Mức chênh cao chưa từng thấy
Tỷ giá USD chợ đen ngày càng bỏ xa tỷ giá USD chính thức - Ảnh: Thanh niên
Ngày 1.12, tỷ giá chính thức trong ngân hàng mức trần là 19.500 đồng/USD, trong khi đó giá ở chợ đen lên tới 21.600 đồng/USD, khoảng cách là 2.100 đồng/USD. Điều đáng nói, khoảng cách này đã được kéo dài kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố can thiệp ngoại hối, bình ổn thị trường. TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, khẳng định dự trữ ngoại hối hiện nay của nhà nước đủ khả năng để can thiệp, nhưng tỷ giá vẫn tăng vì những can thiệp này chưa đủ mạnh, chưa kịp thời để đè bẹp được tâm lý kỳ vọng của thị trường.
Nhìn từ cung - cầu của thị trường, giám đốc một NH thương mại chuyên kinh doanh ngoại hối cho rằng, tỷ giá tăng do cầu về USD tăng từ nay đến cuối năm là có thật. Cầu này do nhu cầu mua hàng, nhập hàng phục vụ buôn bán, sản xuất dịp cuối năm. Ngoài ra cầu tăng do nhiều DN đang đến kỳ đáo hạn USD, vì thời gian trước tranh thủ vay với lãi suất rẻ. Ngược lại, phía cung đang bị thiếu hụt tạm thời vì tâm lý e ngại, kỳ vọng giá USD còn tăng nên DN có USD và kể cả người dân không sẵn sàng bán ra. “Nhiều DN xuất khẩu cũng đã tính toán thiệt hơn, có động thái giữ lại USD khi thấy tỷ giá chợ đen cao hơn chính thức 1.000-2.000 đồng. Nếu NH muốn mua, DN rao giá cũng phải quanh mức 21.000 đồng/USD”, vị giám đốc chia sẻ.
“Tội đồ” vàng?
Trong khi đó, lãnh đạo ban kinh doanh ngoại hối của một NH quốc doanh tại Hà Nội, nhìn nhận yếu tố tâm lý người dân là nhân tố chính đẩy thị trường đi lên một cách quá đà. Người dân đang có tâm lý cứ nhập vàng thì giá USD sẽ tăng. “Không biết số lượng là bao nhiêu, thị trường cứ đồn thổi người thì bảo cho nhập 1 tấn, người thì bảo 10 tấn. 10 tấn là 500 triệu USD, với số lượng lớn như vậy thì đương nhiên tỷ giá sẽ phải tăng”, lãnh đạo này nói. Ông phân tích thêm, cho nhập vàng chính thức thì đương nhiên các DN phải sử dụng ngoại tệ nhập về. Nhu cầu nhập vàng chỉ trong thời gian ngắn nhưng khối lượng lại lớn nên rất dễ đẩy tỷ giá lên. Trong năm 2010 thị trường vàng tác động quá lớn vào thị trường ngoại tệ. Thị trường ngoại tệ hạ nhiệt do vàng xuất đi, nhưng lại sốt nóng do vàng nhập về. Có thể không phải hoàn toàn như vậy, nhưng vàng đã chi phối đặc biệt yếu tố tâm lý người dân.
Một chuyên gia khác thì cho rằng, thị trường ngoại hối nóng như vừa qua, một phần do động thái điều hành của NHNN thiếu sự rõ ràng. Khi người dân không biết xu hướng cụ thể như thế nào thì tâm lý thông thường sẽ tìm cách mua những mặt hàng có giá trị hơn như vàng, USD. Vì vậy, theo chuyên gia này, NHNN cần có định hướng rõ ràng thông báo và kiên định thực hiện theo định hướng đó về tỷ giá và quản lý tỷ giá. Ví dụ, nếu trong 1 năm NHNN có thể tính toán được thì nên xác định trong năm nay định hướng tỷ giá có thể tăng nhưng ở mức độ nào và NHNN sẽ can thiệp thị trường để giữ mức ổn định. Như vậy, thị trường sẽ không bị nhiễu loạn thông tin.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, hiện có nhiều ý kiến khác nhau về cách điều hành của NHNN. Theo kinh nghiệm của ông, dù có điều chỉnh như nào cũng cần phải tránh vòng xoáy "bánh xe thần chết". Đó là lạm phát tăng khiến tỷ giá hối đoái tăng, tỷ giá tăng kích động lạm phát tăng mạnh hơn. “Nó vừa kích động bằng các thực thể của thị trường tài chính, vừa kích động bằng tâm lý, và khi bánh xe này quay nhanh lên thì cực kỳ nguy hiểm. Thực tế, các nước Đông Âu vào 2008-2009 đã bị như vậy, lạm phát làm cho đồng tiền mất giá, đồng tiền mất giá làm cho lạm phát tăng lên, một số nước phải vay ngoại tệ của IMF để can thiệp vào thị trường hối đoái”, ông Nghĩa chia sẻ.
Theo Thanh niên