Tết và hoa, cho và nhận

(CTG) Những gì đẹp nhất cứ kìn kìn xuôi, những gì khổ nhất, tội nhất cứ trèo lên mặt báo để ngược mà lần về cội nguồn! Một chút buồn trong ngày Tết có nên không khi ai cũng thích nói về những niềm vui? Có lẽ hơi thừa khi mở ngoặc rằng dù vui cách gì đi nữa cũng đang hiện hữu quanh ta hàng triệu nỗi buồn của cái nghèo miền núi cao, cái nghèo của miền biển sóng gió...


Mỗi mùa xuân bắt đầu bằng cái tết, cùng với tết là hoa. Khi những nụ hoa đào, hoa mai chớm nở, rung rinh trong làn mưa xuân trắng xóa làm ta nhớ đến câu ca cũ của "ngày xưa": Em nghiêng bên má/ Hứng giọt mưa rơi/ Em ngẩng nhìn trời/ Mưa xuân trắng xóa.

Cái khoảnh khắc của lúc "mưa rơi nhè nhẹ" ấy (hình như là lời thơ của Phạm Hổ), dường như là sự tích tụ đủ đầy của nhận và cho - có gì hạnh phúc bằng lúc được nhận và cho? Tết, nếu được "định nghĩa" theo cái lẽ tự nhiên khó hình dung nhất nhưng lại nhiều xúc cảm nhất đó là cơ hội,là cái nguyên căn của niềm vui, cái thức đợi của mơ ước về những gì chúng ta tin là sẽ có, sẽ đến...

Những tấm lòng "xanh"

Trong chương trình của VTV2 ít ngày trước đây, có những dòng tin (và hình ảnh) thật xúc động:

Một nhóm những học sinh Hà Nội đã tự động rủ nhau góp chút tiền có được nhờ bớt đi bữa sáng. Góp công sức bằng sự hết mình của tận tụy, sẻ chia từ đồng cảm và hiểu biết. Góp sự sáng trong mướt xanh vào từng chiếc lá dong. Góp từng ký ức mặn đầy về những hạt gạo nếp đã  mẩy tròn, trắng đủ từ những ngày Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em đi cấy (thơ Trần Đăng Khoa)...; để gói thành 500 chiếc bánh chưng xanh, gửi tặng cho những người mà lũ trẻ chưa từng gặp mặt ở một xã vùng cao, nơi tít tận mây mù lạnh giá xa xôi...

Tấm lòng "xanh" của những con người non trẻ ấy, như lộc mới trên cành, cho mà không hề biết mình đã cho, không thể biết ai là người nhận, thật đúng theo cách nghĩ của cha ông xưa - thi ân bất niệm (làm ơn cho người không nên nhớ là mình đã làm). Cái cách cho như Đức Chúa đã nói, tay phải không biết tay trái đã làm (ơn) gì, là cách cho của sự cao đẹp vô cùng.

Còn nhớ, rất nhiều lần vào dịp cuối năm, có không ít người tặng tiền cho người nghèo với địa chỉ A, B, C chính xác, nhưng người xem truyền hình không khỏi ngỡ ngàng vì "người ấy" chỉ 5 hay 7 tuổi(!)? Những đứa trẻ ấy có tiền đâu để làm từ thiện và, quan trọng hơn nữa, chúng có biết gì đâu để cho với đúng nghĩa của từ này? Càng thấm thía hơn câu ngạn ngữ của người Pháp: Cái quan trọng hơn cả món quà là cách cho món quà đó.

Chuyện của những học sinh THPT Hà Nội rất đáng để phổ biến khắp nơi. Nó giá trị bằng hàng chục tiết giảng về giáo dục đạo đức công dân. Nó là lời tuyên ngôn thầm lặng nhiều ý nghĩa về trách nhiệm và nghĩ suy, hiểu biết của những công dân mới của một thời đại mới.

Nếu ngày mai, ngày kia, vận nước, xã tắc, sơn hà chắc chắn được giao phó vào những bàn tay ấy, những trái tim ấy thì còn gì yên tâm hơn, hạnh phúc hơn? Nói đến đây mới thấy rằng những bài giảng về đạo đức cao siêu, thật ra chưa hề đủ, dù chỉ một lần làm đỏ môi cho tất cả những ai quen với lối hành xử chót lưỡi, đầu môi....



Mỗi mùa xuân bắt đầu bằng cái tết, cùng với tết là hoa. Nguồn: Xemanhdep.com


Cho và nhận

Đọc VNN ngày 14/1/2012 có một dòng tin thật đáng chú ý: Nhộn nhịp đào rừng Sa Pa xuống phố về xuôi. Đất đến của nó là Vinh- vùng đất giàu của nhiều trưởng giả mới "lên đời" trong khi có hàng trăm vạn người nghèo luôn thuộc câu cửa miệng Nghệ Tĩnh mình ơi Trung ương gọi lấy mì (để cứu đói). Xin nhấn mạnh rằng người viết bài này quê ở Vinh, hiểu rõ và hiểu đúng cái phận nghèo đau đớn và tủi nhục như thế nào).

Đào Sa Pa có ưu điểm là thân cây mốc trắng có vẻ như thật cỗi già, hoa nở cả tháng chưa tàn, đẹp và đắt khủng khiếp. Đành rằng, hoa nào cũng có cái giá đúng của nó nhưng chợt giật mình khi ngẫm ra rằng người miền xuôi - Hà Nội, Vinh, Hải Phòng..., những đại gia, cứ tết đến xuân về, mặc sức xỉa tiền để mua hoa mà chẳng hề băn khoăn tí chút gọi là cái ân tình, nghĩa cử của khái niệm "vô minh" là cho và nhận?

Những người đủ tiền trả vài triệu đến vài chục triệu cho một cành hoa, một cây hoa, có bao giờ chợt lắng lại một chút hoài niệm nhỏ rằng ta đã từng đóng góp được gì cho cái nghèo, sự khổ của miền núi xa xôi? Câu hỏi ấy chẳng bao giờ được trả lời bởi thay vì nghĩ, người ta tin rằng cứ đếm và đưa những khoản tiền nào đấy đã cũng là cho.

Tại sao không nghĩ rằng khi ta đến với vùng cao khốn khó để mua hoa (mua hết, cả gốc lẫn ngọn) chỉ là cách ăn xổi ở thì, vì ta không hề băn khoăn rằng để có được một gộc đào mốc quăn tróc thành vỏ lở thành cùi ấy, núi rừng linh thiêng cằn cỗi phải ủ ấm suốt hàng chục năm ròng?

Cái giá của sự ăn xổi nó nhiều lẽ lắm mà, một trong những lẽ giản dị nhất là cứ lấy và lấy, không đầu tư, không nghĩ đến kế sách dài lâu thì những cây đào Sa Pa nổi tiếng sẽ héo rũ trước khi kịp cỗi gốc, bạc màu? Lúc ấy, cái thú, cái sướng của kẻ thích chơi hoa, ngắm hoa, mua hoa dẫu có tiền cũng chẳng thể nào mua được?

Hoa từ rừng núi, rẻo cao với sương mờ, mây biếc chính là nguồn cội của đất Việt dấu yêu. Cứ mặc cho miền đất ây khổ và cực nhọc và chỉ biết đến và mua (lấy) hết những gì đẹp nhất, là cái phản đề thật đáng ngậm ngùi của trăn trở, nghĩ suy.

Vĩ thanh

Những gì đẹp nhất cứ kìn kìn xuôi, những gì khổ nhất, tội nhất cứ trèo lên mặt báo để ngược mà lần về cội nguồn! Một chút buồn trong ngày Tết có nên không khi ai cũng thích nói về những niềm vui? Có lẽ hơi thừa khi mở ngoặc rằng dù vui cách gì đi nữa cũng đang hiện hữu quanh ta hàng triệu nỗi  buồn của cái nghèo miền núi cao, cái nghèo của miền biển sóng gió... Tết chỉ làm cho họ bớt một chút buồn.

Liệu có bao giờ người Hà Nội, chính quyền Hà Nội nghĩ đến và làm một việc nghĩa cử của cho và nhận như một nhóm các em học sinh Hà Nội đã làm. Đó là có chút tấm lòng, lo Tết gửi lên cho người miền núi cao. Họ bán (nhưng cũng là cho đi), những cành đào rừng quý giá, và họ đáng được nhận về chút tấm lòng- như một sự biết ơn của nghĩa đồng bào thơm thảo?

Ngày tết, những lời chúc nhàm chán, lặp mãi hoài như một điệp khúc đến hẹn lại lên, vừa là cho lại vừa là nhận đấy.

Ta cho người một lời chúc đúng lúc, đúng chỗ cũng là để khen ta về cái sự biết. Hầu như ngày tết, khi đến nhà nhau, người ta cũng bàn về hoa. Ví như cây đào rừng năm nay của bác đẹp quá...  Vậy nhưng hầu như chẳng ai ở đô thị, ở Thủ đô nghĩ rằng, để có một cây đào, một cành đào rừng đẹp phong sương và mê hồn, thì đâu đó ở vùng núi cao, là sự trơ trụi và lạnh giá.

Liệu có bao giờ người Hà Nội, chính quyền Hà Nội nghĩ đến và làm một việc nghĩa cử của cho và nhận như một nhóm các em học sinh Hà Nội đã làm. Đó là có chút tấm lòng, lo Tết gửi lên cho người miền núi cao. Họ bán (nhưng cũng là cho đi), những cành đào rừng quý giá, và họ đáng được nhận về chút tấm lòng- như một sự biết ơn của nghĩa đồng bào thơm thảo?

Theo Tuần Việt Nam