26 năm tích cực xây dựng mô hình lớp học VNEN, thúc đẩy phong trào học tập sôi nổi

(CTG) Thầy giáo Trần Văn Minh (SN 1971, Trường TH Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã dành suốt 26 năm nỗ lực xây dựng mô hình lớp học theo chuẩn VNEN nhằm khuyến khích học sinh tích cực phát biểu xây dựng bài, tư duy chủ động tìm kiếm, tích lũy kiến thức, góp phần thúc đẩy phong trào học tập sôi nổi tại địa phương.

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy đã từng mơ ước sau này sẽ trở thành thầy giáo đứng trên bục giảng để dạy dỗ cho các em nhỏ. “Lúc ấy, hình ảnh người thầy trong tôi không chỉ đơn thuần là người truyền đạt kiến thức, trí tuệ mà còn đem đến cho học sinh những niềm vui và cả tình thương yêu. Sau bao năm miệt mài học tập, rèn luyện, cuối cùng ước mơ của tôi cũng đã trở thành hiện thực: Giáo viên tiểu học, nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” - thầy Minh tâm sự.

Tốt nghiệp Trung học sư phạm năm 1992, thầy được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Phú Đông. Đến năm 1994, thầy được chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Tân Thành 2 dạy nhiều khối lớp khác nhau. Đến cuối năm 2010, thầy về Trường Tiểu học Phước Trung, giảng dạy khối lớp 5 cho đến nay. Hơn 28 năm gắn bó với nghề, thầy luôn tận tụy, không ngừng trau dồi chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và giữ gìn đạo đức nhà giáo.

Thầy giáo Trần Văn Minh tích cực xây dựng mô hình lớp học theo chuẩn VNEN nhằm khuyến khích học sinh phát huy tinh thần chủ động, tích cực xây dựng bài, tìm hiểu kiến thức

Đã chọn cho mình nghề dạy học thì ai cũng mong muốn được “Dạy tốt” và học sinh mình “Học tốt”, đó là ước mơ, là tiêu chí mà thầy và các đồng nghiệp cùng phấn đấu. Nói đến “Dạy tốt” không thể tách rời với phương pháp dạy học. Làm thế nào để tiết dạy đạt hiệu quả? Để học sinh háo hức chờ đón giờ học và cảm thấy “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Vì thế, trước khi lên lớp thầy luôn nghiên cứu kỹ nội dung bài dạy, luôn tìm cách đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức sao phù hợp với từng đối tượng học sinh của lớp mình, kết hợp tranh ảnh, mẫu vật thật, tìm tòi nhiều trò chơi học tập,... tích hợp dạy lồng ghép “tài nguyên môi trường biển hải đảo” qua các trò chơi vui học… để cho tiết học diễn ra một cách nhẹ nhàng, sinh động và  từ đó tạo hứng thú học tập ở học sinh.

Theo thầy, học sinh chỉ học tốt khi các em có thói quen độc lập suy nghĩ, tự đào sâu kiến thức không dựa vào thầy cô, bạn bè. Để giúp học sinh ghi nhớ kiến thức cơ bản, thầy tận dụng 4 bức tường để treo những bức tranh vui xen kẽ các kiến thức cần ghi nhớ hoặc những bài tập nâng cao để các em có thể giải thêm ở nhà một cách tự nguyện. Lớp học được thầy trò trang trí theo mô hình VNEN. Trên bàn giáo viên, thầy đặt “Hộp thư em muốn hiểu” để các em ghi những kiến thức chưa rõ trong quá trình tìm hiểu thêm ở nhà, thầy sẽ lần lượt giải đáp ở những thời điểm thích hợp. Cuối lớp thầy có “Hộp thư cảm xúc” để các em chia sẻ cảm xúc của mình qua mỗi bài học. Để cổ vũ và động viên kịp thời các em trong học tập dù là một sự tiến bộ nhỏ nhất cũng được thầy tuyên dương trước lớp và luôn duy trì bảng xướng tên các em có cố gắng hoặc học sinh giỏi mỗi tuần.

Tuổi trẻ các em rất nhạy cảm, lời động viên khuyến khích cũng như thái độ ân cần đối với với các em trong học tập, trong sinh hoạt vui chơi thật sự cần thiết. Nếu chúng ta gần gũi các em, là người cha, người mẹ thứ hai của các em sẽ giúp các em không có tâm lý sợ sệt xa lánh thầy cô, mà các em sẽ tìm thấy ở thầy cô sự kính trọng và tình yêu thương. Những tình cảm ấy sẽ giúp các em ngày càng tự tin hơn trong học tập và trong cuộc sống. Làm như thế không những giáo viên đem đến cho học sinh nguồn động viên lớn lao, mà các em sẽ khắc ghi mãi trong lòng và đây cũng là cách mà thầy giáo dục các em về nhân cách và lòng yêu thương.

Thầy Minh (phải) cùng học sinh tham gia và nhận giải thưởng Hội khỏe Phù Đổng

Trong dạy học, thầy luôn chú trọng kích thích tiềm năng của học sinh, động viên tôn trọng cá tính của các em, không dùng uy quyền để quát mắng, không nghĩ hộ, làm hộ dù gặp khó khăn, mà thầy là người hướng dẫn, gợi mở để các em tự suy nghĩ và tìm cách giải quyết vấn đề một cách thấu đáo nhất. Đối với những học sinh khó khăn trong học tập, mỗi khi mời các em trả lời câu hỏi, thầy không thúc bách mà dành thời gian chờ đợi các em suy nghĩ. Vì thường các em này rất tự ti, ngại phát biểu. Thầy luôn động viên: “Nếu các em tham gia phát biểu đúng sẽ được thầy khen, bạn nể, được tặng bông hoa điểm 10. Nếu trả lời sai sẽ được bạn, thầy chia sẻ, mà qua đó thầy biết được những chỗ kiến thức các em chưa nắm vững để giảng lại. Như vậy dù phát biểu đúng, sai các em điều có lợi. Cho nên, nếu các em không tham gia phát biểu ý kiến xây dựng bài thì đồng nghĩa với việc các em bị từ chối quyền lợi được học tập cho hay, cho giỏi; từ chối điều kiện thu thập kiến thức cho bản thân một cách sinh động và nhanh chóng về bài học, … Với sự khuyến khích trên, các em dần dần mạnh dạn, tự tin tham gia đóng góp xây dựng bài nhiều hơn.

Trong mỗi lớp học, trình độ học sinh thường không đồng đều. Qua nhiều năm dạy học, thầy thấy nếu lớp có nhiều học sinh giỏi điều đó rất thuận lợi, lớp học sẽ hứng thú, sinh động, giáo viên dạy cũng nhẹ nhàng hơn. Các em giỏi thường tư duy nhạy bén, nên khi giáo viên đặt câu hỏi các em thường trả lời rất nhanh, nhưng còn một số em khó khăn trong học tập là số ít nên không dám thú nhận tình trạng hụt hẫng kiến thức của mình. Nếu giáo viên không chú tâm, mà chỉ dạy theo trình độ học sinh khá giỏi sẽ dẫn đến lỗ hổng kiến thức của các em yếu kém. Lúc đó, có phụ đạo cũng khá vất vả. Vì vậy, trong quá trình dạy học, thầy luôn quan sát kỹ các em hoặc đặt câu hỏi lật ngược vấn đề, để xem các em có hiểu bài không? Nắm chắc trình độ của từng em để có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Ngoài ra, thầy còn là một nhà tâm lý để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm các em để biết các em đang nghĩ gì, cần gì, muốn gì từ đó có hướng giáo dục thích hợp.

Trong vai trò chủ nhiệm lớp, thầy luôn băn khoăn, trăn trở làm sao để sợi dây nối liền giữa gia đình và nhà trường ngày một gần hơn, để gia đình biết sớm và nhanh những thông tin về học tập, sinh hoạt ở trường của con em mình? Với suy nghĩ ấy, đầu năm thầy xin phụ huynh số điện thoại, kết bạn qua zalo để trao đổi hàng ngày; sổ liên lạc điện tử gửi về sau những lần kiểm tra định kì, … đã giúp thầy hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Dù rằng, lớp thầy có tới 35 học sinh, lúc đầu không hẳn là dễ dàng, nhưng bù lại kết quả học tập của các em có sự tiến bộ rõ rệt hàng ngày, hàng tuần đã đem lại niềm vui, niềm phấn khởi cho thầy, trò và cả gia đình của các em. Muốn được như vậy, thầy phải giúp các em phương pháp học tập, nghĩa là phải hình thành cho các em tính tự học, tự chiếm lĩnh và khắc sâu kiến thức. Nếu thầy khai thác đúng lúc sẽ phát huy được năng lực sáng tạo của học sinh, là động cơ để giúp các em học tập tích cực, nguồn gốc để đảm bảo “học tốt”.

“Tôi muốn mình mãi là một người kỹ sư tâm hồn để nhìn thấy hành trình hoàn thiện nhân cách trong từng lớp măng non. Tôi muốn là một nấc thang trong bước đường đi tới vinh quang của các em vì tôi chọn nghề giáo viên và tôi luôn tự hào về nghề mình đã chọn. Để thực hiện được điều đó, tôi phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và nâng cao trình độ của mình để trở thành một thầy giáo giỏi, luôn vững tay chèo để lái con đò tri thức được cập bến thành công” - thầy Minh xúc động chia sẻ.

Với những đóng góp của mình, thầy Minh vinh dự đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” nhiều năm liền, “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, Giấy khen của Sở GD&ĐT, Bằng khen UBND tỉnh. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 2 lần, Huân chương Lao động hạng 3, Bằng khen của Tỉnh ủy Tiền Giang. Đặc biệt, thầy Minh vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19.