Không an phận
Sinh ra ở vùng nông thôn, chứng kiến sự vất vả của cha mẹ quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, Đặng Dương Minh Hoàng đã nỗ lực học tập, hy vọng một tương lai tươi sáng. Trời không phụ lòng người, Hoàng thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa TPHCM. Chỉ sau hai năm ngồi trên giảng đường đại học, với sự cần cù và thông minh trong học tập, Hoàng xuất sắc giành được suất học bổng danh giá của Đại học Bách khoa Grenoble (Pháp).
Cơ hội tới, được gia đình hậu thuẫn, chàng sinh viên lên đường đến Pháp học chương trình kỹ sư lĩnh vực tự động, công nghệ thông tin, cơ điện tử. Nhờ kết quả học tập, nghiên cứu xuất sắc giúp Hoàng có ngay công việc ổn định tại Công ty Điện lực Pháp, với mức thu nhập vào thời điểm năm 2012 là 3.000 Euro/tháng (khi đó tương đương 75 triệu đồng/tháng).
Anh Đặng Dương Minh Hoàng (bìa phải) nói về cách chăm sóc bơ |
Với nguyện vọng phát triển bản thân, Hoàng rời Công ty Điện lực ở Pháp để đến làm việc cho một tập đoàn khác với mức lương khá cao. Có công việc ổn định, tưởng chừng Hoàng sẽ định cư lâu dài ở nước ngoài, song đến năm 2016, anh quyết định trở về nước. "Tôi may mắn được đi học và làm việc ở nước ngoài. Tôi thấy thương hiệu nông sản của chúng ta ở các nước rất ít. Từ đây trong đầu tôi gợi lên ý tưởng đưa nông sản Việt Nam vươn ra khu vực. Tôi đã phải nỗ lực rất nhiều, tận dụng lợi thế về công nghệ để thực hiện chiến lược đưa bơ Việt Nam ra thế giới”, Hoàng chia sẻ lý do trở về quê hương.
Đưa nông nghiệp số vào thực tiễn
Là “dân” tự động hoá, bỏ trời Tây về quê làm nông và muốn làm theo cách riêng, nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm, anh Hoàng gặp không ít gian nan. Tuy nhiên, với lối đi riêng, bài bản, trong đó cốt lõi là số hoá, chàng kỹ sư trẻ đã biến mảnh đất quê mình thành những vựa bơ bạc tỷ. “Khi quyết định về nước làm nông nghiệp, tôi đã nghĩ muốn thành công, tất cả các khâu đều phải đồng bộ hóa. Trên mảnh đất của gia đình, tôi hình thành Nông trại Thiên Nông, sử dụng 12 ha trồng bơ, đưa nông nghiệp số áp dụng thực tiễn”, Hoàng nói.
Để thực hiện hoài bão, Hoàng liên hệ với nhiều đối tác khác nhau cải thiện chất đất, chọn giống bơ chất lượng cao, đầu tư quy trình trồng trọt bài bản, đúng kỹ thuật. Ngoài ra, sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động sử dụng Internet vạn vật, điện năng lượng mặt trời áp mái, hệ thống camera CCTV giám sát toàn vườn, máy bay không người lái, công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc cũng được Nông trang Thiên Nông chủ động sản xuất.
Anh Đặng Dương Minh Hoàng hiện đang là Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Chủ nhiệm mạng lưới Lương Định Của toàn quốc. Thời gian qua, anh thường xuyên cùng các gương Lương Định Của kết nối, hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp theo hướng công nghệ. Anh Hoàng vinh dự là 1 trong 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023. |
Anh Hoàng cho biết, chi phí để đầu tư hoàn chỉnh từ hệ thống cảm biến, hệ thống châm phân cho tới hệ thống tưới tự động gần 80 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, hệ thống tự động này sẽ tính toán chính xác lượng nước và phân bón cần bổ sung. Người trồng sẽ tiết kiệm được 80% nước tưới; 40% phân thuốc; và hàng trăm công lao động so với cách làm truyền thống. Nước và phân bón đưa đến tận gốc bơ giúp hạn chế việc bốc hơi làm mất đạm, năng suất cây trồng có thể tăng từ 20 -25%. “Năng suất tăng nên lượng thuốc bảo vệ thực vật được hạn chế tới mức tối đa, tạo ra sản phẩm sạch, vừa giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây. Chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng người trồng tự quyết định được giá trị sản phẩm. Toàn bộ cây bơ được gắn mã code để người trồng và người tiêu dùng đều nắm rõ được quá trình sinh trưởng, phát triển của trái bơ từ lúc trồng cho đến khi được đặt lên bàn ăn”, chủ Nông trại Thiên Nông cho hay.
Nhờ áp dụng nông nghiệp số, thương hiệu Bơ Ông Hoàng của anh ngày càng khẳng định tên tuổi, không chỉ có mặt tại các siêu thị trong nước, đã xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và các nước châu Âu. Trừ chi phí, Bơ Ông Hoàng cho lợi nhuận hơn chục tỷ đồng mỗi năm.
Anh Đặng Dương Minh Hoàng chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp |
Anh Hoàng quan niệm rằng, “muốn đi xa phải đi cùng nhau" nên chia sẻ cách làm cho mọi người. Sau khi biết được ý tưởng của anh Hoàng, nhiều chủ nông trại ở địa phương nhiệt tình ủng hộ thành lập hợp tác xã nông nghiệp số. Từ đó, Hợp tác xã Nông nghiệp số Bình Phước đã ra đời vào tháng 6/2022. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Bình Phước thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Ông Trần Quốc Duy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước cho biết, anh Hoàng đã tư vấn, chuyển giao công nghệ cho hàng chục trang trại trên địa bàn. Từ đó tạo ra hệ sinh thái, giúp cho bà con cùng có thu nhập tốt để cải thiện cuộc sống, có cơ hội mang nông sản của Việt Nam vươn xa.
Theo TPO |