Ước mơ bác sĩ của cậu học trò nhiều nỗi đau

(CTG) Khi Truyền lên 2 tuổi thì mẹ bỏ lại cha con em đi biệt tích. Năm em học lớp 11, cha em qua đời vì bệnh.



Ảnh minh họa.


Căn nhà tình nghĩa nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi là nơi sinh sống của hai anh em mồ côi Trần Thanh Truyền, là học sinh lớp 12A8 Trường THPT số 1 Đức Phổ và em trai.

Khi Truyền lên 2 tuổi thì mẹ bỏ lại ba cha con đi biệt tích. Năm Truyền học lớp 11, cha qua đời vì bệnh, để lại món nợ hơn 30 triệu đồng tiền thuốc men chữa trị. Không còn người thân để nương tựa, ngoài giờ học, Truyền tranh thủ đi làm thêm, ai kêu gì làm nấy từ việc phụ bán hàng, coi tiệm sách, dạy thêm đến chở rơm rạ...

Về đến nhà thì chăm sóc vườn rau, nuôi heo gà, cắt cỏ cho bò. Truyền phải nhờ người bà con xa vay vốn ngân hàng mua con giống để nuôi với hi vọng sẽ kiếm được tiền lời trả nợ, chăm lo cho cuộc sống của hai anh em. Làm việc không ngừng nghỉ, nếu một ngày có 24 giờ thì Truyền chỉ dành cho mình năm giờ để nghỉ ngơi.

Thời gian còn lại ngoài những giờ học ở trường, làm bài tập là lúc Truyền miệt mài cho cuộc sống mưu sinh vì biết mình không có nhiều thời gian để lãng phí, phải biết “lập trình” để sử dụng hiệu quả nhất. Truyền tâm sự: “Cuộc sống không cho phép mình lựa chọn, phải đấu tranh để sinh tồn, mình không muốn bản thân dựa dẫm vào người khác mà phải tự cố gắng, tự cứu lấy chính mình”.

Không có điều kiện học tập tốt nhưng Truyền luôn biết cách vượt qua mọi khó khăn, 11 năm liền đạt học sinh giỏi và đạt nhiều thành tích từ các cuộc thi học sinh giỏi môn sinh đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ.

Truyền tâm sự: “Lúc ba mất, mình cứ trách bản thân mình sao quá vô dụng, giá mà có thể san sẻ bớt nỗi đau, tìm cách chữa bệnh cho ba thì ba đã không bỏ hai anh em mà ra đi. Thằng Sa em của mình lại mắc bệnh trầm cảm, ngại tiếp xúc với người lạ, nhìn thấy nó lòng mình đau lắm. Nhưng trước mặt nó, mình phải mạnh mẽ vì chặng đường phía trước còn lắm gian nan, hai anh em phải bám víu lấy nhau mà sống”.

Không có tiền đi học thêm, mua sách tham khảo, Truyền tận dụng thời gian rảnh để đi trông coi tiệm sách vừa có thêm thu nhập, vừa có sách để đọc. Đối với Truyền, trở thành bác sĩ là ước mơ, là động lực để không ngừng cố gắng. Từ nay đến lúc thi để xét tuyển vào đại học chỉ vỏn vẹn tính bằng ngày, trong thời gian ngắn ngủi ấy đối với Truyền là cả quá trình đấu tranh tâm lý giữa ước mơ, hoài bão bản thân với gia đình bé nhỏ của mình.

Theo Tuổi Trẻ