Thư tịch chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Các thư tịch còn lưu giữ khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

Hình ảnh Hoàng Sa - Bãi Cát Vàng trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư
Ảnh: Tạp chí Phương Đông
 
Song song với hệ thống bản đồ cổ thể hiện chủ quyền xuyên suốt của VN đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ 15, hệ thống thư tịch cũng là những chứng lý quan trọng ghi nhận chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông suốt nhiều thế kỷ qua. Các tài liệu cổ không chỉ mô tả hoạt động của chính quyền, lực lượng cai quản và ngư dân trên hai quần đảo mà còn thể hiện chính quyền Trung Quốc từng mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của VN tại đây, trước khi bộc lộ tham vọng độc chiếm phần lớn Biển Đông trong thời gian gần đây với những hành vi xâm chiếm, quân sự hóa nhiều đảo, thậm chí vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN bất chấp luật pháp và sự phản đối của VN cùng cộng đồng quốc tế.

Đội Hoàng Sa

Một trong những tài liệu cổ của VN là Đại Việt sử ký tục biên, bộ sách viết về lịch sử VN giai đoạn từ năm 1676 - 1789, tức từ thời vua Lê Hy Tông đến thời vua Lê Chiêu Thống. Nội dung sách cho thấy từ thời vua Lê Hiển Tông (1717 - 1786), VN đã làm chủ Hoàng Sa. “Ngoài biển xa An Vĩnh có nhiều đảo lớn gồm hơn 130 đảo, các đảo cách nhau một ngày đi thuyền hoặc vài canh giờ. Trên đảo có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có Bãi Cát Vàng dài ước hơn 30 dặm, bãi phẳng, nước trong. Đảo có vô số tổ yến, ốc vằn, ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải sâm, đồi mồi”, Tạp chí Phương Đông trích đăng một phần nội dung sách.
 
Thư tịch chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - ảnh 1

Ghi chép về đội Hoàng Sa Nhị trong bản đồ vẽ cù lao Ré (đảo Lý Sơn)

 
Cuốn Quảng Thuận Đạo sử tập được soạn vào cuối đời Hậu Lê của tác giả Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1786) ghi nhận việc đảo Lý Sơn lập đội Hoàng Sa Nhị. “Hằng năm có 8 chiếc thuyền ra biển đến xứ Hoàng Sa thu lượm hàng hóa mang về nộp tại Dinh Phú Xuân. Các tàu thường tháng 4 ra đi và tháng 7 quay trở về”. Trên bản đồ vẽ cù lao Ré (đảo Lý Sơn) có kèm thông tin cụ thể hơn về việc đội Hoàng Sa Nhị mỗi năm có 8 chiếc thuyền ra biển.
 
Một thư tịch quan trọng khác là Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư ghi lại việc chúa Trịnh Căn vào năm 1686 yêu cầu ông Đỗ Bá vẽ bộ Tứ chí lộ đồ, trong đó có mô tả về Hoàng Sa và hoạt động của đội Hoàng Sa. “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ra đây. Có gió đông bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt vào đây, đều cùng chết đói và hàng hóa thì để lại. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến lấy hàng hóa, phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy thì phải một ngày rưỡi”. Tương tự, bản Giao Châu dư địa chí đồ từ thời nhà Lê cũng có Bãi Cát Vàng kèm chú thích “ngoài biển có dải cát vàng gọi là Bãi Cát Vàng, dài hơn 400 dặm, chu vi hơn 20 dặm nổi lên giữa biển”.

Thực thi chủ quyền

Theo các thư tịch cổ, Đàng Trong thực thi chủ quyền xuyên suốt kể từ khi chiếm hữu “Bãi Cát Vàng” vào khoảng năm 1620. Điều này được mô tả tỉ mỉ trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1726 - 1784). Lê Quý Đôn là bảng nhãn ở Đàng Ngoài, được bổ nhiệm làm hiệp trấn và tham tán quân cơ tại Thuận Hóa trong thời gian quân Trịnh chiếm đóng xứ này. Khi vào Thuận Hóa, ông chú ý ngay đến kho tàng văn khố của các chúa Nguyễn còn bỏ lại ở Phú Xuân.
 
Các kết quả nghiên cứu báo cáo về Thăng Long cho chúa Trịnh, được ông tổng hợp lại thành sách Phủ biên tạp lục, trong đó có phần mô tả về hoạt động của đội Hoàng Sa và Bắc Hải dưới thời chúa Nguyễn. “Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Châu, xã An Vĩnh ngoài cửa biển có núi gọi là cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân trồng đậu, ra biển 4 canh thì đến. Phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa. Trước kia có nhiều sản vật và những hóa vật của tàu. Lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày 3 đêm mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải”, sách viết.
 
Lê Quý Đôn còn đề cập đến “tàu ngoại phiên” thường vào đậu ở Đại Trường Sa để tránh bão. “Họ Nguyễn lập đội Hoàng Sa với 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ 2 tháng nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy”, ông viết. Sách còn đề cập đến việc chúa Nguyễn lập đội Bắc Hải lấy người ở thôn Tứ Chính ở Bình Thuận và lệnh cho các thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên.
 
Lê Quý Đôn kể rằng ông từng đọc công văn của quan chính đường huyện Văn Xương (Hải Nam, Trung Quốc) gửi cho Thuận Hóa nói rằng: “Năm Càn Long thứ 18 (1753) có 10 tên quản nhân xã An Bình, đội Cát Liêm, huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi, An Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm... Chợt có cuồng phong làm đứt dây buộc thuyền trôi dạt đến cảng Thanh Lan (trên đảo Hải Nam). Quan địa phương xét thực liền cho trả về nguyên quán. Nguyên Phúc cho cai bạ Thuận Hóa là Thúc Lượng hầu viết thư phúc đáp”.
 
Theo Tạp chí Phương Đông, tài liệu trên cho thấy nhà Thanh biết rõ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của VN nên còn giúp đỡ ngư dân VN từ đây trôi dạt sang nước họ.
 
Nguồn TNO
T.LN