Người gửi tuổi xuân cho núi rừng

(CTG) Luôn tâm niệm “tuổi trẻ là tuổi cống hiến”, nhiều năm qua, anh Nguyễn Xuân Thắng đã dồn toàn tâm, toàn sức, cùng lãnh đạo và nhân dân xã A Bung, huyện Đakrông làm khởi sắc miền quê nghèo.

Tham gia Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020, anh Xuân Thắng (sinh năm 1991) không chỉ góp phần đổi thay vùng đất còn nhiều khó khăn mà còn viết cho xã A Bung (huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị) cuốn lịch sử với độ dày 500 trang và được vinh danh là một trong 50 cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc.

Người con của bản làng

Nguyễn Xuân Thắng thường bảo với mọi người, anh sinh năm 1991, tuổi Tân Mùi nên duyên nợ với núi rừng. Vì thế, dù cuộc đời cho Thắng nhiều cơ hội ở miền xuôi, phố hội nhưng cuối cùng anh cũng tìm đến với đại ngàn.

Anh Nguyễn Xuân Thắng được tuyên dương là một trong 50 cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc

Nguyễn Xuân Thắng sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hai anh chị lớn phải nghỉ học sớm nhường phần cho Thắng và em gái được đến trường. Không phụ lòng tin của gia đình, Thắng nỗ lực học tập và thi đỗ vào Đại học Đà Lạt. Trong suốt năm đầu đại học, chàng trai nghèo quê Quảng Trị luôn dẫn đầu khóa về thành tích học tập. Tuy nhiên, mong muốn của Thắng là được theo học tại Học viện Hành chính Quốc gia, vì vậy, khi đang học đại học Đà Lạt năm thứ nhất, Thắng nộp đơn dự thi vào Học viện Hành chính Quốc gia, phân viện tại TP. Hồ Chí Minh và đỗ điểm cao. Suốt 4 năm trên giảng đường đại học, Thắng luôn giành được học bổng với kết quả học tập tốt khiến bạn bè nể phục.

Trong thời gian còn là sinh viên, Thắng thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện như: Tiếp sức mùa thi, Xuân tình nguyện, Kỳ nghỉ hồng... Thắng chia sẻ: Hồi mới là sinh viên, nhìn thấy các anh, chị khóa trên mặc những chiếc áo tình nguyện in dòng chữ “Mùa hè xanh”, “Tiếp sức mùa thi” là mình ngưỡng mộ lắm. Nhìn thấy họ tràn đầy nhiệt huyết, mình cũng muốn được tham gia cống hiến. Vì thế, dịp nghỉ hè, ngoài thời gian về thăm gia đình khoảng 2 tuần, Thắng dành hết thời gian còn lại tham gia các phong trào thanh niên tình nguyện và đi làm thêm để có thêm thu nhập trang trải việc học hành.

Học ở thành phố lớn, quen cái nhộn nhịp, xô bồ nhưng Thắng lại không mấy mặn mà với mảnh đất này. Vì thế, sau khi tốt nghiệp học viện, dẫu nhiều cơ hội mở ra trước mắt nhưng Thắng quyết định trở về quê hương. Biết đến Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 của Bộ Nội vụ, Thắng liền viết đơn đăng kí tham gia và được điều về xã A Bung, huyện Đakrông. Thời điểm ấy, nhiều người lời ra, ý vào trước quyết định của Thắng. “Bạn bè em bảo thanh xuân như một cơn mưa rào, đến và đi rất nhanh nên phải hưởng thụ nó. Ở chốn thâm sơn cùng cốc, đụng đâu khó đó thì lấy gì mà hưởng thụ”, Thắng chia sẻ.

Dẫu đã tiên lượng mọi khó khăn, thử thách nhưng Thắng vẫn không khỏi sốc khi ngày đầu tiên đặt chân đến thực tập tại xã A Bung. Trên chiếc xe máy cũ, Thắng vượt cung đường quanh co, vắng vẻ, mặc kệ mưa rét táp vào mặt. Chưa hết “ớn lạnh” vì đường đi, vừa đến nơi, chàng sinh viên mới rời ghế giảng đường bủn rủn chân tay vì điều kiện sống thiếu thốn. Thực tế, một số cán bộ đã quyết định rời A Bung vì không chịu nổi cái rét cắt da, cắt thịt toát ra từ đá núi; những hôm ngay cả nước suối cũng… khan hiếm; bữa cơm rặt cá khô, rau rừng… “May mắn là tôi quen với khổ cực từ tấm bé nên khó khăn mấy cũng thấy bình thường. Dành nhiều thời gian để tìm hiểu mảnh đất này, bà con nơi đây, trong lòng tôi dần nảy nở một tình cảm đặc biệt. Vì thế, tôi rất vui khi bảo vệ thành công khóa luận sau một tháng thực tập và chính thức được về làm việc tại UBND xã A Bung vào ngày 7/3/2015”.

“Hạnh phúc mỉm cười”

Theo dõi buổi lễ tuyên dương cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ IV, năm 2019 do Trung ương Đoàn tổ chức, nhiều người rất ấn tượng với trí thức trẻ Nguyễn Xuân Thắng. Đặc biệt, câu chuyện Thắng chia sẻ về những khó khăn, thử thách trong công việc, cuộc sống và nỗ lực vượt qua khiến mọi người khâm phục. Sự xuất hiện của Thắng tại buổi lễ tuyên dương chính là lời khẳng định chắc nịch cho câu nói mà anh thường nhắc đến: “Hạnh phúc sẽ mỉm cười nếu ta không ngừng cố gắng”.

Trong dòng hoài niệm, Thắng kể, trên đường trở lại A Bung nhận nhiệm vụ ở UBND xã vào tháng 3/2015, nhiều suy nghĩ nảy ra trong đầu anh. Là cán bộ văn phòng thống kê, chuyện làm tròn nhiệm vụ đối với Thắng khá đơn giản. Tuy nhiên, là một trong 500 trí thức trẻ được “chọn mặt gửi vàng”, anh không cho phép mình có điểm dừng cống hiến. A Bung, nơi Thắng sẽ gắn bó một thời gian dài của tuổi thanh xuân là xã miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, hội tụ ba dân tộc: Kinh, Vân Kiều, Pa Kô. Cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do phương thức sản xuất còn lạc hậu. “Tôi tự hứa với lòng mình sẽ cùng các cán bộ khác giúp bà con nâng cao đời sống vật chất và tinh thần”, Thắng bộc bạch.

Nuôi hoài bão lớn, Thắng đã hoạch định sẵn những việc phải làm trong thời gian công tác tại UBND xã A Bung. Chỉ một thời gian ngắn sau khi tiếp cận công việc, Thắng đã được đánh giá là “cán bộ đa năng”. Anh có thể lo liệu trôi tròn mọi công việc được cấp trên phân công dù nhiều người cho là quá sức. Uy tín sớm được khẳng định nên dù mới về địa phương công tác, Thắng đã được cấp trên tin tưởng giao trọng trách chắp bút cho cuốn Lịch sử Đảng bộ xã A Bung, dày 500 trang với đầy đủ thông tin sinh động về mảnh đất, con người, tình hình kinh tế, văn hóa- xã hội của địa phương.

Không muốn chỉ làm tốt công việc trên bàn giấy, anh Thắng luôn tìm cách để giúp đỡ người dân trong sức của mình. Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, anh xác định phải học tiếng Vân Kiều, Pa Kô và làm quen với phong tục, tập quán. Đã trở thành thói quen, cứ sau giờ làm việc hành chính, Thắng lại về từng bản để gặp gỡ, trò chuyện với người dân. Những chuyến đi ấy mang đến lợi ích ngoài sức tưởng tưởng đối với anh. Thấy Thắng gần gũi, chất phác, người dân trên địa bàn yêu thương, tôn trọng anh hơn. Cũng nhờ phản ánh của bà con mà Thắng đã trăn trở, tìm tòi, đưa ra nhiều sáng kiến hay giúp nâng cao hiệu quả công việc.
Để người dân không còn quẩn quanh trong nghèo khó, Thắng xác định phải giúp bà con xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Chàng trai trẻ tích cực xem ti vi, đọc sách, báo, đến các đơn vị, địa phương bạn học hỏi cách làm hay để về hướng dẫn. Thấy sự tâm huyết của Thắng, lãnh đạo xã và người dân tín nhiệm bầu anh là Phó Ban Điều hành Dự án Plan xã A Bung. Từ đó, Thắng có thêm nhiều cơ hội để giúp người dân giã từ đói nghèo. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đã được anh Thắng và bà con trong xã xây dựng, bước đầu gặt hái thành quả. Đặc biệt, mô hình nuôi dúi đang được đánh giá cao bởi tính hiệu quả. Từ 6 hộ thí điểm ban đầu, hiện nay nhiều hộ dân ở xã A Bung đã tham gia mô hình. Dúi sinh trưởng nhanh, mang lại thu nhập khá cho bà con. Mô hình này đang được nhiều địa phương, đơn vị bạn học tập.

5 năm gắn bó với vùng khó nhưng ngọn lửa nhiệt huyết, khát vọng cống hiến của Nguyễn Xuân Thắng vẫn sục sôi như những ngày đầu. Vì thế, khi thời hạn kết thúc hợp đồng của Đề án 500 gần kề, Thắng không khỏi nỗi lo lắng. “Tôi không biết sắp tới mình sẽ đi đâu, về đầu. Tuy nhiên, nếu cấp trên muốn tôi đến vùng xa xôi, vất vả hơn nữa để giúp bà con, tôi cũng hoan hỉ chấp nhận. Từ lâu, tôi đã nguyện gửi tuổi thanh xuân cho núi rừng. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực và tôi tin hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười”.

Quang Hiệp - Tỉnh đoàn Quảng trị