Những năm trước thập niên 1990, sau các cơn bão ở miền Trung, không khó để tìm thấy dăm ba mảnh tôn mỏng như giấy cạc-tông (còn gọi là tôn mè do bề mặt lấm tấm hạt nhỏ) bị gió bão xé bay tơi tả khắp nơi. Lúc đó, thị trường tôn lợp nhà chỉ có 2 loại sản xuất trong nước là tôn sắt nhanh rỉ sét và tôn mè dễ gãy. Chỉ trong 10 năm sau đó, nhất là từ khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận, thị trường tôn xuất hiện sản phẩm ngoại nhập rất phong phú. Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tôn Đông Á, cho biết trước khi chính thức đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tôn, ông cũng đã tập tành nhập tôn về gia công và bán tại Việt Nam.
Chọn mất nhiều để giữ chân lao động
Lô hàng đầu tiên của ông Trung gồm hơn 100 tấn tôn Đài Loan. Tuy nhiên, việc bán tôn lúc đó (năm 1997) hết sức khó khăn do khó chen chân vào thị trường bán lẻ vật liệu xây dựng. Các nhà bán lẻ tôn chưa chịu thay đổi thói quen mua bán, họ thẳng thừng từ chối không nhận sản phẩm mới, hoặc lấy hàng nhưng chỉ cho ký gửi và không nỗ lực giới thiệu cho khách. Hơn nữa, vì hàng gia công nên khách không mấy mặn mà. “Cái tôi học được từ việc này là nắm bắt nhu cầu thị trường và kỹ thuật làm hàng chất lượng”, ông Trung nói.
|
Chiến lược tình thế Tôn Đông Á đưa ra là nhập nguyên liệu cầm chừng để duy trì hoạt động và nỗ lực bán hàng ra nhanh chóng. Mặt khác, để duy trì uy tín và làm hài lòng khách hàng, Công ty phải nhập một số sản phẩm có nhiều kích cỡ về bán. Chẳng hạn, thay vì chỉ cung cấp được 1 sản phẩm trong hợp đồng gồm 5 sản phẩm nhiều kích cỡ, giá trị thu về chỉ chiếm 10% tổng hợp đồng, Công ty quyết định nhập số sản phẩm chiếm 90% giá trị hợp đồng để giữ khách hàng.
“Bài toán kinh doanh lúc đó là chọn mất ít hay mất nhiều. Tôi không phải là nhà kinh doanh mà là nhà sản xuất. Nhà kinh doanh có thể ngưng nhập và chờ thời cơ làm tiếp. Đối với nhà sản xuất, ngưng mua nguyên liệu là chấm dứt toàn bộ hoạt động. Và chúng tôi đã chọn giải pháp mất nhiều để giữ chân lao động”, ông Trung cho biết. Cuối năm 2008, lợi nhuận của Tôn Đông Á chỉ đạt 30% so với kế hoạch năm nhưng công nhân không giảm 1 người.
Thế nhưng theo ông, không phải lúc nào cũng có thể đưa ra được quyết định đúng. Chiến lược vượt bão năm 2008 của Công ty coi như thành công nhưng một quyết định đầu tư bất động sản lại không như mong muốn. Đầu năm, ông mua lô đất 5.000 m2 ở Tiền Giang dự định xây kho hàng để sử dụng ngay trong năm đó. Đến nay, lô đất vẫn bỏ hoang và giá mua từ 672.000 đồng/m2 giảm xuống dưới 630.000 đồng/m2. “Nhà sản xuất khi có tiền thường đầu tư thêm máy móc, đằng này tôi lại đi kinh doanh bất động sản khi không có kinh nghiệm về nó”, ông nói.
Chỉ có thể ở top 5
Tôn Đông Á tham gia vào thị trường tôn khi nhu cầu tiêu thụ mỗi năm chưa tới 100.000 tấn và đến nay, theo ông Trung nhu cầu đã là 800.000 tấn, chỉ 2 năm nữa sẽ lên 1 triệu tấn. Với chiến lược từng bước đi từ gia công lên sản xuất, sau khủng hoảng, Tôn Đông Á quyết định cổ phần hóa vào đầu năm 2009 và đầu tư mạnh công nghệ. Từ mức vốn 120 tỉ đồng, Công ty nâng lên 200 tỉ đồng bằng cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông sáng lập, nhân viên ở vị trí chủ chốt, làm lâu năm và có nhiều đóng góp cho doanh nghiệp. Tháng 4.2009, Công ty đầu tư 10 triệu USD vào dây chuyền công nghệ mạ lạnh và nhà máy mới tại Khu Công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), nâng tổng công suất đạt 250.000 tấn/năm.
Theo ông Trung, Công ty hiện chiếm 16-18% thị trường tôn cả nước, riêng thị phần phía Nam là hơn 18%. Khi được hỏi Tôn Đông Á đang ở vị trí nào trong số các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư tôn tại Việt Nam? Ông Trung trả lời là đang nằm trong nhóm 5 doanh nghiệp hàng đầu, trong đó tính 3 doanh nghiệp nước ngoài.
Lại nói về chuyện khủng hoảng kinh tế vừa rồi, ông cho rằng những tình huống xấu nhất đã hết nhưng hậu quả thì vẫn còn. Nhiều quốc gia như Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Việt Nam đã chọn giải pháp tăng thuế nhập khẩu tôn thép để bảo vệ nhà sản xuất trong nước khi khủng hoảng xảy ra. Việc này ảnh hưởng lớn đến nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Năm qua, Chính phủ Trung Quốc phải tăng tỉ lệ bồi hoàn thuế xuất khẩu cho doanh nghiệp nội nhưng đến năm 2011, chính sách đó không còn nữa. Đây là một lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu tôn Việt Nam.
Đối với thị trường nội địa, theo ông Trung, áp lực cạnh tranh không hề giảm dù đã có nhiều rào cản từ phía Nhà nước như hạn chế nhập một số loại tôn thép trong nước sản xuất được, nâng thuế nhập khẩu tôn mạ kẽm, tôn lạnh và hạn chế tình trạng nhập khẩu ồ ạt các loại tôn kém chất lượng, giá thấp. Song những giải pháp này chỉ là giải pháp tạm thời giảm sức ép cạnh tranh lên doanh nghiệp. Về lâu dài, cải thiện công nghệ sản xuất mới giúp doanh nghiệp cạnh tranh được.
Đầu tư sâu vào công nghệ và chủ động nguồn nguyên liệu là 2 giải pháp mà doanh nghiệp sản xuất tôn cần chú trọng trong giai đoạn tới, ông Trung nói tiếp. Khi công suất nhà máy được hơn 100.000 tấn, doanh nghiệp phải nghĩ đến việc tự sản xuất nguyên liệu để không thể phụ thuộc nguyên liệu nhập nữa. Nhập khẩu càng nhiều, ngoại tệ chi ra càng cao khiến lợi nhuận giảm.
“Vượt qua được khủng hoảng, doanh nghiệp lại phải đối diện tình hình lạm phát với các chi phí tăng cao”, ông Trung cho biết. Về vấn đề tỉ giá bất thường thời gian qua, ông cho biết Tôn Đông Á không ồ ạt mua ngoại tệ như một số doanh nghiệp khác đã làm mà đi vay, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu để thu ngoại tệ về. Hiện nay, xuất khẩu chiếm 20% tổng doanh thu Công ty.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp