều này không chỉ giúp họ trông đẹp hơn mà còn tiết kiệm về mặt tài chính", chị Thảo chia sẻ.

 Theo TN