Trí thức trẻ góp phần đưa nền nông nghiệp vươn xa

(CTG) Không chỉ là đồng tác giả của 5 giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu, Tiến sĩ Chu Đức Hà, giảng viên khoa Công nghệ nông nghiệp, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) còn sở hữu 4 bằng độc quyền sáng chế. Đặc biệt, anh cùng cộng sự đã nghiên cứu phát triển các giải pháp IoT thông minh trong cảnh báo sâu bệnh và điều khiển tưới chính xác để giải quyết các bài toán cho sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Tiến sĩ Chu Đức Hà vừa được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2023.

Giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu

Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Hà lựa chọn ngành Công nghệ sinh học, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) làm nơi học tập.

Sự nỗ lực không ngừng đã giúp anh được làm việc tại nhóm nghiên cứu xuất sắc của TS Nguyễn Thị Thanh Thủy tại bộ môn Sinh học phân tử, Viện Di truyền nông nghiệp. Năm 2014, anh theo học nghiên cứu sinh ngành Công nghệ sinh học tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam dưới sự hướng dẫn của TS Lê Tiến Dũng.

Dưới sự hướng dẫn, dìu dắt và định hướng của các anh, chị đi trước và từ lúc nào không hay tiến sĩ Hà đã dành đam mê cho ngành Công nghệ sinh học. Năm 2019, anh bảo vệ luận án tiến sĩ, khi đã sở hữu ba tấm bằng đại học chính quy.

Tiến sĩ Chu Đức Hà (đứng thứ 4 từ trái sang) vinh dự được lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng và đại diện Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2023
Tiến sĩ Chu Đức Hà (đứng thứ 4 từ trái sang) vinh dự được lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng và đại diện Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2023

Công tác tại Viện Di truyền nông nghiệp, được tiếp xúc với môi trường khoa học chuyên nghiệp đã giúp anh Hà có cơ hội theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu. Đặc biệt, được làm việc với các đồng nghiệp xuất sắc giúp anh có cơ hội học hỏi và sáng tạo. Đó cũng là cơ duyên đưa anh đến với việc nghiên cứu, cải tiến một số giống lúa ứng phó biến đổi khí hậu.

Anh và nhóm nghiên cứu đã sử dụng công cụ chọn giống phân tử hiện đại để cải tiến một số giống lúa ứng phó biến đổi khí hậu.

Hiện anh là đồng tác giả của 5 giống lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu được công nhận cấp quốc gia; đạt 4 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích quốc gia. Trong đó: 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia, 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích quốc gia.

“Chúng tôi đã cải tiến giống lúa sản xuất, vốn rất mẫn cảm với các yếu tố môi trường bất lợi, bằng kỹ thuật tích hợp gene. Chúng tôi đã tạo ra dòng, giống mới, giữ đặc tính nền, năng suất cao và tăng cường khả năng chống chịu, phù hợp với những địa phương chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt”, anh Hà cho biết.

Giải pháp thông minh cho nông nghiệp

Trong đó, gống lúa SHPT3 của anh Hà và nhóm nghiên cứu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống chính thức, cho sản xuất tại các tỉnh phía Bắc. Giống lúa HL5 cũng đã được đưa vào sản xuất. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu còn triển khai lai tạo những dòng lúa ưu tú tích hợp đa gen kháng (ngập + mặn, đạo ôn + bạc lá + rầy nâu).

Anh Hà tin tưởng và hy vọng các giống lúa ứng phó với biến đổi khí hậu này sẽ được canh tác ở những vùng chịu ảnh hưởng khí hậu khắc nghiệt để giúp cải thiện tình hình an ninh lương thực cho bà con nông dân.

Trí thức trẻ góp phần đưa nền nông nghiệp vươn xa
Tiến sĩ Chu Đức Hà trong phòng thí nghiệm

Không chỉ góp phần tạo ra những giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, anh Hà còn ghi dấu ấn với sản phẩm “Hệ thống bẫy sâu keo mùa thu tự động”. Đề tài được anh và nhóm nghiên cứu nông nghiệp số thuộc khoa Công nghệ nông nghiệp (trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

Thiết bị được thiết kế dựa trên bẫy sâu trưởng thành sử dụng pheromone. Các cảm biến được tích hợp vào thiết bị nhằm đếm số lượng sâu trưởng thành bị bẫy và thu thập thông số môi trường, bao gồm nhiệt độ và độ ẩm không khí. Kết quả của nghiên cứu này đã đề xuất một giải pháp hữu hiệu trong việc bẫy và đếm sâu, từ đó đưa ra cảnh báo về sự xuất hiện của sâu keo mùa thu tại các tỉnh phía Bắc.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu còn đưa ra cảnh báo sớm và dự đoán xu hướng xuất hiện và diễn biến dịch trên đồng ruộng. Hiện nay, hệ thống bẫy sâu keo mùa thu sử dụng pheromone thông minh đã được lắp đặt và đi vào sử dụng tại nhiều địa phương trồng ngô sinh khối, từ đó giúp giảm thiệt hại từ sâu keo mùa thu và chi phí phun thuốc.

Đặc biệt, anh Hà và nhóm nghiên cứu còn “sở hữu” độc quyền sáng chế liên quan đến giải pháp hệ thống tưới chính xác trong canh tác thông minh ở các mô hình nhà màng, nhà lưới. Sáng chế này cho phép tự động pha trộn các dung dịch dinh dưỡng. Với việc điều khiển tự động và thông minh sẽ cung cấp một lượng dung dịch tưới chính xác cho các vị trí cây trồng trong nhà màng, nhà lưới.

Hiện nay, giải pháp này đã được áp dụng thành công tại các nhà lưới, nhà màng sản xuất rau sạch hữu cơ trên địa bàn Hà Nội. Trong thời gian tới, giải pháp này được đưa ra thử nghiệm tại các khu vực sản xuất rau sạch cung cấp cho Hà Nội và các địa phương lân cận.

Từ những công trình nghiên cứu này, Tiến sĩ Chu Đức Hà mong muốn góp phần nâng cao đời sống người dân, đưa nền nông nghiệp vươn xa.

Trong số 42 thanh niên trẻ xuất sắc nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2023 có 5 trí thức trẻ là chủ công trình nghiên cứu khoa học, các sáng kiến tạo ra sản phẩm thiết thực, được bà con Nhân dân ứng dụng phục vụ hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Tiến sĩ Chu Đức Hà là một trong 5 trí thức trẻ vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của. Đây là những “hạt nhân” tạo nên giá trị gia tăng cho xã hội và nền nông nghiệp nước nhà.

Giải thưởng Lương Định Của nằm trong chuỗi sự kiện Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2023, diễn ra ngày 13/11, tại Sóc Trăng. Năm nay, đánh dấu mốc năm thứ 3 liên tiếp Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đồng hành cùng Trung ương Đoàn tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình thanh niên tiên tiến trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.

Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô