Những thanh niên làm giàu từ rác

(CTG) Rác là tài nguyên… Thay vì vứt bỏ, chúng được tái chế để phục vụ cho cuộc sống con người. Điều này không những giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích lớn về kinh tế. Đây chính là thông điệp mà những người trẻ hiện đại đang muốn lan tỏa tới mọi người.

 

Rác là tài nguyên… Thay vì vứt bỏ, chúng được tái chế để phục vụ cho cuộc sống con người. Điều này không những giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích lớn về kinh tế. Đây chính là thông điệp mà những người trẻ hiện đại đang muốn lan tỏa tới mọi người. Và để chứng minh điều đó, chính họ đã cho ra đời những mô hình làm giàu từ rác hiệu quả, thiết thực, vừa ổn định cuộc sống của bản thân, gia đinh vừa góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân xung quanh và thúc đẩy tinh thần bảo vệ môi trường trong cộng đồng…

Khởi nghiệp từ rác thải

Sau một thời gian dài lao động vất vả với đủ nghề, cuối cùng hai chàng thanh niên Hứa Văn Hậu (sinh năm 1985) và Lê Ngọc Lai (sinh năm 1988) ở xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, Phú Yên cùng nhau quyết định về quê lập nghiệp với Cơ sở tái chế hạt nhựa vi sinh. Theo ông Lê Ngọc Chu, cha của anh Lê Ngọc Lai nhận định khi thấy đứa con trai của mình có ý tưởng thu mua rác thải như: túi bóng, bao ni lông, bao tải nhựa hay những đồ nhựa phế thải về để tái chế thành hạt nhựa… thì ông rất lo, “nhưng thấy con quyết tâm làm ăn, vợ chồng tôi cũng cố gắng vay mượn để con có vốn đầu tư làm ăn và tự lập nghiệp”.

Cơ sở tái chế hạt nhựa vi sinh của hai chàng thanh niên Hứa Văn Hậu và Lê Ngọc Lai.

Thời gian đầu mới đi vào sản xuất, máy móc vận hành còn nhiều trục trặc, thiếu nguồn vốn lưu động, thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu để sản xuất và quan trọng nhất là chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm hạt nhựa tái chế nên cơ sở sản xuất của hai chàng trai này gặp rất nhiều khó khăn.

Thế nhưng, những khó khăn đó không làm cho anh Hứa Văn Hậu và anh Lê Ngọc Lai nản lòng mà càng thêm quyết tâm hơn. Hai anh đã mượn thêm ít vốn từ người thân để đầu tư mua thêm máy móc, khép kín quy trình tái chế nhựa phế thải và học hỏi thêm từ những người đã có kinh nghiệm tái chế rác thải lâu năm ở TP. Hồ Chí Minh để hoàn thiện dây chuyền và đưa máy móc của cơ sở đi vào hoạt động ổn định hơn. Anh Hứa Văn Hậu, Cơ sở tái chế hạt nhựa vi sinh, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh bày tỏ: “Ở quê mình đây thì cái nghề tái chế nhựa phế thải gần như chưa có nhiều người làm và công việc này cũng khá mới ở địa phương. Nhiều nơi rác thải là những bao bóng, bao bì không được thu gom nên bay lung tung gây ô nhiễm môi trường và đây cũng là chất thải nguy hại khó xử lý, lâu phân hủy trong môi trường tự nhiên. Tôi và bạn cùng mở cơ sở tái chế nhựa này vừa có thể thu gom rác thải, làm sạch môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế…”.

Hiện mỗi ngày, Cơ sở tái chế hạt nhựa vi sinh sản xuất trung bình được khoảng 5 đến 6 tạ hạt nhựa, sản phẩm làm ra đến đâu, được thị trường TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ hết đến đó. Từ đó, đã góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều thanh niên ở địa phương. Anh Dương Tấn Lãnh - Phó Bí thư Huyện Đoàn Sông Hinh cho biết: “ Hiện nay ở Sông Hinh chưa có cơ sở tái chế hạt nhựa từ rác thải như thế này. Đây là một cách làm mới của những người trẻ năng động và sáng tạo như Hứa Văn Hậu và Lê Ngọc Lai. Mô hình này vừa mang lại kinh tế vừa giúp địa phương xử lý được tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa tạo công ăn việc làm cho thanh niên ở địa phương”.

Làm giàu từ rác

Anh Kha miệt mài với công việc.

Cũng giống như anh Hân và Anh Lai. Bằng bản tính thích tìm tòi, học hỏi cộng với sự cần cù siêng năng của mình, anh Trần Hoàng Kha (tỉnh Hậu Giang) chỉ mất một khoảng thời gian ngắn đã cho ra đời những sản phẩm từ những chiếc lốp xe ô tô đạt tính thẩm mỹ, vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần giảm lượng rác thải để bảo vệ môi trường.

Trong không gian chật chội chỉ vài chục mét vuông, những chiếc vỏ xe đen nhám được chất chồng lên nhau, chờ được đôi tay tỉ mỉ của anh Trần Hoàng Kha (tỉnh Hậu Giang) gia công, biến thành những sản phẩm gia dụng đa dạng, như: bàn, ghế, chậu cá, chậu cây… Anh Kha cho biết những sản phẩm từ vỏ xe dễ dàng được người dùng ưa chuộng vì có giá xấp xỉ với các sản phẩm được làm bằng chất liệu khác nhưng về thời gian sử dụng thì có phần nhỉnh hơn do ít bị tác động, bào mòn.

Những sản phẩm từ lốp xe của anh Kha.

Dù cho điểm xuất phát với vô vàn những chông gai nhưng nhờ nỗ lực của bản thân và sự giúp sức của gia đình, đặc biệt là Đoàn Thanh niên xã Tân Tiến, hỗ trợ 50 triệu đồng để anh có vốn mua nguyên vật liệu, anh đạt được mục tiêu của mình. Gần một năm khởi nghiệp, anh trở thành thành viên của Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Anh Kha bày tỏ sẽ không ngừng học hỏi để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, đẹp mắt hơn nhằm lan tỏa thông điệp tái chế phụ, phế phẩm thành đồ dùng có ích. Bên cạnh đó, anh cũng nhận dạy nghề miễn phí cho các thanh niên có nhu cầu học hỏi và theo đuổi công việc "đa lợi ích" này.

Ban Phong trào Tỉnh đoàn trao tặng hỗ trợ ý tưởng làm giàu từ rác thải hữu cơ qua mô hình nuôi giun quế Đoàn trường Cao đẳng nghề Điện Biên.

Với vai trò là “cầu nối”, đồng hành cùng thanh niên trên bước đường khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các công trình, đề tài sản phẩm sáng tạo. Giúp đoàn viên, thanh niên từng bước hiện thực hóa ý tưởng của mình, tạo công ăn việc làm cho bản thân, gia đình cũng như nhiều đoàn viên thanh niên khác. Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoan Điện Biên cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các mô hình, sản phẩm sáng tạo của đoàn viên, thanh niên được ứng dụng vào thực tế. Thăm quan các mô hình, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã hỗ trợ mỗi mô hình gần 3 triệu đồng, bao gồm: Mô hình hệ thống cảnh báo an toàn cho thiết bị điện thoại sử dụng nguồn năng lượng sạch của Đoàn trường THPT Thanh Chăn; mô hình tưới nước tự động cho cây ăn quả của Chi đoàn thôn Yên Trường, xã Thanh Yên; mô hình trồng, trồng lại và chăm sóc cây Đào Nhật tân, Đào Thất Thốn; mô hình vườn, ao, chuồng, rừng của chi đoàn bản Nà Dê xã Búng Lao; mô hình làm giàu từ rác thải hữu cơ qua mô hình nuôi giun quế của đoàn viên thanh niên trường Cao đẳng nghề Điện Biên.

Trong những năm qua, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp được tuổi trẻ các cấp tích cực hưởng ứng và ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm và đã thành công từ xuất phát điểm thấp, trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi, trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng.

CTG