PGS.TS Trần Thành Nam: Cần cái nhìn mở hơn với bài tập về nhà để trẻ không 'ngộp thở' ngày Tết

(CTG) PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, không nên quan niệm bài tập về nhà để trẻ không quên kiến thức vì nó sẽ tạo ra nhiều áp lực, thậm chí có thái độ tiêu cực, cảm xúc âm tính với việc học nói chung.

PGS.TS Trần Thành Nam: Cần cái nhìn mở hơn với bài tập về nhà để trẻ không 'ngộp thở' ngày Tết

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, không nên quan niệm bài tập về nhà để trẻ không quên kiến thức vì sẽ tạo ra nhiều áp lực, có thái độ tiêu cực, cảm xúc âm tính với việc học.

Để phòng dịch Covid-19, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và tỉnh Quảng Bình yêu cầu giáo viên không giao bài tập cho học sinh để các em đón Tết không nhiều áp lực. Quan điểm của ông về quyết định này?

Vì quan niệm bài tập giao cho học sinh trong dịp nghỉ Tết khác với quan niệm chung của mọi người về bài tập nên tôi chưa bình luận.

Tôi chỉ ủng hộ quan điểm nhân văn là không để các em đón Tết với nhiều áp lực. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm nay các em sẽ đón một cái Tết khác biệt hơn mọi năm, hạn chế đi lại, hạn chế gặp gỡ, nghiêm túc thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế là điều nên làm.

Không ít giáo viên, chuyên gia đề xuất phương án “nói không với bài tập về nhà”. Tuy nhiên, cũng có nhiều người lo ngại việc học sinh sẽ quên kiến thức, không chạy theo kịp chương trình nếu không giao bài tập về nhà dịp Tết. Theo ông, phải tính toán ra sao để trẻ không cảm thấy ngộp thở vì bài tập?

Nếu quan niệm về bài tập về nhà theo như cách hiểu thông thường hiện nay là các bài tập để luyện kỹ thuật giải bài tâp, với mục đích để chống quên kiến thức thì tôi cũng thiên về những người nói không với bài tập về nhà vì nó tạo ra nhiều áp lực, thậm chí có thái độ tiêu cực, cảm xúc âm tính với việc học nói chung.

Hiện nay, mục tiêu của việc giáo dục là hướng đến hình thành năng lực, đặc biệt là năng lực giải quyết các vấn đề phức tạp và biến đổi liên tục trong cuộc sống chứ không còn tập trung vào nội dung, thể hiện qua việc ghi nhớ kiến thức nữa. Do đó, những bài tập giao về nhà cần có một cái nhìn rộng mở hơn.

Đó có thể là những hoạt động vui chơi mang tính định hướng giáo dục, những hoạt động thú vị mà phần lớn các gia đình đều sẽ tổ chức liên quan đến dịp Tết truyền thống; hay những dự án hỗ trợ cộng đồng đầy giá trị nhân văn mà bản thân học sinh và các gia đình đều mong muốn hào hứng được thực hiện. Nếu bài tập được giao như thế thì học sinh sẽ không ngộp thở.

Trên mạng xã hội, có phụ huynh còn bình luận “con vui như Tết khi không có bài tập về nhà”. Dường như gánh nặng học hành cả năm đã khiến trẻ cảm thấy rất mệt mỏi. Vậy các con cần được giải phóng khỏi bàn học trong ngày Tết như thế nào?

Nếu cộng đồng và học sinh có nhiều bình luận như vậy có nghĩa là bài tập và công tác kiểm tra đánh giá đã không đạt được mục đích giáo dục của mình. Bài tập và hình thức đánh giá như vậy là mang tính chất trừng phạt, gây sợ hãi chứ không còn là công cụ để khuyến khích học sinh chịu trách nhiệm về việc học và hiệu quả của việc học nữa rồi. Đánh giá như thế không khuyến khích động cơ học tập, thậm chí còn làm xói mòn năng lực tự học, khả năng tự đánh giá của học sinh.

Nhưng tôi cũng không ủng hộ quan điểm thái quá theo kiểu cho con chơi tự do thoải mái, giải phóng trẻ hoàn toàn khỏi “bàn học” trong những ngày Tết. Yếu tố quan trọng của việc học để hình thành năng lực vẫn là “văn ôn võ luyện”. Nhưng đừng quan niệm “bàn học” là cái bàn vật chất. Bàn học ở đây là cuộc sống của đứa trẻ.

Vì vậy, thay vì để con chơi tự do, thoải mái thu mình trong phòng những ngày Tết chơi game, nghịch điện thoại thì phải tổ chức và tạo môi trường cho con chơi, hoạt động. Trong môi trường đó, cha mẹ cần phải định hướng, đưa các mục tiêu giáo dục vào để các em có thể phát huy tính chủ động, thể hiện tư duy phản biện và các ý tưởng sáng tạo.

Nguồn: BQT