Mặc dù sinh ra không lành lặn nhưng họ đã vượt lên số phận, chiến đấu với nghịch cảnh để làm chủ cuộc đời của mình, trở thành những người truyền cảm hứng cho biết bao bạn trẻ noi theo.
Từ trại gà của chàng trai tàn tật...
Sinh năm 1992 tại mảnh đất Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, ngay từ khi mới ra đời, Hoàng Kim Vị không may mắn khi bị dị tật 2 chân. Vì thiệt thòi đó, Kim Vị gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, vậy nhưng, em luôn mang trong mình một tinh thần hiếu học hiếm thấy. Vượt qua sự đau đớn về bệnh tật, em đã hoàn thanh 3 cấp học với học lực loại khá. Nhận tấm bằng tốt nghiệp, em đã từng mơ ước được thi vào một ngôi trường Đại học để có thể trang bị thêm cho mình những kiến thức và trải nghiệm quý giá. Vậy mà, số phận lại một lần nữa khiến em chịu thiệt thòi khi thời điểm đó sức khỏe em bị giảm sút rất nhiều, đôi chân cũng trở nên vô cùng yếu ớt. Hoàn cảnh buộc em phải dừng việc học. Tuy nhiên, khi sức khỏe đã dần khá hơn, em quyết tâm bắt đầu một hành trình mới, hành trình vượt khó để tìm cho mình hướng phát triển kinh tế với mục tiêu phải nuôi sống được bản thân mình và trợ giúp gia đình làm giàu một cách chính đáng.
Mô hình chăn nuôi gà của anh Hoàng Kim Vị. Ảnh NVCC
Với lợi thế có đất vườn rộng, Hoàng Kim Vị mạnh dạn tìm hiểu từ các hộ gia đình làm ăn giỏi tại địa phương và qua các phương tiện truyền thông. Anh nhận thấy chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Nghĩ là làm, Vị bắt tay vào khởi nghiệp. Anh bắt đầu hành trình đó với mô hình nuôi gà và ngan, tổng đàn hơn 400 con mỗi lứa. Anh chịu khó tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn vật nuôi phát triển tốt. Cho dù nguồn thu không đáng kể nhưng bù lại, mô hình đã mang lại niềm vui trong cuộc sống của em.
Anh Vị thí điểm nuôi ốc bươu. Ảnh NVCC
Năm 2021 , Kim Vị may mắn được tổ chức Đoàn các cấp đồng hành, hỗ trợ 100 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ thanh niên yếu thế lập thân lập nghiệp. Nhờ có thêm nguồn tài chính đó, em đã tiến hành xây dựng chuồng trại để phát triển thêm 30 con gia súc dê, trâu, lợn. Đặc biệt là nuôi thêm cá trê, giun quế, đầu tư phát triển nuôi lợn sinh sản để cung cấp nguồn lợn giống cho người chăn nuôi ở địa phương, trồng thêm một số cây ăn quả, rau màu làm thức ăn cho chăn nuôi. Nhờ vậy, mô hình đã cho thu nhập ổn định từ 150 -200 triệu đồng/năm. Sau thành công của mô hình, em trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế, là cá nhân truyền động lực, cảm hứng cho các bạn trẻ tại địa phương.
Ngoài chăn nuôi, anh Vị còn thực hiện dự án về kinh tế xanh, phát triển thức ăn chăn nuôi hữu cơ (Ảnh: Đài phát thanh truyền hình Nghệ An)
...đến Câu lạc bộ giành cho người khuyết tật của cô gái trẻ
Chia sẻ về cuộc đời đầy biến cố của mình, chị Trần Thị Việt Trinh (sinh năm 1988, xã Nghi Thuận, Nghi Lộc) cho biết, chị sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Vậy nhưng chỉ sau một cơn sốt bại liệt lúc chưa tròn 1 tuổi, chị Trinh đã bị liệt nửa người bên phải dẫn đến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Vậy nhưng, biến khó khăn thành động lực, chị Trinh luôn động viên bản thân mình rằng: “Sức khỏe yếu thì bản thân cần phải nỗ lực hơn nữa trong con đường học tập, bởi chỉ có kiến thức mới giúp mình có được công việc phù hợp với bản thân”. Những nỗ lực đó được đền đáp khi chị không chỉ thoàn thành tốt 3 cấp học mà còn thi và đỗ vào Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An (nay là Trường ĐH Y khoa Vinh). Sau đó, chị học thêm 1 năm Công nghệ thông tin theo dự án Đào tạo Công nghệ thông tin cho người khuyết tật tại Hà Nội.
Chị Việt Trinh nhận Bằng khen của Chủ tịch Hội NKT tỉnh Nghệ An về việc đã có thành tích xuất sắc trong công tác hội nhiệm kỳ 2017-2022
Đến năm 2014 chị Trinh trở về quê, cuộc sống lại tiếp tục thử thách chị khi nhiều nơi không nhận người khuyết tật vào làm việc. Chị tiếp tục theo học thêm dược, vừa đi học, vừa xin làm Nhân viên y tế tại trạm y tế xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc.
Người bình thường làm việc đã vô cùng vất vả, thì với chị sự vất vả ấy còn nhân lên bội phần. Nhất là khoảng thời gian toàn tỉnh gồng mình ứng phó với đại dịch Covid - 19, ai cũng hoang mang, lo lắng về căn bệnh này, vậy nhưng, với nhiệm vụ của mình, chị cùng những đồng nghiệp phải luôn phải đương đầu với mọi khó khăn. Trong những buổi tiêm phòng cho các cháu hay thực hiện khám sàng lọc sức khỏe cho người dân khi tham gia Bầu cử HĐND các cấp, người ta đều thấy chị miệt mài, tận tâm với công việc của mình. Chính sự tín nhiệm đó, đầu năm 2022, khi dịch bệnh bùng phát nhanh tại địa phương, chị được tin tưởng đảm trách với cương vị tổ phó Tổ Covid cộng đồng.
Chị vinh dự được nhận Bằng khen của Hội LHPN tỉnh Nghệ An về Tôn vinh điển hình phụ nữ khuyết tật vượt khó vươn lên năm 2023
Không phụ lòng tin của mọi người, chị Trinh đã xông xáo hết mình cùng với đồng nghiệp, cán bộ địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát đủ những cá nhân vừa mới di chuyển tới địa phương. Đồng thời, hướng dẫn cách ly, theo dõi sức khỏe bệnh nhân Covid tại nhà, nhằm tránh làm lây lan dịch bệnh. Khi có vắc xin, Tổ Covid cộng đồng lại phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu đúng tác dụng vắc xin mang lại. Vận động nhân dân đi tiêm phòng nắm rõ lịch tiêm phòng vắc xin để tác dụng của vắc xin được phát huy hiệu quả cao nhất, mang lại miễn dịch cộng đồng, giảm thiểu tử vong.
Điều đặc biệt khiến nhiều người nể trọng ở chị đó là vào năm 2017, sau khi tập hợp những người tâm huyết với mình, chị Trinh cùng một số những anh chị em khuyết tật khác đã xây dựng thành công câu lạc bộ khuyết tật trên địa bàn huyện. Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội Người khuyết tật huyện Nghi Lộc, chị luôn cố gắng kết nối các hội viên lại với nhau, để mọi người luôn cảm thấy gần gũi, đoàn kết và giúp đỡ nhau trong công việc.
Ảnh 6: Chị từng tham gia Chuyên đề Cơ hội không giới hạn – Chương trình điểm nóng VTV 6 năm 2013.
“Chúng tôi tham gia tự nguyện đóng quỹ, gây quỹ để sử dụng với mục đích thăm hỏi nhau khi hội viên nằm viện, ốm đau. Là người kết nối liên lạc giữa tuyến tỉnh và tuyến huyện, xã tôi luôn hỗ trợ hội viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực, kiến thức, chính sách pháp luật mà Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An, và các cơ quan ban ngành tổ chức. Đồng thời, động viên hội viên tham gia các hoạt động xã hội để mọi người tự tin, yêu đời hơn, vươn lên mạnh mẽ hơn để từ đó tìm thấy thế mạnh của bản thân, vượt lên chính mình, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội” – chị Trinh trải lòng.
Chị Trần Thị Việt Trinh là Ủy viên trẻ tuổi nhất của Ban Chấp hành Hội Người khuyết tật tỉnh Nghệ An khóa 2022-2027.
Giờ đây, câu lạc bộ của chị đã đi vào nền nếp với nhiều hoạt động hiệu quả. Nghĩ về chị, những hội viên khuyết tật luôn mang trong mình sự biết ơn và trân quý tận đáy lòng, bởi chị đã trở thành điểm tựa để giúp họ vượt qua mặc cảm, vươn lên để sống một cuộc đời ý nghĩa…/.
Theo doanthanhnien